06/06/2016 17:43 GMT+7

Điện toán nhận thức khai mở thế giới tương lai 

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Sắp tới, không chỉ điện thoại mà ngay cả bức tường cũng thông minh. Để những thứ thông minh này kết nối, vận hành, phục vụ và giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên, chúng cần một “linh hồn”. Đó chính là điện toán nhận thức.

Máy tính Watson thế hệ mới nhất - Ảnh: gadgethelpline

 

Kỳ 1: Watson - khởi đầu của điện toán nhận thức

Lần đầu tiên điện toán nhận thức (cognitive computing) gây chấn động thế giới là vào năm 2011 khi chương trình máy tính Watson đánh bại hai nhà cựu vô địch trong chương trình đố vui có thưởng mang tên Jeopardy.

Không như các phần mềm đánh cờ chỉ xử lý những thông tin có cấu trúc, Watson có khả năng tự học, nghe hiểu, trả lời và xử lý những thông tin phi cấu trúc.

Cấu tạo Watson

Watson thực ra vẫn chỉ là một phần mềm gồm một đạo quân rất nhiều binh lính mà mỗi “binh lính” là những thuật toán phức tạp. Để đạo quân này hoạt động hiệu quả, cần phải có những con chip mạnh và hiệu quả hơn.

Dharmendra Modha, một chuyên gia tại IBM, cho biết điện toán nhận thức có thể phản ứng lại từ bốn giác quan đó là nghe, nếm, ngửi và đụng chạm trong khi lại sử dụng ít điện hơn. Để các phần mềm của điện toán nhận thức có thể hoạt động tốt, lõi của thiết bị phải có con chip chỉ 4,2 mm vuông làm bằng silicon nhưng chứa đến 3,8 triệu transistor.

Trên một nền lõi rất mạnh, Watson sẽ hoạt động trên ba định hướng sau:

Thứ nhất, Watson được thiết kế để giao tiếp với con người. Chính vì vậy, bức tường cản trở giữa con người với máy tính được dở bỏ. Các nhà khoa học đã làm cho Watson có khả năng học và tự hoàn thiện khả năng ngôn ngữ.

Thứ hai, Watson được thiết kế sao cho có “nhu cầu” ngốn thông tin. Chương trình máy tính này không ngừng nghỉ đọc và hiểu hằng hà sa số báo chí, dữ liệu, sách, báo cáo khoa học… trên toàn cầu.

Thứ ba, Watson có khả năng tự học. Cứ mỗi mẩu thông tin mới có đi kèm với những giả định về tình huống lại giúp Watson “học” được thêm một cách giải quyết vấn đề mới.

Xử lý thông tin phi cấu trúc

Thông tin phi cấu trúc là dạng thông tin mở ví dụ như một lời tâm sự hay lời khai của bệnh nhân. Chỉ bác sĩ mới có khả năng nghe bệnh nhân khai triệu chứng rồi kết hợp kiến thức, kinh nhiệm bản thân để đưa chẩn đoán. Bây giờ, điện toán nhận thức đã làm được điều này.

Ông Steve Gold, Phó chủ tịch của IBM Watson, giải thích thêm về điện toán nhận thức: “Cách thức hoạt động của dạng máy tính này y chang của một con người. Thí dụ, khi bạn đến phòng mạch khai bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và kinh nghiệm của chính bản thân ông ấy. Đây không phải là vấn đề đúng - sai hoàn toàn mà là một chuỗi những câu trả lời xác suất”.

IBM cho biết mỗi ngày con người đang tạo ra 2,5 tỉ gigabyte thông tin. Nói cho dễ hiểu đây là lượng thông tin tương đương 170 tờ báo cho mỗi đầu người trên thế giới. Vì vậy việc xử lý lượng thông tin khổng lồ này là chìa khóa thành công cho bất cứ việc gì. Việc đưa ra kết luận từ một mớ hỗn độn thông tin cấu trúc lẫn phi cấu trúc là điều điện toán nhận thức hay Trí khôn nhân tạo đang tỏ ra vượt trội.

**********

Trong một thế giới phẳng với lượng thông tin tràn ngập, việc quản lý, hệ thống được thông tin để từ đó đưa ra quyết định chính xác là điều rất khó khăn. Giải pháp chính là điện toán nhận thức.

Kỳ 2: Điện toán nhận thức "biết nghe, biết nói, biết suy nghĩ"

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên