24/12/2015 07:40 GMT+7

Lên Google, thế giới tìm thời sự nóng, người Việt tìm giải trí

NGỌC THÙY
NGỌC THÙY

TT - Theo danh sách các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2015, tại Việt Nam, các từ khóa đó là: “Vợ người ta”, “Âm thầm bên em”, “Không phải dạng vừa đâu”...

Google vừa công bố danh sách các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2015 - Ảnh: Hoài Linh
Google vừa công bố danh sách các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2015 - Ảnh: Hoài Linh

Trên phạm vi toàn thế giới, có 4 trong số 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến các vấn đề chính trị - thời sự nóng bỏng diễn ra trong năm: vụ khủng bố Paris (897 triệu lượt), bầu cử tổng thống Mỹ 2016 (338 triệu lượt), phong trào về vấn đề cuộc sống người da đen (189 triệu lượt), các vụ xả súng ở Mỹ (160 triệu lượt).

Các từ khóa còn lại thiên về lĩnh vực văn hóa - giải trí toàn cầu như Adele (tên nữ ca sĩ người Anh), lễ trao giải Oscar...

Trong khi đó tại Việt Nam, 10 từ khóa này hoàn toàn thuộc về “địa hạt” giải trí, thư giãn. Đó là những bài hát “gây bão” trong giới trẻ như: Vợ người ta, Âm thầm bên em, Không phải dạng vừa đâu, Khuôn mặt đáng thương, Em của quá khứ. Ngoài ra còn là các bộ phim Cô dâu 8 tuổi, Chàng trai năm ấy, Furious 7, chương trình giải trí “Cười xuyên Việt”, ứng dụng đoán tuổi “How old net”.

So sánh với các nước trong khu vực châu Á, có thể thấy lĩnh vực tra cứu của họ có phần rộng hơn và liên quan mật thiết tới tình hình quốc gia cũng như thế giới trong năm.

Điển hình như tại Singapore, người dùng tìm kiếm từ khóa tập trung vào vấn đề khói bụi từ các đám cháy ở Indonesia hay việc Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời.

Tại Nhật Bản, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là từ khóa tìm kiếm hàng đầu, cũng như việc hai con tin nước này bị giết, bên cạnh đó là vấn đề cảnh báo an ninh mạng.

Đối với Hàn Quốc, những thông tin về dịch MERS được người dùng quan tâm bậc nhất.

Chia sẻ suy nghĩ về kết quả này, bạn Then Mây, một sinh viên ở Thủ Đức, lý giải: “Việc tra cứu thông tin ngoài chuyện theo thói quen, nhu cầu thì còn liên quan đến nhận thức và tác động của môi trường. Đi ngoài đường toàn nghe bật nhạc Con bướm xinh, Vợ người ta... chứ chẳng có cái tivi màn hình rộng nào ở trung tâm mua sắm hay siêu thị, quán cà phê nói đến việc Paris bị khủng bố như thế nào, hay khủng hoảng di cư là gì?”.

“Đứng dưới góc độ nhận thức của giới trẻ Việt Nam, nếu so với mặt bằng chung giới trẻ thế giới, kết quả này có thể coi là một sự vô cảm đối với tình hình quốc gia, dân tộc. Sâu xa hơn, theo mình “bề chìm của tảng băng” này nằm ở câu chuyện giáo dục nhận thức” - bạn Anh Vũ ta thán.

Bạn Hoàng Khánh (Vĩnh Long) thì cho rằng: “Trong xã hội ta còn tồn tại “hiệu ứng bầy đàn”, “tâm lý đám đông”, nghĩa là việc chạy theo xu hướng, trào lưu mà số đông cho là hay, là đúng, trong khi đó bản thân lại không có chính kiến về ý nghĩa thật sự của vấn đề. Chính vì thế, một bộ phận giới trẻ chỉ cổ xúy những hiện tượng “mì ăn liền” mà số đông đang tập trung nói đến và phớt lờ những thông tin, tình hình chính trị quan trọng”.

NGỌC THÙY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên