Có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh người trẻ dùng smartphone để lướt web hay mạng xã hội, tán gẫu và tìm kiếm thông tin tại các quán cà phê - Ảnh minh họa: CellphoneS |
Theo Facebook công bố ngày 16-6, mỗi tháng có 30 triệu người dùng VN truy cập Facebook, trong đó có 27 triệu người sử dụng trên thiết bị di động như smartphone và tablet.
Con số người dùng lướt Facebook mỗi ngày là 20 triệu gồm 17 triệu trên di động, biến mạng xã hội này trở thành một thị trường rộng lớn tiềm năng.
Cơ hội cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp
Theo Facebook, nhóm người dùng có độ tuổi từ 18-34 chiếm đến 3/4, và hầu hết đều dùng Facebook để liên lạc trò chuyện với bạn bè và truy cập vào các trang thương hiệu trên Facebook, tức những trang kinh doanh hàng hóa trực tuyến hay các thương hiệu sản phẩm và dịch vụ yêu thích, như thời trang (50%), chăm sóc da (30%) và đồ điện tử (30%).
Facebook cho biết các bà mẹ sử dụng mạng xã hội với tần suất cao để chia sẻ những khoảnh khắc thường nhật của con trẻ, gia đình, trong khi đó, trang thống kê Allin1Social đưa ra kết quả đàn ông Việt dùng Facebook nhiều hơn phụ nữ, tỉ lệ 54,4% - 45,6%.
Đáng chú ý trong công bố từ Facebook, thời gian lướt mạng xã hội của người Việt trung bình 2,5 giờ, gấp đôi thời gian xem tivi, và hơn 1 giờ so với các hoạt động trên phương tiện khác.
Trong báo cáo mới nhất về người tiêu dùng tại Việt Nam từ Google, có 36% người tiêu dùng vừa xem tivi vừa lên mạng. Cụ thể, họ vừa xem tivi vừa dùng PC (13%), lên mạng từ smartphone (90%) và máy tính bảng (9%).
* Thị trường: Ba tháng, người Việt chi 13,6 ngàn tỉ đồng sắm smartphone
Ngoài ra, di động là một trong ba xu hướng trọng tâm bên cạnh mua sắm trực tuyến và xem video trực tuyến. 55% người dùng lên mạng qua di động và hoạt động chủ yếu là lướt mạng xã hội (59%) so với tìm kiếm thông tin (56%) và xem video trực tuyến (54%).
8/10 người tiêu dùng Việt Nam lên mạng ít nhất một lần mỗi ngày. 1,4 là tỉ lệ trung bình về thiết bị kết nối Internet mà mỗi người tiêu dùng tại VN sở hữu, tăng 75% kể từ năm 2013. |
Báo cáo Google Consumer Barometer 2015 - Vietnam |
Theo bà Phan Bích Tâm, giám đốc đại diện của Hiệp hội Tiếp thị di động toàn cầu (MMA) tại VN, đây là một xu hướng tất yếu khi di động trở thành trung tâm trong tất cả giao tiếp của người tiêu dùng. Báo cáo của Facebook là dấu hiệu nhận biết sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, dẫn đến cơ hội tiếp cận mới dành cho các nhãn hàng.
Theo đó, di động sẽ là nền tảng đối thoại chính của người tiêu dùng, đồng thời mở ra những cơ hội cho những nhãn hàng tăng khả năng tiếp cận chính xác hơn nhóm khách hàng tiềm năng.
"Kể cả người dùng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có cơ hội như nhau khi tạo dựng môi trường kinh doanh trên mạng xã hội, lợi thế chi phí thấp, tiếp cận trực tiếp khách hàng tiềm năng và tương tác", bà Tâm nhận định.
Về yếu tố thời gian lướt FB của người VN gấp đôi thời gian xem TV, bà Tâm chia sẻ: "Tính cá nhân hóa đang là xu hướng trong việc xây dựng nội dung và hình thức giao tiếp với người tiêu dùng. Để tương tác và dẫn khách hàng đến các hành động cụ thể, nhãn hàng tập trung khai thác hiệu quả hơn trên đa kênh (multi channel) và đa-màn hình (multi-screen) để cung cấp nội dung phù hợp theo từng thời điểm mà khách hàng mong muốn. Đó được xem là lợi thế trong câu chuyện truyền thông hiện nay".
55% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu smartphone, 12% có máy tính bảng (tablet) và 46% có PC |
Báo cáo Google Consumer Barometer 2015 - Vietnam |
Lừa đảo qua mạng gia tăng
Thị trường mạng xã hội rộng mở, đi kèm với các cơ hội là những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng xã hội.
Theo ông Ngô Trần Vũ, giám đốc điều hành Công ty NTS Security, con số lạc quan được Facebook công bố cũng bao hàm những nguy cơ cần xem xét như trò lừa đảo "ông chú Viettel" lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại rất phổ biến trên Facebook trong suốt năm qua. Ngoài ra, còn có những nguy cơ gồm ứng dụng kèm mã độc đánh lừa qua những chiêu “câu khách” như vẽ chibi, bói toán… tràn lan trên mạng xã hội.
* Cần biết: Thêm chiêu “bà chị” MobiFone lừa nạp thẻ cào
"Người dùng di động hiện nay ít cảnh giác về các nguy cơ bị tấn công hơn so với người dùng máy tính cá nhân (PC). Phần lớn người dùng di động không có phần mềm bảo mật diệt virút trên thiết bị di dộng. Họ có nhiều nguy cơ lây nhiễm virút từ Internet xuống thiết bị di động và bị mất cắp các thông tin cá nhân như tài khoản Facebook, Gmail, Yahoo mail...", ông Vũ chia sẻ về nguy cơ đi kèm với sự bùng nổ về di động.
Theo ông Vũ, người tiêu dùng cần nắm những kiến thức sử dụng thiết bị di động không chỉ để có được hiệu quả tốt nhất mà còn để an toàn hơn, khi smartphone hay tablet dần trở thành thiết bị lưu trữ nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận