10/05/2018 12:52 GMT+7

Nhiều việc phải làm ở 'trung tâm điều hành cấp cứu thông minh'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Làm sao để trung tâm cấp cứu thông minh hoạt động hiệu quả, thu nhập và sự an toàn của nhân viên cấp cứu ngoại viện được đảm bảo… là các vấn đề đặt ra tại buổi làm việc của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu với Trung tâm cấp cứu 115.

Nhiều việc phải làm ở trung tâm điều hành cấp cứu thông minh - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, trình bày về đề án "trung tâm điều hành thông minh" - Ảnh: HOÀNG LỘC

Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (gọi tắt trung tâm), cho biết nhu cầu cấp cứu của người dân rất lớn và thực tế đơn vị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, cấp cứu người bệnh.

Lương trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng

Cụ thể, trong năm 2017 đơn vị nhận được gần 21.000 cuộc gọi (tăng 237% so với năm 2015), xuất gần 15.000 lượt xe với trên 12.000 bệnh nhân. 

Trong quý 1-2018 đơn vị nhận được trên 5.000 cuộc gọi cấp cứu, đặc biệt tham gia tích cực ở những sự kiện như cháy chung cư Carina, ngộ độc thực phẩm ở Q.Tân Bình.

"Trong nhiều cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ xe, chúng tôi phải từ chối khá nhiều vì người dân muốn thuê xe cấp cứu chở người nhà đi bệnh viện. Đặc biệt, khoảng 30% số người gọi yêu cầu cấp cứu nhưng khi xe đến họ đã đi phương tiện khác. Đây là lý do khiến các trạm vệ tinh tốn tiền xăng, gây thất thu lớn", bác sĩ Long nói.

Từ thực tế này, PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế, khẳng định để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh, trung tâm cấp cứu 115 phải được đầu tư quy mô, hiện đại, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành cấp cứu.

"Về chuyên môn sẽ tiết kiệm nhiều thời gian bằng việc bớt các khâu thủ tục, đặc biệt là tranh thủ được "thời gian vàng". Ngược lại, thông qua hệ thống thông minh này người dân có thể giám sát được hoạt động của mạng lưới cấp cứu", bác sĩ Long nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Long, tính đến tháng 4-2018, nhân lực của trung tâm có 140 người. Trong năm 2018, đơn vị tuyển dụng 14 người, nhưng có đến 23 người nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ. Đa phần nguồn nhân lực hiện tại còn trẻ, thiếu và chưa có kinh nghiệm về chuyên môn, quản lý.

Lý giải việc nhiều người xin nghỉ, bác sĩ Long nói có nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là mức lương quá thấp (trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng) và cơ hội phát triển nghề không cao.

Nhiều việc phải làm ở trung tâm điều hành cấp cứu thông minh - Ảnh 2.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế, khẳng định để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh trung tâm cấp cứu 115 phải được đầu tư quy mô, hiện đại - Ảnh: HOÀNG LỘC

"Mày phải làm, không làm tao xử"

Lương thấp đã đành, nhiều nhân viên cấp cứu ngoại viện ở trung tâm cho rằng sự an toàn của họ không được đảm bảo. 

Một bác sĩ chuyên khoa 2 vào trung tâm làm việc từ năm 2009 tỏ ra khá tâm tư khi cho rằng so với cấp cứu trong các bệnh viện, cấp cứu ngoại viện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi tiếp xúc với đủ thành phần trong xã hội như nghiện ma túy, xì ke, giang hồ....

Bác sĩ này kể cách đây không lâu, ê kíp do bác sĩ này đến hiện trường một vụ tai nạn giao thông để sơ cứu người gặp nạn. 

"Lúc đang sơ cứu thì miệng người đàn ông này phun máu vào mặt tôi. Thực sự lúc đó tôi rất hoang mang vì không biết người này có nhiễm HIV hay không để chủ động điều trị phơi nhiễm. Độ an toàn không có và hiện tại chúng tôi đang vừa làm vừa run", bác sĩ này chia sẻ.

Thậm chí, theo bác sĩ này, khi nhận nhiệm vụ cấp cứu ở hiện trường, ê kịp chỉ biết thực hiện nhiệm vụ một cách trọn vẹn nhất nhưng cũng không ít lần bị đe dọa: "Mày phải làm, không làm tao xử". 

Nhiều việc phải làm ở trung tâm điều hành cấp cứu thông minh - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thu khẳng định bản thân rất chia sẻ về khó khăn, công việc thầm lặng, có phần "khác lạ" của nhân viên cấp cứu ngoại viện so với các lĩnh vực khác trong ngành y - Ảnh: HOÀNG LỘC

Không đầu tư tràn lan

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TP, khẳng định bản thân rất chia sẻ về khó khăn, công việc thầm lặng, có phần "khác lạ" của nhân viên cấp cứu ngoại viện so với các lĩnh vực khác trong ngành y. 

Bà yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế, giám đốc trung tâm phải chăm lo, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đầu tư chỗ ăn ngủ, thức ăn, công cụ bảo vệ sức khỏe tính mạng cho bác sĩ, nhân viên.

Bà Thu đánh giá cấp cứu ngoại viện là khâu vô cùng quan trọng bởi đó là khâu đầu tiên duy trì, đảm bảo cho sự sống của người bệnh. 

Minh chứng cho điều này, Phó chủ tịch UBND TP chia sẻ câu chuyện buồn của gia đình nhưng khá điển hình về trường hợp một người cháu ruột trong lúc ngủ bỗng nhiên tím tái và vừa qua đời lúc 3h sáng nay do cấp cứu không kịp.

Nhiều việc phải làm ở trung tâm điều hành cấp cứu thông minh - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Thu chụp ảnh với cán bộ, nhân viên trung tâm cấp cứu 115 - Ảnh: HOÀNG LỘC

Ba vấn đề trung tâm đề xuất (tăng thu nhập, kinh phí, đầu tư xe cứu thương), bà Thu cho rằng "không phải là vấn đề quá lớn đối với TP" và bản thân bà rất đồng thuận. 

Tuy nhiên, bà lưu ý trung tâm phải "giải đáp" được cơ sở đề xuất cho phù hợp bởi nếu nói khó khăn bất cứ ngành nào cũng khó, thậm chí có nhiều ngành còn khó khăn không kém.

"Chủ trương TP đồng thuận bởi đầu tư để bảo toàn tính mạng con người là ưu tiên hàng đầu. Trong quá trình đợi ý kiến của TP, đề nghị trung tâm chủ động chuẩn bị đồng bộ cơ ngơi, con người, phương tiện thiết bị, thực tập… để khi được duyệt triển khai nhanh nhất", bà Thu nói.

Theo bà Thu, việc trung tâm đề xuất tăng xe cứu thương phải tính toán kỹ, không đầu tư tràn lan và không phải ai tham gia vào hệ thống cấp cứu cũng cấp xe để tránh lãng phí. 

Trong bối cảnh kẹt xe nghiêm trọng như hiện nay, bà Thu giao Sở Y tế nghiên cứu ngoài việc sắm xe cứu thương chuyên dụng, có thể đầu tư một loại phương tiện nào đó tiện lợi phù hợp với bối cảnh thực tế hơn.

Mở mã ngành đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện

Một thực tế khó khăn nhất hiện nay là không có nhân viên cấp cứu ngoại viện đúng nghĩa bởi chưa có chương trình đào tạo chính quy.

Lãnh đạo trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng về nguyên tắc nếu muốn mở mã ngành đào tạo chuyên ngành bác sĩ cấp cứu ngoại viện đòi hỏi phải có một tiễn sĩ chuyên về ngành này nhưng thực tế hiện nay không có.

“Do đó việc lựa chọn phương án đào tạo cử nhân điều dưỡng cấp cứu ngoại viện là khá phù hợp, hiện đang được nhiều nước thực hiện mang lại hiệu quả cao. Cử nhân điều dưỡng đào tạo cấp cứu ngoại viện có thể vừa làm việc trong bệnh viện, vừa chăm sóc bệnh nhân tại nhà và vừa có thể cấp cứu ngoại viện” - PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên