14/03/2016 11:28 GMT+7

Kỳ 2: “Trí khôn nhân tạo giết người như giết kiến”

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng trí khôn nhân tạo vẫn chưa là gì dù AlphaGo đã thắng được đại kiện tướng cờ vây. Trái lại, nhiều nhà khoa học hàng đầu, dẫn đầu là Stephen Hawking đang rất lo ngại về trí khôn nhân tạo. 

Nhiều người băn khoăn khi nào trí khôn nhân tạo sẽ vượt qua con người - Ảnh: techwave
Nhiều người băn khoăn khi nào trí khôn nhân tạo sẽ vượt qua con người - Ảnh: techwave

Trí khôn nhân tạo vẫn cần phải “rèn luyện” thêm

Trí khôn nhân tạo đã chính thức thắng con người ở môn cờ vua, rồi vừa qua là cờ vây. Cả hai môn cờ này đều được xếp vào dạng cờ bày hay còn gọi là “những trò chơi thông tin hoàn chỉnh”, tức máy tính có thể nắm rõ thông tin về ván cờ của đối thủ.

Thử thách tiếp theo của Trí khôn nhân tạo sẽ là cờ giấu, tức những dạng cờ trong đó máy tính không biết được thông tin của đối phương. Các loại bài như tiến lên, cát tê, poker… được xếp vào dạng cờ giấu hay còn gọi là “những trò chơi thông tin không hoàn chỉnh”.

Demis Hassabis, cha đẻ của AlphaGo, trả lời trong một bài phỏng vấn: “Tôi nghĩ cờ vây là đỉnh cao trong các loại trò chơi thông tin hoàn chỉnh. Trên nữa vẫn còn những môn cờ giấu, có nhiều người cùng chơi. Đồng thời cũng có nhiều trò, con người vẫn chơi hay hơn máy tính như game chiến thuật Starcraft”.

Murray Campbell, nhà nghiên cứu tại hãng IBM và là thành viên tạo ra Deep Blue năm 1997 cho rằng những môn cờ bày là bài thử tuyệt hảo cho máy tính bởi mọi thứ rõ ràng và không có thông tin nào bị giấu đi. Trong khi ở đời thật, mọi thứ rắc rối hơn nhiều và có rất nhiều yếu tố chưa biết.

Tuomas Sandholm, giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, khẳng định bước tiếp theo sẽ là “những trò chơi thông tin không hoàn chỉnh”. Việc phát triển trí khôn nhân tạo từ cờ bày sang cờ giấu là một khoảng cách cực kỳ lớn.

Ông Sandholm cho biết trong các môn cờ bày, trí khôn nhân tạo chỉ việc tính toán, tự học rồi đưa ra nước cờ tốt nhất. Còn ở các môn cờ giấu, máy tính phải hiểu được từng nước cờ của đối phương và đưa ra đấu sách hợp lý nhất trong khi không biết đối thủ có con bài nào trong tay. “Đây chính là sự phức tạp của đời thực”, ông Sandholm nói.

Nhà khoa học máy tính Richard Sutton tại Đại học Alberta, Canada nhận xét rằng khi nhìn vào tổng thể, AlphaGo vẫn còn thiếu một điểm mấu chốt đó là: khả năng nhận định thế giới, có thể kể ra như: hiểu các hiện tượng vật lý hay đánh giá hậu quả hành động.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của AlphaGo so với các trí khôn nhân tạo hiện nay đó là nó “hiểu” được mục tiêu của “bản thân”, đó là thắng một ván cờ vây. Trong khi những trí khôn nhân tạo còn lại, không có mục tiêu xác định và cần sự giám sát từ con người.

Nhà vật lý thiên văn thiên tài Stephen Hawking - Ảnh: Business Insider
Nhà vật lý thiên văn thiên tài Stephen Hawking - Ảnh: Business Insider

“Trí khôn nhân tạo giết người như giết kiến”

Đây là nhận định của nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay, Stephen Hawking. Không chỉ Hawking mà những khoa học gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đều thực sự lo ngại về trí khôn nhân tạo.

Hồi đầu năm 2015, Bill Gates và Stephen Hawking cùng hàng trăm nhà khoa học đã ký vào một lá thư kêu gọi nghiên cứu sự nguy hiểm của trí khôn nhân tạo.

Giáo sư Stephen Hawking nói: “Điều nguy hiểm không phải vì trí khôn nhân tạo độc ác mà vì khả năng cạnh tranh của nó. Một siêu trí khôn nhân tạo sẽ đặc biệt giỏi trong việc hoàn thành mục tiêu của nó và nếu những mục tiêu này đối lập với chúng ta, con người sẽ lâm nguy”.

Ông Hawking đưa ra ví dụ cực kỳ dễ hiểu: “Giả dụ bạn không phải là người ghét kiến. Nhưng nếu có một tổ kiến ở dưới chân đồi nơi bạn được giao nhiệm vụ xây một dự án thủy điện năng lượng sạch. Điều gì sẽ xảy ra? Thật không may cho tổ kiến đó. Hi vọng con người không bao giờ ở vào vị trí tổ kiến”.

Nhà vật lí thiên văn người Anh nhận định rằng chưa biết trí khôn nhân tạo là điều tốt nhất hay tồi tệ nhất dành cho loài người.

“Vì máy tính có khả năng tự học để ngày một thông minh hơn nên sẽ có một ngày nào đó, khoảng cách trí tuệ giữa con người với trí khôn nhân tạo xa hơn khoảng cách giữa con ốc sên với loài người hiện nay”, ông Hawking kết luận.

Không dữ dội như Stephen Hawking, nhưng Bill Gates cũng bắt đầu gióng lên hồi chuông báo động về trí khôn nhân tạo. Ông nói: “Đầu tiên, chiếc máy làm nhiều việc cho chúng ta và không quá thông minh. Vài thập kỷ sau, trí khôn nhân tạo mạnh đến nỗi chúng ta phải lo ngại. Tôi đồng ý với nhiều nhà khoa học về vấn đề này và vẫn không hiểu tại sao loài người chưa lo ngại về trí khôn nhân tạo”.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên