Các đại biểu tham quan ảnh các thư viện trường ĐH, CĐ tại hội thảo - Ảnh: V.V.TUÂN |
PGS. TS Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc trung tâm học liệu ĐH Thái Nguyên đã phát biểu như vậy tại hội thảo Thư viện đại học và cao đẳng 2011-2015 do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức ngày 2-12 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, đại diện thư viện nhiều trường ĐH, CĐ đã than khó, vì thiếu cơ sở vật chất và nguồn kinh phí hạn chế.
Chỉ 20% thư viện có kinh phí tốt hoạt động
Bà Vũ Dương Thuý Ngà, phó vụ trưởng phụ trách Vụ thư viện (Bộ VH-TT&DL) cho biết, đội ngũ cán bộ thư viện ĐH, CĐ vẫn còn ít. Hiện mới chỉ có 28% thư viện các trường ĐH, CĐ có website; 54% thư viện xây dựng được mục lục điện tử. Lượt đọc bình quân trong ngày tại các thư viện là 276 bạn đọc/ngày.
Bà Ngà cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: “Vẫn còn không ít các thư viện được đặt trong phòng như kho chứa, tài liệu nghèo, giáo trình, tài liệu tham khảo chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Kết quả điều tra tại các trường ĐH và CĐ cho thấy, chỉ có 20% thư viện được đáp ứng kinh phí tốt để hoạt động”.
PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Nhạc viện TP HCM) chia sẻ: “Nhạc viện quá thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có diện tích để đầu tư để có thể mạnh dạn thu thập, in ấn tài liệu, sách, hay băng đĩa; phần công nghệ thông tin cho truy cập thông tin, thực hiện hệ thống truy cập đa phương tiện còn lạc hậu, thiếu thốn, quá tải. Thư viện chưa có phần mềm quản lý thư viện, chưa liên kết được với hệ thống âm nhạc trên thế giới vì không có hệ thống máy móc, phần mềm quản lý tương thích. Chính vì những điều này, mà nhạc viện đã bỏ lỡ nhiều những dự án tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Bản thân các nhân viên thư viện, do thu nhập quá thấp, nên khó toàn tâm toàn ý cho công tác”.
Loay hoay tìm giải pháp
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn về mặt kinh phí cho hệ thống các thư viện trong trường ĐH, CĐ.
Th.S Nguyễn Thị Bích Ngọc (thư viện khoa Du lịch, ĐH Huế) đề xuất giải pháp huy động kinh phí xã hội hoá bằng cách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp cho thư viện.
PGS. TS Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc trung tâm học liệu ĐH Thái Nguyên cũng đồng tình với giải pháp căn bản lâu dài này: “Nếu đi một vài nước xung quanh VN, ở ngay khu vực Đông Nam Á, hay Châu Á, sẽ thấy hệ thống thư viện trong các trường ĐH của họ tốt hơn VN rất nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này đầu tiên là do vấn đề tài chính. Bình quân các thư viện trong trường ĐH, CĐ ở VN hiện nay, chỉ được đầu tư khoảng 200-250 triệu/năm. Vì vậy, ngoài việc kêu gọi các cá nhân, tổ chức đầu tư vào thư viện theo hình thức xã hội hoá, thì cần phải có quy định cụ thể, bắt buộc các trường ĐH, CĐ trích tối thiểu 2% nguồn thu của trường mỗi năm để đầu tư cho hệ thống thư viện. Chứ không thể nói ưu tiên chung chung được”.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho rằng, theo quy định hiện hành, mỗi năm, các trường ĐH, CĐ phải trích 5% nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất của trường, trong đó có hệ thống thư viện. “Nhưng trong số 5% kinh phí đó, chưa chắc đã có đồng nào được đầu tư vào thư viện trường. Vì thế, cần phải quy định rõ ràng, các trường ĐH, CĐ phải trích bao nhiêu % nguồn thu để đầu tư vào hệ thống thư viện” – ông Ái nói.
Hướng tới xây dựng mạng lưới thư viện điện tử Một vấn đề quan trọng nữa trong hội thảo, mà nhiều tham luận đề cập đến, là cần sớm hình thành một mạng lưới liên kết thư viện các trường ĐH, CĐ để chia sẻ tài nguyên dữ liệu điện tử. Th.S Dương Thuý Hương (Thư viện ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH QG TP HCM) cho rằng với việc chia sẻ chung các cơ sở dữ liệu điện tử, các trường ĐH không những sẽ được khai thác triệt để dữ liệu, mà còn tiết kiệm được nhiều chi phí. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng trong điều kiện CNTT phát triển như hiện nay, hướng tới thư viện điện tử là hướng đi phù hợp, và cần phải có sự liên kết, chia sẻ tài nguyên dữ liệu giữa các trường ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bộ VH-TT&Dl Huỳnh Vĩnh Ái cũng đồng tình với chủ trương này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận