15/09/2015 14:35 GMT+7

​Nhớ chương trình “nói và làm” của bà Phạm Phương Thảo

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói ông rất ấn tượng với chương trình “nói và làm” phát sóng trực tiếp mỗi tháng tại TP.HCM gắn với vai trò của cựu Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng chương trình “nói và làm” gắn với vai trò của cựu Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo là một trong số ít cách thức hoạt động hiệu quả nhất của cơ quan dân cử địa phương - Ảnh: LÊ KIÊN

Sáng nay (15-9), Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo giám sát hoạt động của HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

“Mô hình giám sát này của TP.HCM hồi đó làm rất hay, chị Thảo cho tổ chức theo cách rất hay là đối thoại, lắng nghe trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh được tiến hành thường xuyên.

Sau các buổi đối thoại đó, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đó được nâng lên rõ rệt, nhiều vấn đề cụ thể được giải quyết” - ông Giàu bình luận.

Giám sát của HĐND còn mang tính hình thức

Là một chuyên gia nhiều năm gắn bó, nghiên cứu hoạt động của cơ quan dân cử, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận xét: “ở phương diện tính đại diện của HĐND, qua nghiên cứu thì chúng tôi thấy tính dân chủ đại diện của HĐND khá lu mờ.

Thể hiện trước hết ở mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri. Tôi thấy mỗi khi đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri thì người dân nêu rất nhiều những vấn đề thuộc phạm vi địa phương, chúng tôi hỏi thì cử tri nói rằng đã kiến nghị rất nhiều lần với đại biểu HĐND rồi nhưng không được giải quyết”.

Vẫn theo ông Quyền, “về chức năng giám sát của HĐND thì việc làm rõ trách nhiệm các đối tượng giám sát đang là điểm yếu nhất. Muốn giám sát tốt thì vừa đỏi hỏi chuyên môn, bản lĩnh, kỹ năng.

Nhưng thực tế thì rõ ràng là chúng ta thấy tính hình thức trong giám sát của HĐND còn cao. Trách nhiệm đại biểu trong mối quan hệ giữa các thiết chế nhà nước và mối quan hệ với cử tri còn chưa rõ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao hoạt động của HĐND bị coi là hình thức.

“Chính vì thực trạng này nên nhiều người cho rằng nên bỏ HĐND quận, huyện, phường như trước đây chúng ta tổ chức thí điểm” - ông Hiển nói.

Trả lời chất vấn chủ yếu để giải trình

Trong báo cáo giám sát, Ban Công tác đại biểu cũng nhận xét hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND vẫn còn hình thức; thành phần tham dự chưa mở rộng, ít có sự tham gia của người dân.

Đại biểu chưa chủ động trong việc lựa chọn hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp; kỹ năng tiếp xúc cử tri của đại biểu còn hạn chế; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chồng chéo giữa Ủy ban MTTQ và Thường trực HĐND.

Về việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND, báo cáo nhận định: Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn ở một số địa phương chưa thật sự đổi mới; số đại biểu HĐND tham gia chất vấn không nhiều và thường tập trung vào số ít đại biểu chuyên trách.

Nội dung trả lời chất vấn của một số người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND, chủ yếu là giải trình đối với những tồn tại của ngành hoặc lĩnh vực mình phụ trách, chưa đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa được HĐND xem xét ban hành nghị quyết một cách thường xuyên nên việc kiểm tra thực hiện “lời hứa” còn hạn chế.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên