Người thầy chưa bao giờ gặpChuyện cổ tích về “mẹ Ngân”40 năm và 38 căn nhà cho học trò
Phóng to |
Trường học vùng cao phía trước và phía sau là suối - Ảnh: N.T.L. |
Thầy giáo Nguyễn Thành Chung lên vùng cao Bảo Yên (Lào Cai) dạy học từ năm 2004. Khi ấy, Bảo Yên còn là một vùng quê nghèo khó, trường lớp còn sơ sài, học trò ở sâu trong các bản Mông, bản Tày. Ấn tượng mà đến chục năm sau thầy Chung vẫn còn nhớ như in và say sưa kể cho đồng nghiệp của mình nghe là tên gọi một học trò người Mông.
Khi nhận lớp chủ nhiệm khối 10, chưa biết tên học trò lớp mình, phút đầu làm quen thầy Chung mạnh dạn hát một bài rồi hỏi tên từng em một. Hướng về một nam sinh người Mông tóc vàng hoe, chân đi dép quai nhựa, mặc quần áo đen, thầy Chung hỏi: “Em tên là gì?”. Cậu học trò người Mông đáp lại bằng tiếng Kinh pha tiếng Mông: “Em tên là Dì”. Nghe thấy lời đáp như vậy, thầy Chung hỏi lại lần thứ hai và lại nhận được câu trả lời từ em học trò như ban đầu. Băn khoăn liệu có phải cậu học trò kia không biết tiếng Kinh nên nói nhại lại lời thầy giáo? Rất may lúc đó một em học sinh người Tày nhanh nhảu đứng lên giải thích cho thầy giáo biết: “Thưa thầy, bạn ấy tên là Dì thật đấy, tên đầy đủ của bạn là Lù Seo Dì!”. Thầy Chung lúc ấy mới chợt hiểu đó là cách đặt tên của người vùng cao. Vừa quen, vừa lạ, vừa thú vị.
Vừa lạ, vừa ấn tượng
"Những tên gọi đã trở thành một đặc trưng rất riêng của học trò vùng cao. Điều đó làm nên những ấn tượng rất thú vị và xúc động đối với các thầy cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy chữ" Thầy giáoHOÀNG VĂN CHÚC(hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên, Lào Cai) |
Không giống như học trò miền xuôi với những cái tên rất kêu, rất đẹp, học trò vùng cao là con em đồng bào các dân tộc thiểu số lại có những tên gọi hết sức tự nhiên, hồn nhiên và giản dị. Không khó tìm khi đến các trường học vùng cao, những thầy cô giáo miền xuôi mới lên vùng cao dạy học khi đọc tên học sinh cũng dừng lại tủm tỉm cười hay đỏ mặt. Còn đối với các em học sinh vùng cao, đó lại là những tên gọi bình thường.
Hiếm nơi nào lại có những cái tên như Hoàng Thị Chim, Hoàng Thị Bướm, Lương Thị Cu... như ở Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai). Khi hỏi vì sao lại được bố mẹ đặt tên như vậy, các em thành thật trả lời không chút ngần ngại đó là tên gọi của các con vật trong núi rừng tự nhiên, đồng bào Tày, Mông sống gần rừng, gần suối nên yêu quý các con vật. Vì vậy, khi sinh con thì lấy tên các con vật để đặt cho con, mong các con “chóng lớn”, khỏe mạnh và lớn lên một cách tự nhiên. Chẳng thế mà ngoài những tên gọi rất “kêu” ở trên thì cũng ở ngôi trường này, rất nhiều em mang những tên gọi như Cổ Thị Núi (núi rừng), Cổ Thị Suối (suối chảy), Cổ Thị Chày (cái chày giã gạo), Hoàng Thị Nứa (cây nứa trên rừng), Hoàng Thị Lúa (hạt thóc)... Có gia đình còn “bạo gan” đặt tên con là Cổ Thị Trời (trời đất), mong con lớn lên tự nhiên, cao rộng như đất trời vậy.
Do sống gần với thiên nhiên, sống dựa vào thiên nhiên suốt cuộc mưu sinh, do vậy khi đặt tên con, mong cho con có những cái tên đẹp, người Tày, người Mông, người Dao lựa chọn những loại cây mọc nhiều trên địa bàn để đặt tên con. Đến các trường học vùng cao sẽ có nhiều em mang những cái tên trùng nhau như Hoàng Thị Đào, Hoàng Thị Mận, Hoàng Thị Mơ, Hoàng Thị Bòng, Hoàng Thị Chanh, Cổ Thị Sung... Tên gọi của các em đều mang tên các loài quả có trên rừng hoặc trong vườn nhà, vừa gần gũi vừa hoang hoải chất núi rừng.
Cũng có nhóm tên các em học sinh được đặt theo sức khỏe và tâm trạng của con người như Hoàng Văn Sướng, Cổ Thị Vui, Cổ Thị Ước, Nông Văn Vực, Hoàng Thị Sức, Hoàng Thị Sua, Hoàng Thị Mừng, Nguyễn Thị Bùi, Ma Tiến Lực, Cổ Văn Trướng, Cổ Văn Điệu, Ma Thi Sang, Ma Thị Giàu... Những tên gọi này vừa gợi lên niềm vui, niềm sung sướng, gợi sức khỏe, mong cho con trẻ sau này có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ở nhóm học sinh người dân tộc Mông có tên gọi rất đặc trưng và khi phát âm thấy rất ấn tượng, gợi nhiều liên tưởng. Hầu hết các em ở trên núi cao, quanh năm làm bạn với núi rừng và sương mờ nên những tên gọi ấy vừa gợi lên địa bàn sống, vừa gợi ý chí của mỗi người. Do vậy so với học sinh người Tày, Dao, học sinh người Mông có tên khá dễ nhớ nhưng không hề dễ gọi như Lù Sèo Vần, Lý A Chóng, Thèo Chính Cheng, Lý A Chú, Thào Seo Lìn, Thào Seo Dì, Thào Văn Chóng, Lý A Chớ, Vàng Quáng Diêu... Đó là những tên gọi rất đặc trưng của đồng bào Mông.
Phóng to |
Học trò vùng cao với những cái tên vừa lạ, vừa thân quen - Ảnh: N.T.L. |
Gửi gắm những ước mơ cao đẹp
Khi được hỏi vì sao lại có cách đặt tên như thế, đa số phụ huynh học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng cao cho rằng đó là cách đặt tên một cách ngẫu nhiên mà không hề có sự lựa chọn kỹ càng, đắn đo như người dưới xuôi. Tất nhiên những tên gọi đó đều mang những quan niệm, nét nghĩ và phong tục của đồng bào vùng cao. Trước đây, việc đặt tên con có chữ “tục” là mong ma cà rồng hay ma rừng không bắt vía của con mình. Nhưng sau này việc đặt tên con sau khi sinh gắn liền với sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, mang theo những ước mơ cao đẹp của đồng bào về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những tên gọi của học trò đối với các thầy cô giáo vùng xuôi nghe lần đầu thấy lạ, thấy khó phát âm nhưng nói mãi thành quen và cảm thấy thân thuộc, gắn bó.
Ma La Đô Na và Ma La Đô Min Lên vùng cao, khi tiếp xúc với học trò ở các cấp học, không thiếu những câu chuyện vui khi các em được đặt tên. Có hai anh em học sinh người Tày, họ Ma được sinh đúng vào thời điểm cầu thủ bóng đá Maradona nổi danh nên bố mẹ đặt tên con nhái theo tên gọi của cầu thủ là Ma La Đô Na và Ma La Đô Min (có chữ La vì người Tày khó phát âm “r”). Rồi có gia đình người Tày đặt tên con là Ma Chiu Sa, nhái theo bài hát Nga Kachiusa. Cũng có nhóm tên được các gia đình ở vùng cao lựa chọn để đặt tên cho con theo tên gọi các con vật như Lý Văn Miu, Hoàng Thị Hợi, Nguyễn Thị Dần, Hoàng Thị Ong, Hoàng Văn Cáo... Có em bố mẹ không ngần ngại khi đặt tên con là Hoàng Văn Khuyển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận