Quy trình phản ánh một thành viên Facebook. - Ảnh: Facebook |
Với quy trình phản ánh về một người dùng Facebook khác, người dùng sẽ phải bổ sung thêm một vài lí do và ngữ cảnh cụ thể để cho thấy việc phản ánh (report) của mình là có căn cứ chứ không chỉ đơn thuần như hiện nay là bấm nút phản ánh.
Cụ thể, người dùng có thể cho Facebook biết lí do mình phản ánh một người dùng cụ thể nào đó bằng các lựa chọn như: người này đang quấy rối tôi; người này đang dùng tên của tôi; đây là một trang giả mạo; người này đang dùng tên khác so với tên trong cuộc sống thường nhật; người này có những bài viết không phù hợp… hoặc những lí do khác.
Với quy trình xác thực tên của người dùng, Facebook sẽ yêu cầu người dùng phải cung cấp thẻ ID (chứng minh nhân dân) của mình. Nếu người dùng chưa có thẻ ID hoặc có một số lí do đặc biệt khác, họ cũng có thể lựa chọn để cung cấp cho Facebook như: giới tính đặc biệt (lesbian, gay, chuyển giới...), dân tộc thiểu số, bị đe dọa, lừa đảo… hoặc lí do riêng cụ thể.
Theo Facebook, quy trình phản ánh và xác thực mới với những lí do ngữ cảnh cụ thể sẽ giúp họ có nhiều thông tin hơn để “hiểu” rõ hơn về mỗi người dùng.
Từ đó, đội ngũ quản lý của Facebook sẽ hiểu được nguyên do vì sao một thành viên Facebook bị phản ánh (những lí do cụ thể được tổng hợp từ nhiều người dùng).
Facebook có thể xác định việc phản ánh là đúng hay sai một cách nhanh chóng thông qua đối chiếu với hành vi của thành viên bị phản ánh.
Ngược lại với người bị phản ánh, họ có thể tự bảo vệ mình trước những phản ánh của người khác thông qua những lí do cụ thể.
Chẳng hạn, khi phát hiện một Facebook khác đang mạo danh mình, bạn có thể báo cáo cho Facebook và thông qua đó bảo vệ lại chính “tên tuổi” của mình.
Quy trình xác thực tên tài khoản Facebook - Ảnh: Facebook |
Theo Facebook, quy trình mới sẽ giúp đội ngũ quản lý xác thực nhanh chóng lí do một thành viên Facebook nào đó bị người khác phản ánh.
Đồng thời cũng giúp người bị phản ánh nhanh chóng bảo vệ “tên tuổi” chính mình khi có những phản ánh không đúng hoặc có kẻ muốn mạo danh...
Giải thích lí do thử nghiệm quy trình mới này, đại diện Facebook cho biết: “Trên Facebook, chúng tôi yêu cầu người dùng sử dụng tên mà bạn bè và gia đình của họ biết. Khi đó hành động và lời nói của họ sẽ có trọng lượng hơn vì họ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn với những gì họ nói. Nó cũng khiến những kẻ nặc danh khó có thể lợi dụng để bôi nhọ danh tiếng của người khác, hoặc bất cứ ai sử dụng để quấy rối, lừa đảo hoặc tham gia vào các hành vi tội phạm”.
Theo Facebook, quy trình trên đã được xây dựng dựa trên nhiều cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo cộng đồng và các tổ chức an toàn trên thế giới.
Hiện tại, quy trình mới chỉ đang thử nghiệm trên một số lượng người dùng hạn chế ở Mỹ. Sau đó, dựa trên các thông tin phản hồi, Facebook sẽ hoàn thiện và áp dụng trên toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận