10/10/2019 09:48 GMT+7

Nhớ Du Tử Lê - nụ cười rộng lượng...

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Vĩnh biệt tác giả của Khúc thụy du, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - người làm việc cùng ông trên nhiều ấn phẩm mang tên Du Tử Lê ra mắt độc giả Việt Nam gần đây.

Nhớ Du Tử Lê -  nụ cười rộng lượng... - Ảnh 1.

Nhà thơ Du Tử Lê - Ảnh: TRIẾT TRẦN

Tôi đã "trách móc" ông rằng, ngay từ những ngày đầu tập tễnh vào nghề xuất bản, tôi đã gặp một ca "khó đỡ", đó là ông.

Ông cười, cái cười nhẹ nhõm, độ lượng của người từng trải, ánh lên sự đa tình phong lưu, như thể nhìn thấy hết những vướng mắc của kẻ hậu sinh phải đứng vào thế cân đong từng chữ, từng câu thơ trong các thi phẩm của ông, để tìm cách cho xuất hiện công khai trở lại...

Mọi lá thư ông viết, dù cho có tranh luận "mất còn" về chữ nghĩa, thì vẫn với một giọng điệu hết sức từ tốn, nhẹ nhàng. Đó cũng là tính cách sống ở đời của ông. Hài hòa, bặt thiệp, giữ tình thân ái với mọi người, tránh mọi sứt mẻ tình cảm.

Cứ có cảm giác trong tình huống nào ông cũng nở nụ cười đa tình và rộng lượng để xóa mọi gai góc bày ra. Cuộc sống ông trôi bềnh bồng và phiêu du trong nụ cười đó. Hệ lụy cũng có mà điều tiếng cũng có.

Rồi có hề chi, chính cái hình dáng nụ cười trời sinh ra để đối đãi với ngoại giới, tới lúc, cũng biết lặn vào bên trong mà nội trị cho một tâm hồn sóng gió, không ít vết thương, bất trắc, đa đoan của thế cuộc, của tình trường.

Hình mẫu thi sĩ "nòi tình" như thế, gần như tuyệt chủng trong đời sống cằn khô này rồi. Có khi tôi nghĩ vậy về ông, để sẵn sàng gạt bỏ hết những gì mà với định kiến, người ta dễ dán vào ông, một phần cũng do sự cả nể và dĩ hòa vi quý của ông.

Trong hai năm trời, tôi "đi" cùng ông hai tập thơ và một tập tùy bút. Không ngờ, đó là những cuốn sách cuối cùng của đời ông. Mà không. Trong ngăn kéo của chúng tôi vẫn còn một bản thảo cuối cùng, 20 tùy bút viết về sinh hoạt văn hóa của Sài Gòn trước 1975.

Bản thảo hoàn thành khâu biên tập chi tiết vào đúng một tuần trước khi ông trút hơi thở cuối cùng. Ông cố gắng hoàn thiện những trang bản thảo với hi vọng cuốn sách xuất bản trên quê hương vào cuối năm nay, để tháng 3-2020 tới, có cớ mua vé máy bay trở lại TP.HCM.

"Trước giờ sách in trong nước, chú chỉ đến ký tặng; lần này chú sẽ có buổi nói chuyện với người đọc Sài Gòn, Huế, Hà Nội .....", ông viết trong email gần nhất.

Dự định là vậy, nhưng, sinh tử thì ai ngờ.

Khi hay tin ông mất, tôi đã thấy ít nhiều day dứt.

Nhớ lại một buổi chiều tháng 5 vừa qua, khi vừa đáp máy bay xuống TP.HCM, cầm tập thơ mới nhất vừa ấn hành - Chúng ta, những con đường, ông nói trong nước mắt dự cảm: "Chú nghĩ đây là những bài thơ cuối đời rồi. Vậy là vẫn kịp thêm một lần về...".

Và suốt buổi chiều ấy, trên vỉa hè Sài Gòn, ông già thi sĩ tuổi thất thập kể tôi nghe những chuyện tình đi qua đời mình...

Sẽ còn nhiều điều ông mang đi, tôi tin vậy. Nhưng tôi cũng tin rằng, loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm đã tìm thấy lại những gì đã đánh mất trong sinh phần hữu hạn này, "trong vụng nước cuộc đời" quá ít ngày lặng sóng.

Tiễn ông Du Tử Lê với bao điều chưa kịp nói. Nhưng những lời chú thích - ngoài thơ, ngoài những lời ca mà ông mang đến người đời, cho tiếng Việt, như một làn hương say đầy quyến rũ - thì đâu quan trọng gì...

Nhà thơ Du Tử Lê tạ thế

Trái tim nhà thơ Du Tử Lê đã ngừng đập lúc 8 giờ 6 phút ngày 7-10 tại nhà riêng ở Garden Grove (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi, theo thông tin từ người nhà của ông.

Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Theo ghi nhận của người trong giới, Du Tử Lê bên cạnh Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên làm nên bảy gương mặt thơ xuất sắc nhất miền Nam thời trước 1975.

Du Tử Lê làm thơ từ rất sớm, và bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai. Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam từng yêu thơ Du Tử Lê, đặc biệt cả giới trẻ trước và sau 1975 có nhiều người hâm mộ bài hát Khúc thụy du vốn được nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ cùng tên của Du Tử Lê (viết tháng 3-1968).

Theo thống kê chưa đầy đủ, Du Tử Lê có hơn 70 tác phẩm đã xuất bản. Những năm gần đây, một số sách của ông trở lại với bạn đọc trong nước thông qua nỗ lực của các đơn vị xuất bản, và được đón nhận nồng nhiệt: các tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn, Mẹ về Biển Đông, Trên ngọn tình sầu, Khúc thụy du, Chúng ta, những con đường; các tập tùy bút Du Tử Lê tùy bút tuyển chọn, Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời, Giữ đời cho nhau; tiểu thuyết Với nhau, một ngày nào...

Sự nghiệp thơ của Du Tử Lê từng được một học viên cao học tại Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội là Trần Thị Như Ngọc chọn làm luận văn tốt nghiệp, nhan đề "Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật".

Lam Điền

Thi sĩ Du Tử Lê qua đời Thi sĩ Du Tử Lê qua đời

TTO - Trái tim nhà thơ Du Tử Lê vừa ngừng đập lúc 8 giờ 6 phút tối thứ hai 7-10 (theo giờ Mỹ) tại nhà riêng của ông ở Garden Grove (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi, theo thông tin từ người nhà phát đi trên trang cá nhân trưa nay.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên