Thí sinh dự thi THPT năm 2021 tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền (TP Biên Hòa, Đồng Nai) - Ảnh: A LỘC
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định theo Luật giáo dục 2019. Thế nhưng dư luận đề xuất không tổ chức thi mà chỉ xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 lại rộ lên khi kỳ thi năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, đặc biệt là tại TP.HCM - nơi có đông học sinh dự thi nhất cả nước.
Hằng năm Bộ GD-ĐT đều ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, ba mục tiêu chính của kỳ thi là: để xét tốt nghiệp THPT; làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển và đánh giá kết quả dạy và học chương trình giáo dục phổ thông.
Do đó, nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT có còn cần thiết hay không cần dựa trên việc đánh giá các mục tiêu của kỳ thi đạt hiệu quả như thế nào.
Không thi, chỉ xét tốt nghiệp được không?
Đây là câu hỏi dễ trả lời nhất, đó là hoàn toàn có thể xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 mà không cần tổ chức kỳ thi. Và đây cũng là nguyên nhân làm xã hội bức xúc vì tổ chức một kỳ thi quy mô quốc gia hằng năm có xấp xỉ 1 triệu học sinh tham gia nhưng cuối cùng chỉ xác định được tỉ lệ học sinh không tốt nghiệp rất ít.
Thậm chí năm 2020 tình hình dịch bệnh cũng rất phức tạp diễn ra đúng vào thời gian thi tốt nghiệp, lịch thi phải dời nhiều lần nhưng rồi tỉ lệ tốt nghiệp THPT lại cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, trong đó có đến hơn 20 tỉnh thành phố có tỉ lệ tốt nghiệp hơn 99%.
Thậm chí hai năm liên tục gần đây, TP.HCM đề xuất giao cho thành phố tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Thật ra, nếu không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước thì cũng chẳng cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp riêng của TP.HCM làm gì.
Cần thấy rõ rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước hiện nay cũng thật sự là do các địa phương tự tổ chức theo ba quy định chung của Bộ GD-ĐT (tất nhiên là 3 quy định vô cùng quan trọng): ngày thi thống nhất chung cả nước, đề thi chung cả nước và công thức xét điểm tốt nghiệp chung cả nước.
Nếu không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chung của cả nước thì tốt nhất là xét tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập lớp 12 của học sinh. Chứ nếu bỏ kỳ thi chung mà sau đó địa phương này tổ chức thi tốt nghiệp, địa phương kia chỉ xét tốt nghiệp thì tình hình sẽ càng thêm phức tạp và những kỳ thi tốt nghiệp của riêng từng địa phương cũng chẳng thể so sánh được với nhau.
Hoàn toàn có thể đoán trước dù cho địa phương có tự tổ chức thi tốt nghiệp riêng (tự ấn định ngày thi tốt nghiệp, tự ra đề thi và tự quy định tiêu chuẩn xét tốt nghiệp) thì tỉ lệ tốt nghiệp của các địa phương sẽ ít nhất là hơn 90%.
Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT qua các năm - Nguồn: Bộ GD-ĐT
Đại học xét không dựa trên kết quả thi tốt nghiệp được không?
Câu trả lời là được vì hiện nay việc xét tuyển vào các trường ĐH có rất nhiều phương thức, trong đó ba phương thức chính hiện nay là kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ THPT và kết quả các kỳ thi riêng cho trường ĐH tự tổ chức, trong đó quan trọng nhất là kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Nếu không có phương thức kết quả thi tốt nghiệp thì nguồn tuyển sinh của các trường ĐH sẽ chuyển sang các phương thức khác.
Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là lựa chọn của nhiều học sinh nhất (khoảng 75% số học sinh dự thi tốt nghiệp hằng năm) và của hầu như 100% các trường ĐH, đặc biệt là những trường ĐH thu hút nhiều học sinh đăng ký xét tuyển.
Thống kê sau kỳ xét tuyển 2020 vừa qua, số thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm hơn 53% tổng số sinh viên mới, trong khi tổng số sinh viên mới trúng tuyển theo tất cả các phương thức khác chỉ đạt gần 47%. Điều này cho thấy kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là cơ sở quan trọng để các trường xét tuyển.
Nếu không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, những trường ĐH thu hút đông thí sinh buộc phải chọn các phương thức xét tuyển mang tính sàng lọc và phân hóa cao hơn kết quả học bạ THPT. Chỉ tiêu xét tuyển hạn chế không thể xét tuyển được hàng trăm ngàn học bạ đẹp, hàng trăm ngàn điểm 30 tổng ba môn xét tuyển, hàng trăm ngàn học sinh giỏi và xuất sắc.
Những thống kê về độ vênh của kết quả kỳ thi tốt nghiệp với kết quả điểm trung bình lớp 12 của từng địa phương, từng trường THPT đã thấy rất rõ điều này. Chính bối cảnh bấp bênh trong dịch bệnh COVID-19 của kỳ thi tốt nghiệp THPT mà kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đã thu hút 60.000 - 70.000 học sinh tham gia và khoảng 70 trường ĐH dùng chung kết quả.
Có đánh giá được chất lượng dạy và học phổ thông?
Rất tiếc, câu trả lời ở đây chắc chắn là không. Nếu không có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT thì không thể có được bức tranh về kết quả, hiệu quả dạy và học đối sánh giữa các địa phương với nhau, giữa các loại hình giáo dục ở bậc THPT.
Ví dụ, thống kê điểm trung bình các môn thi hằng năm từ 2017 đến nay cho thấy ngoại ngữ chẳng những luôn là môn đội sổ trong tất cả các môn thi mà thậm chí còn luôn dưới mức trung bình.
Nếu thống kê đối sánh chi tiết hơn sẽ còn biết địa phương nào có điểm thi ngoại ngữ thấp, từ đó có thể có các chính sách hỗ trợ các điều kiện dạy và học tốt hơn trong khuôn khổ Đề án ngoại ngữ quốc gia.
Đó là chưa nhắc đến một kỷ niệm buồn là nhờ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT mà đã phát hiện vụ gian lận thi cử của một số tỉnh phía Bắc năm 2018. Cách đánh giá kết quả học tập ở bậc phổ thông nói chung và ở năm lớp 12 nói riêng hiện nay tại một số địa phương có thể nói thẳng rằng chưa khách quan và chính xác.
Nếu từng địa phương tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp riêng thì chúng ta sẽ mất đi những thông tin quý giá để đề ra hoặc điều chỉnh các chính sách giáo dục, nhất là khi hệ thống giáo dục vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chuyện bỏ thi tốt nghiệp THCS
Bức tranh xét tuyển của các trường ĐH khi không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT phần nào cũng sẽ giống với việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS năm 2006 (chỉ xét tốt nghiệp), thì chỉ vài năm sau đồng loạt các địa phương phải phát sinh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách phân luồng sau THCS của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận