07/06/2016 14:56 GMT+7

Kỳ 2: Điện toán nhận thức "biết nghe, biết nói, biết suy nghĩ"

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Ngày 2-5, chương trình máy tính Watson của IBM cùng với nhà thiết kế Marchesa tạo ra chiếc váy rực rỡ để người mẫu Karolina Kurkova mặc trong đêm Met Gala.

Chiếc áo do máy tính Watson và nhà thiết kế Marchesa phối hợp thực hiện, do siêu mẫu Kurkova trình diễn - Ảnh: designeweek

Để làm ra chiếc váy, máy tính Watson hợp tác với Marchesa như hai người đồng nghiệp bởi Watson có khả năng "suy nghĩ", giao tiếp và tự đưa ra quyết định của riêng mình.

Ứng xử như con người

Đầu tiên, Marchesa đưa ra ý tưởng chiếc áo sẽ có năm cung bậc cảm xúc của con người: vui vẻ, đam mê, phấn khích, khích lệ và tò mò. Sau đó, máy tính Watson lướt qua tất cả những mẫu Marchesa từng thiết kế để tìm phong cách của nhà thiết kế này. Cuối cùng, Watson cho ra chiếc áo có đính đèn LED và thay đổi màu sắc theo tâm trạng.

Đây chỉ là một trong vô vàn những ứng dụng mà Watson, chương trình máy tính thuộc thế hệ Máy tính nhận thức thực hiện được.

Trong y học, Watson có thể nhanh chóng lướt qua hàng ngàn tấm ảnh X-quang, cộng hưởng từ để tìm ra bức ảnh liên quan nhất đến chẩn đoán của bác sĩ.

Tương tự, với khả năng đọc thông tin vô hạn, lại có nhận xét riêng, nên Watson có thể tìm ra được tính cách của từng người thông qua những gì họ đưa lên mạng xã hội. Trong một thử nghiệm vui, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Almaden cho Watson đọc kịch bản của phim “Star Wars” để coi thử nó có thể nhận biết được tính cách của từng nhân vật hay không. Và Watson đã làm được.

Rama Akkiraju, một kỹ sư làm việc tại phòng thí nghiệm Almaden, nói: “Nó có thể hiểu con người rất sâu và rõ. Vì vậy với Watson, tôi có thể biết trước những gì bạn thích và đề nghị những gì thích hợp nhất với con người bạn”.

Watson tham dự cuộc thi đố vui Jeopardy và giành chiến thắng thuyết phục - Ảnh: watson2016

 

Biết nghe, biết nói, biết suy nghĩ

Điện toán nhận thức có khả năng độc lập suy nghĩ, tự học thông qua những gì con người “dạy” cho. Steve Gold, Phó chủ tịch của IBM Watson, nói: “Theo truyền thống, máy tính làm những gì chúng ta sai bảo. Chúng ta đưa cho máy tính những chỉ dẫn hành động và cứ thế, máy tính máy móc làm theo. Còn điện toán nhận thức không cần được lập trình, bởi nó có khả năng tự học”.

Dĩ nhiên, điện toán nhận thức chưa có khả năng sáng tạo, thí dụ như nghĩ ra một cách chữa trị ung thư hoàn toàn mới. Nhưng điểm đột phá của điện toán nhận thức là khả năng tận dụng hiệu quả nguồn dữ liệu phi cấu trúc khổng lồ loài người đang có.

Steve Gold cho biết trước khi bước vào cuộc thi Jeopardy 2011, Watson đã đọc qua hơn 200 triệu trang thông tin và chỉ mất 3 giây để chắt lọc ra thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi. Quan trọng hơn, Watson có thể "nghe" ngôn ngữ nói, hiểu các câu hỏi đánh đố và trả lời bằng một câu văn mạch lạc.

Sau khi Watson giành chiến thắng trong cuộc thi Jeopardy, IBM bắt đầu dạy cho Watson đọc văn bản và chắt lọc ra những thông tin cần thiết.

Jeffrey Welser, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Almaden của IBM, nói: “Nếu đọc thấy chữ “buồn ngủ” trong một văn bản, dựa vào ngữ cảnh, Watson buộc phải hiểu hiện tượng “buồn ngủ” là nguyên nhân hay tác dụng, hay tác dụng phụ hoặc là công dụng của một loại thuốc nào đó”.

Tương tự, bằng cách phân tích các dữ liệu về nhiệt độ, áp suất, độ cao con sóng, mực thủy triều... Điện toán nhận thức sẽ tự đưa quyết định có cảnh báo sóng thần hay không.

*************

Triệu thứ mạng (Internet of Things IoT) là hệ thống trong đó tất cả những thiết bị thông minh kết nối với nhau. Nhưng để quản lý hệ thống này với lượng thông tin khổng lồ được tạo ra, cần phải có Điện toán nhận thức. 

Kỳ 3: Điện toán nhận thức "thổi hồn" vào IoT

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên