29/03/2017 09:49 GMT+7

Học sinh ngại thông tin sai lệch trên mạng xã hội

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - “Hiện nay, trên mạng xã hội ngập tràn thông tin và có rất nhiều thông tin sai sự thật. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến tư tưởng và niềm tin của chúng em”. 

Em Võ Tâm Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - trăn trở về vấn đề bạo lực học đường tại buổi đối thoại - Ảnh: Phương Nguyễn
Em Võ Tâm Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - trăn trở về vấn đề bạo lực học đường tại buổi đối thoại - Ảnh: Phương Nguyễn

Đó là chia sẻ của Nguyễn Xuân Hoàng, học sinh Trường THPT An Đông, tại buổi đối thoại “Học sinh thành phố với văn hóa học đường” ngày 28-3.

Buổi đối thoại do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của 160 học sinh tiêu biểu đại diện các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn TP.HCM.

Không chia sẻ thông tin một cách vô ý thức

“Ví dụ như vụ cháy ở gần chợ Kim Biên cách đây ít lâu, trên Facebook có xuất hiện một số clip quay cảnh lính cứu hỏa dùng vòi xịt để chống cháy lan. Nhiều bạn đã không hiểu điều này và xuyên tạc thành những thông tin sai lệch. Các bạn còn chia sẻ trên mạng các thông tin sai lệch đó, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lính cứu hỏa cũng như lòng tin của mọi người đối với họ” - Xuân Hoàng cho biết thêm.

Theo Hoàng, học sinh nên tìm đến những nguồn tin chính thống và không nên chia sẻ một cách vô ý thức các clip bạo lực học đường hay những clip có nội dung không lành mạnh, thông tin mơ hồ, không chính xác...

Không chỉ dừng lại ở thông tin sai lệch, bạn Ngô Mỹ Uyên đến từ Trường THPT Phú Nhuận còn trăn trở về hiện tượng bắt nạt trên mạng xã hội. Uyên chia sẻ theo quan sát của bạn, bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở hình thức đấm đá, gây thương tích cơ thể, mà còn có hình thức khác là bạo lực tinh thần.

“Em được biết câu chuyện của một bạn nữ 15 tuổi bị lộ clip nhạy cảm. Thay vì cảm thông và giúp bạn này tìm cách giải quyết vấn đề, khá nhiều cư dân mạng ở độ tuổi học sinh lại chĩa mũi dùi vào bạn nữ đó, mỉa mai, chỉ trích, khiến bạn nữ tìm đến con đường tiêu cực là tự kết liễu đời mình” - Mỹ Uyên bức xúc phát biểu.

“Em thắc mắc là liệu các thầy cô có biện pháp nào để giáo dục tư tưởng và hướng dẫn học sinh trong cách sử dụng lời ăn tiếng nói của mình không?” - Uyên đặt câu hỏi trong buổi đối thoại.

“Hiện nay, có rất nhiều điều xấu tràn lan trên mạng xã hội. Nếu cấm học sinh sử dụng mạng xã hội là vô cùng khó, vì tâm lý thanh thiếu niên càng cấm thì càng thích làm. Vậy tại sao chúng ta không dựa trên mạng xã hội để tạo ra môi trường giáo dục, giao lưu lành mạnh cho các bạn học sinh như đăng tải các clip và câu chuyện đẹp về văn hóa ứng xử trong nhà trường cũng như ngoài xã hội” - bạn Lê Huỳnh Bảo Trân, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đưa ra đề xuất.

Khi nhận được các ý kiến đóng góp nêu trên, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết vấn đề mạng xã hội mà các em học sinh đang rất quan tâm không phải là vấn đề mới, nhưng lúc nào cũng nóng bỏng và quan trọng.

“Chúng ta đã có những biện pháp hạn chế tác hại của nó, nhưng không thể ngăn chặn được hết nguy cơ đến từ mạng xã hội. Chính các em phải biết chia sẻ thông tin tích cực và phản bác thông tin tiêu cực. Đồng thời, chính thầy cô chứ không phải ai khác chủ động tác động cá nhân, tạo Facebook để tự mình liên kết với học trò, phát hiện những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến các em” - ông Sơn nói.

Nhà trường cần liên kết chặt hơn với gia đình

Học sinh Nghiêm Trí Long đến từ Trường THPT dân lập Thanh Bình cho rằng các yếu tố quan trọng nhất hình thành nên văn hóa ứng xử học đường là gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, giữa gia đình và nhà trường chỉ mới có những buổi trao đổi về tình hình học tập của học sinh, mà thiếu đi những buổi trao đổi về văn hóa ứng xử.

Đồng tình với Trí Long, Lý Trần An Khương, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nói về hiện trạng nhiều gia đình chưa có sự quan tâm đúng mức đến con cái. Để bù đắp điểm yếu này từ gia đình, An Khương đề xuất mỗi thầy cô hãy là người tư vấn cho học sinh và trong mọi hoạt động, nhà trường phải lấy học sinh làm trung tâm.

Trước ý kiến của An Khương, ông Lê Hồng Sơn đặt câu hỏi: “Vai trò của học sinh có quan trọng trong việc tác động ngược lại phía gia đình không?”.

“Dạ có. Về phía gia đình, mình phải làm tròn trách nhiệm của một người con và tự xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức, bản lĩnh để có thể tác động ngược lại với gia đình” - An Khương trả lời.

Cho rằng mong muốn mỗi thầy cô chủ nhiệm như một chuyên gia tư vấn của học sinh là nguyện vọng chính đáng của các em, ông Sơn cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm là một lực lượng gắn bó với các em hằng tuần. Vì vậy chúng ta nên suy nghĩ về điều này và biến nó thành giải pháp cho vấn đề văn hóa học đường”.

“Những vấn đề nào mà bản thân không xử lý được thì các em phải chia sẻ và chia sẻ đúng đối tượng. Chia sẻ cũng là một kỹ năng quan trọng mà các em cần phải trang bị cho chính mình” - ông Sơn nói thêm.

Xây dựng văn hóa đọc sách

Võ Phi Thành Đạt, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng sách cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến học sinh.

“Nhiều bạn, nhất là các bạn nữ, rất thích đọc ngôn tình và khi ngôn tình bị ngừng xuất bản tại Việt Nam, các bạn bắt đầu chuyển sang đọc những truyện chất lượng kém khác đang tràn lan trên mạng. Vì vậy, em đề xuất nên có dòng văn học ứng dụng, được chọn lọc cẩn thận và có nội dung gần gũi với cuộc sống hiện đại của chúng em hơn nữa” - Thành Đạt đề xuất.

Trước vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn thừa nhận văn hóa đọc của giới học sinh cần phải được xây dựng ngay từ trong môi trường học đường. “Thầy cô phải giới thiệu với các em những tác phẩm hay. Mỗi khi đưa ra một tác phẩm nào cho học sinh thì phải có ngay đề bài kiểm tra để tạo động lực cho các em đọc” - ông Sơn nói.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên