Ông Gale cho rằng điều kiện giam giữ các loài rất thiếu thốn, lồng nhỏ, môi trường không phù hợp và phần lớn người dân tin rằng đã đến lúc chấm dứt hình thức xiếc thú. 95% người dân được hỏi cho biết họ phản đối sử dụng hổ, voi và chuột túi trong các trò diễn.
Nhóm làm việc đã báo cáo về sự quan ngại của họ trước tình trạng loài vật bị buồn chán và stress, và nghiên cứu độc lập của một thành viên nhóm nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã tại ĐH Oxford đã “không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các rạp xiếc đóng góp được vai trò gì trong việc giáo dục hay bảo tồn động vật”.
Thế giới đang ngày càng có nhiều rạp xiếc không sử dụng động vật hoang dã để làm trò. Cùng với Thụy Điển, Áo, Phần Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hi Lạp, Costa Rica, Ấn Độ, gần đây Bolivia đã trở thành nước mới nhất cấm sử dụng động vật, dù là ở nhà nuôi hay hoang dã, để làm xiếc. Năm 2010, Anh đã cấm sử dụng voi, sư tử và những loài động vật hoang dã khác vào các trò xiếc, và chỉ cho phép dùng các loài được nuôi trong nhà như thỏ, mèo, chó.
Riêng về voi, Tổ chức PETA chuyên về ủng hộ sự đối xử đạo đức với động vật cho rằng một khi con voi nổi loạn, thì đến người huấn luyện cũng không thể bảo vệ được mình chứ đừng nói đến công chúng. Kể từ năm 2000 đến nay đã có 35 tai nạn nghiêm trọng liên quan tới voi xiếc, từ việc chạy khỏi rạp xiếc ra đường, tấn công người dân hay người huấn luyện.
Nhà khoa học về cuộc sống hoang dã, tiến sĩ Ros Clubb, chuyên gia về hành vi động vật tại Hội Hoàng gia ngăn chặn sự tàn nhẫn với động vật (RSPCA) ở Anh, cho rằng: các rạp xiếc rõ ràng không phải là nơi dành cho động vật hoang dã.
Giam giữ động vật như loài voi vào các chuồng tạm bợ, chuyên chở chúng từ nơi này tới nơi khác, mang chúng ra để đám đông vây quanh xem xét chỉ trỏ, trong điều kiện môi trường ồn ào đều là những cách đối xử rất xấu đối với động vật. Xem động vật biểu diễn những trò bất thường cũng không giúp giáo dục gì cho công chúng hay thúc đẩy tình yêu động vật của họ.
Tuy nhiên, Hiệp hội Các đoàn xiếc châu Âu (ECA) - một tổ chức phi chính phủ - với sứ mệnh thúc đẩy văn hóa và nghệ thuật xiếc cổ điển, lại nhận định dùng động vật trong rạp xiếc mang tính giáo dục, giải trí và giúp người dân hiểu được khả năng của động vật.
Tuy nhiên, ECA đã đưa ra những quy định rất nghiêm khắc về việc đối xử với động vật một cách tử tế, chăm sóc tốt và kêu gọi khởi tố bất kỳ hành động lạm dụng hay đối xử tồi với chúng.
Theo ECA, tất cả việc huấn luyện phải dựa trên việc thể hiện khả năng tự nhiên của động vật, không được đặt chúng vào điều kiện nguy hiểm. Quan trọng là các nhân viên được đào tạo cần phải có mặt liên tục vào thời điểm công chúng đang có những hoạt động tiếp xúc với động vật, và cần có hàng rào chắn phù hợp an toàn giữa người và động vật.
Khác với nhiều ý kiến chuyên gia, ECA lại cho rằng người ta đến rạp xiếc để học về động vật, về nhu cầu cần bảo vệ chúng trong cuộc sống hoang dã. Tuy nhiên, thực tế không phải rạp xiếc nào ở các nước đang phát triển cũng có thể làm được điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận