Ảnh minh họa |
Đó là những tin đồn ác ý liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook vừa gây hoang mang dư luận vừa ảnh hưởng đến danh sự, nhân phẩm của nhiều nạn nhân.
Thời điểm này mạng xã hội Facebook vừa đưa ra danh sách các chuẩn mực cộng đồng nhằm giúp người dùng hiểu được những gì có thể và không thể chia sẻ trên mạng xã hội.
Điều này, hơn lúc nào hết khiến người dùng Facebook chúng ta không thể không suy nghĩ về chuẩn mực của mình trước khi tham gia mạng xã hội.
Facebook ra đời trở thành nơi giải phóng cái tôi của nhiều người nên mặc nhiên họ viết, chụp, đăng, chia sẻ tất cả những gì nghĩ, thấy mà không cần kiểm chứng điều đó đúng hay là sai.
Câu chuyện “Hủ tiếu Sài Gòn có thịt chuột” và “Hương mắt lồi”, MC X. đột ngột qua đời… là những ví dụ điển hình.
Người nào cũng sẵn sàng góp tin “nghe đồn” không cần tận mắt chứng kiến, mặc nhiên cho đó là sự thật.
Chỉ một bức ảnh chụp một phụ nữ đứng giữa đường mà khăng khăng cho đó là kẻ dàn cảnh cướp. Khi biển số xe được chụp lên, hàng triệu người dùng Facebook biết và lên tiếng chửi rủa, cảnh báo đến nỗi chủ nhân chiếc xe phải gọi điện đến báo Tuổi Trẻ cầu cứu.
Cách đây chưa lâu cộng đồng Facebook chia sẻ nhau bài viết của một trang mạng nói “Hủ tiếu Sài Gòn nấu bằng thịt chuột cống”. Câu chuyện lan truyền rất nhanh, những người bán hủ tiếu ở Sài Gòn bỗng nhiên ế ẩm.
Đến nỗi, ông anh họ tôi ở nước Anh cũng nhắn tin về: “Sài Gòn bữa nay ghê quá, hủ tiếu mà nấu bằng thịt chuột à”.
Trong các chuẩn mực lần này, Facebook nhấn mạnh đến những phát ngôn đe dọa, thù hận, xúi giục tự tử, các dạng tấn công cá nhân hay cộng đồng sẽ luôn luôn bị khóa trên mạng xã hội.
Cụ thể không được tấn công người khác bằng lời lẽ xúc phạm đến thân thể, bệnh, thương tật, giới tính, tôn giáo hay nguồn gốc dân tộc của họ.
Trước đến nay chúng ta vẫn thường bắt gặp những vấn đề này rất nhiều trên Facebook.
Đó là những phát ngôn sặc mùi chửi thề, đe dọa, thù hận với người khác.
Rồi còn “kéo bè kết phái” thành những hội chuyên đi đe dọa người khác trên mạng xã hội. Đơn cử là nạn kỳ thị vùng miền với những hội mang tên “tẩy chay người vùng này vùng kia”, Hội ghét người xứ kia, xứ nọ…Rất nhiều những hội như thế với số thành viên lên đến chục ngàn người.
Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa - Những tin sốc, lạ… mặc dù chưa biết đúng sai lại “lừa” được hàng triệu người dùng Facebook, nhanh chóng lan ra như một sự thực đã được kiểm chứng.
Trách những kẻ bịa tin xuyên tạc ẩn danh kia là điều hiển nhiên. Nhưng chúng ta, những ai đang chia sẻ những tin không chính xác kia cũng nên nhìn lại mình. Một chia sẻ trên Facebook không còn vô hại như chúng ta nghĩ mà nó ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.
Ta quá nhẹ dạ, ta thiếu sự kiểm chứng thông tin rồi vô tư chia sẻ link bài này, bài kia mà không biết nó tác động đến danh dự, nhân phẩm, nghề nghiệp… với người khác.
Thử xem trong danh sách bạn bè của chúng ta có bao nhiêu người, ít cũng vài trăm bạn bè, nhiều lên đến hàng ngàn, thậm chí fan page lên tới hàng triệu.
Điều đó để nói lên rằng khi ta đăng một câu nói, một hình ảnh cũng chính là ta đang giao tiếp với hàng trăm, ngàn người đã kết bạn với chúng ta.
Mỗi người dùng Facebook trở thành “dâu triệu họ” khi mỗi status viết ra, mỗi hình ảnh đăng lên sẽ tác động vui, buồn, thậm chí gây tổn thương cho người khác.
Tôi đọc những bình luận, những chia sẻ, những lượt like trên Facebook cho thấy rất nhiều người chơi Facebook đều tin một cách mù quáng.
Họ bị những trang thông tin giả mảo kia lừa mà không hề biết. Họ chia sẻ và cứ nghĩ mình đang là người tốt nhưng thực ra họ đang làm tổn thương người khác.
Vậy nên lên Facebook ta cũng cần chọn link mà… nhấp chuột, chọn fan page mà like.
Đọc danh sách các tiêu chuẩn cộng đồng, Facebook làm rõ những gì “được và không được”, tôi thầm nghĩ phải chăng mỗi người chúng ta cũng phải hiểu rõ bản thân mình những gì “được và không được” làm trên Facebook.
Tôi vẫn xem Facebook như một “quốc gia ảo” đa sắc tộc, tôn giáo, nhiều thành phần, thế hệ. Nơi mà bắt gặp nhiều luồng tư tưởng khác biệt. Bởi thế việc đề ra các chuẩn mực cộng đồng là điều cần thiết. Cũng như một quốc gia cần có pháp luật vậy. Tất nhiên các chuẩn mực ở mạng xã hội trên Internet vẫn dừng lại ở mức “tự mình nhận thức” là chính.
Bởi rất khó để xác định một câu nói, một hình ảnh, một clip có vi phạm hay không (bởi chính chúng ta khi chia sẻ đôi khi cũng không biết điều mình làm là sai).
Cũng như ngoài đời thực, đôi khi một câu nói không vi phạm pháp luật nhưng gây tổn thương cho người khác.
Từ những phát ngôn trên mạng xã hội ảo bước ra đời thực thành những hành động nguy hiểm. Thời gian gần đây là một số vụ án giết người vì mâu thuẫn trên Facebook.
Nên việc đưa ra các chuẩn mực trước là để cảnh báo người dùng và ngăn chặn một phần gốc rễ của nạn bạo lực hiện tại.
Tất nhiên, việc đưa ra các chuẩn mực trên Facebook vẫn mang tính “nhắc nhở” nhiều hơn.
Quy định vẫn là quy định, tiêu chuẩn hẳn hoi đó nhưng việc đăng hay không đăng vẫn là yếu tố con người.
Bởi thế, nên chăng mỗi người trước khi tham gia mạng xã hội Facebook hãy suy nghĩ. Ở ngoài đời thực chúng ta vẫn thường tự dặn lòng “trước khi nói hãy uốn lưỡi 7 lần”, vậy trước khi đăng gì lên Facebook hãy dành một vài phút suy nghĩ có nên hay không nên đăng.
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Khánh Hưng. Bạn đồng tình hay phản đối quan điểm này? Theo bạn, người dùng Facebook nên ứng xử như thế nào? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận