31/03/2016 11:33 GMT+7

Windows 10 và Linux Ubuntu: khi hai ta về một nh​à

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Bản nâng cấp "Anniversary Update" giới thiệu tại Microsoft BUILD 2016 lần đầu tiên đưa Bash từ Unix lên Windows 10, hỗ trợ các mã lệnh qua thư viện của hệ điều hành Ubuntu.

Qua bản nâng cấp Anniversary Update cho Windows 10, Microsoft đưa Bash từ Unix/Linux lên Windows. Thông tin công bố tại sự kiện Microsoft BUILD 2016 - Ảnh: The Verge
Qua bản nâng cấp Anniversary Update cho Windows 10, Microsoft đưa Bash từ Unix/Linux lên Windows. Thông tin công bố tại sự kiện Microsoft BUILD 2016 - Ảnh: The Verge

Tại hội nghị thường niên Microsoft BUILD 2016 diễn ra 30-3 (giờ Mỹ), Microsoft công bố hàng loạt thông tin ấn tượng về Windows 10 cùng phiên bản nâng cấp "Anniversary Update", trong đó bao gồm một bất ngờ lớn mang tính lịch sử của hệ điều hành Windows khi Windows 10 sẽ hỗ trợ mã lệnh Linux qua Bash.

Bash là bộ xử lý lệnh của Unix và các HĐH họ Linux, nó đứng giữa người dùng và nhân Linux, chuyển tải tương tác của người dùng với nhân Linux qua các dòng mã lệnh.

Theo Microsoft, không phải là môi trường ảo hóa giả lập hay phiên bản chuyển đổi cho phù hợp với Windows, nó (Bash) là một chương trình Linux gốc với các công cụ mã lệnh chạy thẳng trong Windows nhờ một kiến trúc mới mang tên Windows Subsystem for Linux (WSL).

Tuy nhiên, không phải tất cả câu lệnh Bash đều hoạt động.

Kỹ sư Clint Rutkas của Microsoft làm rõ hơn trên blog Windows.com cho biết có thể chạy các tập lệnh Bash, các công cụ câu lệnh Linux như sed, awk, grep... và thậm chí có thể chạy các công cụ Linux như Ruby, Git, Python... trực tiếp trong Windows. Ngoài ra, người dùng có thể truy xuất các tập tin hệ thống Windows từ trong Bash.

"Bash và các công cụ Linux không thể tương tác với các ứng dụng và công cụ Windows, và ngược lại. Do đó, bạn không thể chạy Notepad từ Bash, hay chạy Ruby trong Bash từ PowerShell", theo Clint Rutkas.

Clint cũng nhấn mạnh đây không phải là nền tảng máy chủ để người dùng sử dụng lưu trữ (host) website, triển khai hạ tầng máy chủ... Thay vào đó, khuyến cáo hướng đến các giải pháp môi trường giả lập hoặc hệ điều hành "đám mây" như Azure, Hyper-V, Docker.

* Xem clip kỹ sư Microsoft nói về Bash trong Windows

Tuy mới chỉ là một hình thái "kết thân" ban đầu nhưng đây là kết quả của sự cởi mở hợp tác của Microsoft với Canonical, đưa các thư viện của hệ điều hành nguồn mở Ubuntu (Linux) vào Windows 10 qua bản cập nhật Anniversary Update.

Thêm một động thái cởi mở từ Microsoft đối với nguồn mở sau hàng loạt các thay đổi công bố trong hai năm qua (2014-2015).

Cuối năm 2014, Microsoft tuyên bố chuyển nền tảng .NET thành nguồn mở (open source). Chưa hết, Microsoft gia tăng sức hút với cộng đồng nguồn mở bằng những công cụ phát triển như Visual Studio Code, đồng thời đưa hệ cơ sở dữ liệu SQL Server đến với các bản phân phối Linux sau nhiều thập kỷ chỉ dành riêng cho Windows.

Những cập nhật mới chưa đến tay người dùng Windows 10 ngay lúc này, thay vào đó ưu tiên cho những người tham gia chương trình thử nghiệm Windows (Windows Insider). 

Bên cạnh việc đưa Bash lên Windows, Microsoft giới thiệu công cụ Desktop App Converter giúp các nhà phát triển ứng dụng chuyển đổi các ứng dụng Windows hiện có tương thích với nền tảng "ứng dụng hợp nhất" Windows Universal Platform (WUP).

Theo đó, Microsoft hi vọng chợ ứng dụng Windows Store sẽ được đón 16 triệu ứng dụng "cũ" trên nền Win32/.NET.

Hơn 270 triệu người dùng nâng cấp lên Windows 10 hay mua máy tính mới dùng Windows 10 kể từ khi hệ điều hành này được phát hành từ tháng 7-2015, tăng nhanh và độ phủ mạnh hơn 145% so với Windows 7 cho cả người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp

"14 triệu lượt nâng cấp lên Windows 10 ngay ngày đầu phát hành, 75 triệu trong tháng đầu tiên và cán mốc 200 triệu vào đầu tháng 1-2016", những cột mốc tăng trưởng của Windows 10 được Phó chủ tịch bộ phận Windows và Thiết bị (Devices) Terry Myerson chia sẻ tại Microsoft BUILD 2016.

Windows 10 vẫn còn trong thời gian nâng cấp miễn phí từ Windows 7/8/8.1 cho đến cuối tháng 7-2016.

Windows 10 Anniversary Update giới thiệu Ink Workspace

Ink Workspace hay tạm dịch là một không gian làm việc với "mực" (ink), cụ thể hơn, đây là tính năng Microsoft dành cho các thiết bị cảm ứng chạm dùng Windows 10 với bút điện tử (stylus).

Không gian Ink Workspace cho thiết bị cảm ứng dùng với bút điện tử như Surface Pro - Ảnh: ArsTechnica
Không gian Ink Workspace cho thiết bị cảm ứng dùng với bút điện tử như Surface Pro - Ảnh: ArsTechnica

Ink Workspace tập hợp các ứng dụng thường được dùng với bút điện tử như Sticky Notes (ghi chú), Sketchpad (vẽ phác họa) và Sceen Sketch (ghi chú nhanh trên màn hình) cùng một số ứng dụng khác.

Chợ ứng dụng Windows Store cũng sẽ có khu vực dành riêng giới thiệu các ứng dụng dùng với bút điện tử (stylus).

Các ứng dụng tương thích với bút điện tử được tập hợp tại Windows Store - Ảnh: ArsTechnica
Các ứng dụng tương thích với bút điện tử được tập hợp tại Windows Store - Ảnh: ArsTechnica
Vẽ bằng bút điện tử lên đoạn văn bản, Word hiểu bạn cần xóa nội dung đóng khối đó đi - Ảnh: ArsTechnica
Vẽ bằng bút điện tử lên đoạn văn bản, Word hiểu bạn cần xóa nội dung đóng khối đó đi - Ảnh: ArsTechnica

 

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên