15/02/2012 09:20 GMT+7

Nhiều trường đăng ký chỉ tiêu quá năng lực

Ông TRẦN THANH HIỆP(hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh)
Ông TRẦN THANH HIỆP(hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh)

TT - Một loạt cải tiến của kỳ thi tuyển sinh 2012 đã được đem ra bàn thảo tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra ngày 14-2 tại Hà Nội. Có những nội dung đổi mới được hội nghị nhất trí ngay, nhưng cũng nhiều cải tiến Bộ GD-ĐT dự kiến thực hiện cho mùa tuyển sinh 2012 tiếp tục phải điều chỉnh...

Read this on Tuoitrenews.vn

URV5xQFM.jpgPhóng to
Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ tham dự hội nghị sáng 14-2 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Với chủ trương rất mở, năm 2012 Bộ GD-ĐT bật đèn xanh cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. “Đây không chỉ là cơ hội cho thí sinh mà còn là cơ hội cho nhiều trường vốn khó khăn về nguồn tuyển”- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải thích cho Tuổi Trẻ bên lề hội nghị.

Cần xem lại biện pháp chế tài

Năm 2012 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT giao các trường tự xác định chỉ tiêu nhưng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tới thời điểm này Bộ GD-ĐT nhận được đăng ký chỉ tiêu của 133/176 trường ĐH và 152/212 trường CĐ thì đã có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký chỉ tiêu vượt quá năng lực thực tế của trường. Trong số đó có 10 trường ĐH nếu áp dụng đúng tiêu chí xác định chỉ tiêu thì chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 chỉ bằng 0.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - bày tỏ sự lo ngại: “Theo Bộ GD-ĐT, năm 2011 có 20 trường bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định tuyển sinh. Nhưng năm 2012, khi bộ giao các trường chủ động xác định chỉ tiêu, vẫn có tới 94 trường làm sai. Phải chăng cần xem lại biện pháp chế tài. Nếu không các trường sẽ chấp nhận bị phạt hành chính để tuyển vượt”.

Đại diện một số trường đã bày tỏ nỗi niềm: “Không có sinh viên thì không có tiền trả lương cho giảng viên, thiếu giảng viên lại bị cắt chỉ tiêu”. Chính vì cái vòng luẩn quẩn này mà ông Lê Thanh Bình, đại diện ĐH Công thương TP.HCM, đề xuất một việc đi ngược với chủ trương của Bộ GD-ĐT là: “Bộ không nên dựa quá vào tiêu chí sinh viên/giảng viên và diện tích đất, cho phép các trường có cơ hội nâng chỉ tiêu”. Ông Hồng Anh, ĐH Quy Nhơn, cũng kêu khó khăn với quy định “chỉ tiêu ngoài chính quy chỉ bằng 50% chỉ tiêu chính quy thì trường không đủ nguồn thu trả lương cho giảng viên”.

Muốn tiếp tục mở rộng khối thi

Đa số ý kiến tại hội nghị đều ủng hộ việc Bộ GD-ĐT có thêm khối A1 (toán, lý, tiếng Anh). Theo ông Trần Văn Nam - phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, khối A1 tháo gỡ khó khăn cho nhiều thí sinh muốn dự thi vào các ngành vốn tuyển sinh khối A nhưng lại yếu môn hóa. Trên thực tế, nhiều ngành tuyển sinh khối A hiện nay cũng không cần đến kiến thức hóa học nhưng lại cần thí sinh có năng lực ngoại ngữ. Ông Lê Đình Viên, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, bày tỏ sự ủng hộ việc mở rộng khối thi để phù hợp với đặc thù ngành đào tạo và nói thêm: “Nhiều ngành hiện nay tuyển sinh khối B nhưng đặc thù của ngành đó cũng không cần đến kiến thức hóa, sinh mà chỉ cần kiến thức toán học, ngoại ngữ. Xu hướng điều chỉnh khối thi để phù hợp với ngành đào tạo là cần thiết, nâng chất lượng tuyển chọn”.

Cũng đề cập đến môn thi, đại diện các trường khối văn hóa nghệ thuật cho rằng việc quy định cứng các môn thi văn hóa nhiều khi để lọt mất những thí sinh có năng khiếu đặc biệt. Vì vậy, với những ngành năng khiếu cần phải có quan điểm mở hơn. Theo ông Trần Thanh Hiệp - hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh, với quy định thi môn văn theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nhiều thí sinh có năng khiếu đã không vượt qua được trở ngại và chấp nhận đứng ngoài cổng trường.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị: các trường khối văn hóa nghệ thuật nghiên cứu và đề xuất với Bộ GD-ĐT môn thi phù hợp (ngoài môn năng khiếu) với mục đích đảm bảo chất lượng tuyển sinh, không để lọt người tài. Nếu phương án đề xuất của các trường hợp lý, Bộ GD-ĐT sẽ đồng ý để các trường khối văn hóa nghệ thuật thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh năm 2012.

HZbW1ZLi.jpgPhóng to

Ông Trần Thanh Hiệp - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Nhiều vấn đề chưa thấy báo cáo”

"Từng có một người thi vào trường chỉ đạt điểm 2 môn văn nhưng người đó môn năng khiếu lại rất xuất sắc, sau này đã trở thành nghệ sĩ nhân dân"

Phát biểu tại hội nghị hiệu trưởng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra con số: “Có 60% số trường mở khối ngành kinh tế và 41% trong tổng số thí sinh dự thi ĐH-CĐ dự thi vào khối ngành kinh tế. Bây giờ nếu bộ cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, liệu sự mất cân đối trong các ngành nghề đào tạo càng gia tăng không?”. Trao đổi lại với ý kiến Phó thủ tướng, ông Nguyễn Văn Toàn - giám đốc ĐH Huế - cho rằng bên cạnh các chỉ tiêu đào tạo do Nhà nước đặt hàng (vào các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn), các trường có thể dành chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu người học. Về điều này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích: theo quy định mới, các trường đăng ký mở ngành phải căn cứ vào các tiêu chí, trong đó tiêu chí quan trọng mà các trường phải dựa vào là quy hoạch nguồn nhân lực. Việc mở ngành phải phù hợp với nhu cầu về nhân lực.

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội ủng hộ đề án học phí áp dụng với các trường ĐH-CĐ với mục tiêu tạo thuận lợi cho các trường nâng chất lượng đào tạo, nhưng hiện không thấy Bộ GD-ĐT báo cáo về hiệu quả sau khi thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết đang tiến hành đánh giá hiệu quả của việc thực hiện đề án học phí mới. Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng nhận lỗi trước Phó thủ tướng về việc chưa có chỉ đạo thống nhất cho khối ĐH-CĐ trong việc triển khai sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên đánh giá lãnh đạo nhà trường và việc chậm trễ trong việc thành lập các trung tâm kiểm định độc lập để tăng cường công tác kiểm định.

Từ năm 2020 chỉ thi tuyển sinh ở trường ĐH tốp đầu

Theo lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy mà Bộ GD-ĐT dự kiến, từ nay đến năm 2015, kỳ thi tuyển sinh sẽ tiếp tục giữ ổn định theo giải pháp “ba chung”. Trong những năm này sẽ có những điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho các trường và nhiều cơ hội thuận lợi cho thí sinh. Từ năm 2016-2019, sẽ chỉ tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có hai môn công cụ bắt buộc (toán, ngữ văn) và các môn thi tự chọn. Các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo mà không thi theo khối. Từ năm 2020 trở đi, việc thi tuyển chỉ còn diễn ra ở các trường ĐH tốp đầu, các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu. Tất cả các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông.

Ông TRẦN THANH HIỆP(hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên