01/11/2017 15:14 GMT+7

Nhiều tỉnh miền Tây cấm tàu thuyền ra khơi

MẬU TRƯỜNG - K.NAM - T.NGUYÊN  - TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
MẬU TRƯỜNG - K.NAM - T.NGUYÊN - TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG

TTO - Trước diễn biến phức tạp của hai vùng áp thấp xuất hiện trên Biển Đông, nhiều tỉnh miền Tây đã có công điện yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Nhiều tỉnh miền Tây cấm tàu thuyền ra khơi - Ảnh 1.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 110km

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 13h ngày 1-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.

Đến 13h ngày 2-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Ven biển Nam Bộ cần đề phòng nước dâng do áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, đêm 1-11 ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7.

Từ ngày 1-11 đến hết ngày 2-11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong đêm nay tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông.

Trong khi đó lúc 13g ngày 1-11, một áp thấp nhiệt đới khác đang ở khu vực phía Bắc đảo Palawan (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 13g ngày 2-11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75h/h), giật cấp 10.

Cấm tàu thuyền ra khơi

Trước diễn biến phức tạp của hai vùng áp thấp xuất hiện trên Biển Đông, một số tỉnh miền Tây đã có công điện yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Ngày 1-11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre vừa có công điện gửi các sở, ngành chức năng tìm mọi biện pháp thông báo kịp thời cho các chủ tàu, thuyền trưởng biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Nhiều tỉnh miền Tây cấm tàu thuyền ra khơi - Ảnh 2.

Từ 7g ngày 1-11, các tàu cá tại tỉnh Bến Tre bị cấm ra khơi. (Ảnh chụp tại cảng cá Ba Tri, Bến Tre sáng 1-11) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm vừa có công điện gửi các ngành chức năng tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để thông báo cho các chủ tàu.

Ngoài ra, ông Lâm cũng yêu cầu tạm dừng thi công các công trình sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới cho đến khi có dự báo thời tiết thuận lợi.

Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết địa phương này đã tổ chức họp khẩn với các huyện ven biển để đối phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh thành bão.

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Kiên Giang, các địa phương chịu ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới gồm: huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải và các huyện ven biển. 

Ông Lê Thanh Hưởng - phó chủ tịch UBND huyện Kiên Lương - cho biết huyện đã kêu gọi hơn 300/948 tàu, thuyền vào bờ tránh bão. Số còn lại đang tiếp tục kêu gọi vào nơi tránh trú bão an toàn.

"Để đảm bảo an toàn, tại Hòn Chông từ sáng 1-11, huyện đã cấm toàn bộ tàu thuyền ra biển. Đồng thời kiến nghị Chi cục Thủy lợi tỉnh mở các cửa cống ngăn mặn để tàu thuyền vào các tuyến sông trong đất liền tránh trú an toàn" - ông Hưởng nói.

Tại Phú Quốc, ông Đinh Khoa Toàn - chủ tịch UBND huyện đảo này - cho hay bắt đầu từ chiều 1-11 cấm toàn bộ tàu thuyền ra biển. Bên cạnh việc kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn, trên địa bàn huyện còn có hoạt động nuôi cá lồng bè, bà con ngư dân đang gia cố, neo buộc để tránh thiệt hại. 

Tại huyện đảo Kiên Hải, đến sáng 1-11, đã có 1.080/1.530 phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn. Các hộ nuôi cá lồng bè với 283 bè cá cũng đã nắm được thông tin và sẵng sàng phương án ứng phó.

Theo Trung tá Bùi Minh Trí - phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này đã có hơn 3.000 tàu thuyền của tỉnh vào nơi tránh trú bão an toàn. Hiện còn khoảng 6.000 tàu với 30.000 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có nhiều tàu còn ở vùng nguy hiểm, cần tập trung kêu gọi tìm nơi tránh trú an toàn.

Tại Bạc Liêu, tỉnh này đã gọi 426 tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên còn 7 tàu vẫn chưa liên lạc được. Hiện tỉnh Bạc Liêu phối hợp với gia đình gia đình chủ các phương tiện tích cực liên lạc kêu gọi các phương tiện này tránh trú an toàn.

MẬU TRƯỜNG - K.NAM - T.NGUYÊN - TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên