Tuy nhiên, họ cũng cho rằng người Việt nên hạn chế ồn ào thái quá và phát huy khía cạnh hay ho của việc giao tiếp, kết nối.
Thói quen ồn ào là một phần cuộc sống
Ở Việt Nam 10 năm nay, anh Ramzi Ben (28 tuổi, giám đốc Công ty Ag Toàn Cầu) hào hứng khi chia sẻ về chủ đề này.
"Khi đặt chân đến dải đất hình chữ S, tôi đã có những ấn tượng đáng kinh ngạc về người dân và văn hóa. Người Việt rất nhiệt tình, thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ người lạ. Tôi luôn cảm thấy được chào đón và được chăm sóc mỗi khi gặp gỡ", chàng trai người Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, một điều về văn hóa Việt Nam mà anh gặp phải là thói quen ồn ào. Ban đầu, anh có chút khó khăn để thích nghi tiếng ồn trong các đô thị và nơi đông người. Qua thời gian, anh hiểu rằng đây là một phần cuộc sống hằng ngày, thể hiện tính cởi mở và sự háo hức của người Việt trước một điều gì đó.
"Thói quen này có thể xuất phát từ sự cảm thông, quan tâm của họ với nhau. Khi họ gặp gỡ, tiếng cười nói tạo không gian vui vẻ. Điều này cũng thể hiện tình yêu, niềm đam mê của người Việt khi chia sẻ, kết nối", anh nói.
Mới đến Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, vài lần để du lịch, anh Caner (32 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết bản thân chưa có thời gian tiếp xúc đủ lâu với người Việt, do đó chưa thể đưa ra nhận xét đầy đủ.
Nhưng cảm nhận chung của anh là nhiều người ở nơi công cộng thường hay nói to, cười đùa thoải mái như đang ở nhà.
"Tôi đã nhiều lần thấy người ta cười nói khá ồn ào, đùa giỡn với nhau khi xếp hàng chờ kiểm tra hộ chiếu ở sân bay. Còn hầu hết người xung quanh đều giữ yên lặng và chỉ thì thầm khi cần nói chuyện. Có vẻ nhiều người không thật sự cho rằng cần coi trọng sự riêng tư của người khác trong nhiều hoàn cảnh", anh chia sẻ.
Theo anh Caner, có hai mặt trong thói quen cười đùa vô tư của người Việt. Anh nói: "Ở khía cạnh nào đó tôi thấy người Việt dễ gần và thân thiện. Tôi dễ dàng bắt chuyện với họ. Họ khiến tôi cảm thấy thoải mái khi giao tiếp dù chỉ tình cờ gặp ở đâu đó...".
Và điều này theo anh cũng có thể tạo ra sự ồn ào, gây khó chịu cho người xung quanh nếu họ thể hiện thái quá ở những nơi, những môi trường không phù hợp như chốn công cộng.
Đã nhiều lần đến Việt Nam, nhiếp ảnh gia Nhật Bản Murayama Yasufumi từng gặp tình huống người Việt ồn ào và cãi vã nhau. Với góc nhìn cởi mở, ông cho rằng vấn đề này một phần do văn hóa giao thông ở Việt Nam có đặc điểm nhiều xe máy.
Ông nói: "Do đó, để người đối diện nghe rõ mình, họ phải nói lớn tiếng. Bên cạnh đó, cách phát âm tiếng Việt cũng phải nhấn nhá, lên xuống giọng nên âm lượng to hơn tiếng Nhật".
Nếu người Việt cãi nhau, ông cho rằng thường có lý do nào đó. Trong những trường hợp này, người trong cuộc dùng lời nói, từ ngữ để thể hiện quan điểm thì vẫn có thể chấp nhận được nhưng không nên "động tay động chân".
Phát huy mặt tích cực, hạn chế ồn ào thái quá
Anh Ramzi Ben cho rằng ở khía cạnh tích cực, thói quen ồn ào có thể giúp người Việt tự do thể hiện ý tưởng và sự sáng tạo. Môi trường sôi động cùng với sự giao tiếp có thể tạo ra những cú bắt tay và ý kiến mới, từ đó đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
"Nhưng tôi cũng nhận thấy có những tình huống mà sự ồn ào có thể gây khó khăn cho việc giao tiếp hoặc khi ta cần sự tập trung. Trong những trường hợp này, điều quan trọng là hai bên cần có sự kiên nhẫn và thông cảm cho nhau", anh đúc kết.
Chẳng hạn, có lần anh ghé quán cà phê ở TP.HCM và ngồi gần một nhóm bạn trẻ. Tiếng cười nói của họ lấn át mọi âm thanh khác. Anh tập trung nghe nhạc và tăng âm lượng nhưng không thể nghe được gì.
Sau đó, anh nói với họ: "Xin lỗi, tôi không thể nghe gì vì âm thanh quá ồn ào ở đây. Bạn có thể nói nhỏ một chút không?". Nhóm bạn trẻ nhìn nhau, cười toe toét. Một người nói: "Ôi, xin lỗi bạn, chúng tôi không nghe âm thanh lớn đâu. Bạn có muốn đổi chỗ với ai đó không?". Rồi mọi người tiếp tục trò chuyện.
Lần khác, một người bạn Việt Nam mời anh đi karaoke cùng gia đình họ. "Khi chúng tôi đến quán, một nhóm gia đình đã tụ tập sẵn sàng hát. Ngay khi nhạc bắt đầu, không gian phòng bùng nổ với tiếng hát sôi động", anh kể.
Mỗi người lần lượt thể hiện niềm đam mê hát hò với những bài hát nổi tiếng, không quan trọng nếu ai đó hát lệch nhạc quên lời vì mọi người đều cổ vũ.
Anh chia sẻ: "Tôi không thể không bị cuốn hút bởi sự vui tươi truyền nhiệt của những khoảnh khắc đó. Không mất bao lâu, tôi đã tìm cách cầm micro hát cùng. Dù bài hát có thể chưa trọn vẹn nhưng mọi người dường như đánh giá cao, cổ vũ khiến tôi thấy mình như một ngôi sao vậy".
Lúc này, anh nhận ra thói quen ồn ào không chỉ xuất phát từ sự yêu đời mà còn là một phần văn hóa và cái nhìn tích cực, tràn đầy năng lượng của người Việt.
Còn với nhiếp ảnh gia Murayama Yasufumi, là một người rất yêu quý đất nước và con người Việt Nam, ông nói rằng mình hiểu văn hóa người Việt. Ông cho rằng rất khó để người Việt có thể thay đổi, nói chuyện một cách nhỏ nhẹ trong thời gian ngắn.
"Tôi chỉ mong rằng mọi người hãy thấu hiểu, thông cảm cho đối phương. Và những điều mình không muốn cũng đừng làm cho người khác", ông nói.
Những chia sẻ của ông Murayama cũng như hai người trẻ nước ngoài trong bài đã cung cấp một góc nhìn thú vị về thói quen ồn ào của người Việt. Chúng tôi cũng từng tiếp xúc một số người nước ngoài khác, đa số cũng có ý kiến tương đồng.
Chẳng hạn, có lần chúng tôi trò chuyện cùng một nữ giáo sư sử học người Mỹ. Bà qua Việt Nam du lịch và thăm bạn bè.
Bà đã rất ngạc nhiên khi đường phố TP.HCM quá đông đúc, kẹt xe và người Việt ít khi nói lời xin lỗi nếu có sự va chạm trên đường. Bà cho rằng người Việt khá vội vã, nên sống chậm lại một chút thì sẽ bớt đi sự ồn ào không cần thiết.
Một đôi bạn trẻ khác là Peter Falk và Suzanne là du khách đến từ Canada thì nói rằng họ thấy cũng có người Việt nói năng nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến ai.
"Nhưng chúng tôi thấy nhiều người hay nói thật to. Và hình như càng ở nơi công cộng như nhà ga, sân bay, quán xá, công viên thì họ càng nói to hơn tạo ra những âm thanh ồn ào khó chịu. Ở nước chúng tôi cũng có nhiều người nói to, nhưng hầu hết đều hiểu chỉ được nói to đúng nơi như bữa tiệc riêng tại nhà mình, chứ không thể nói to ở nhà hàng có nhiều người khác...".
Theo ThS xã hội học Lê Minh Tiến (giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM), hiện nay tình trạng ồn ào, mất trật tự nơi không gian chung có phần gia tăng. Trước đây người lớn trong gia đình đều nhắc nhở, uốn nắn con trẻ khi chúng gây ồn. Giờ đây nhiều người hiểu về sự tự do cá nhân có phần sai lệch, nghĩ rằng đó là quyền của mình mà quên đang ở không gian chung.
"Mặt khác, người lớn cũng không giữ được sự chuẩn mực trong không gian chung nên không còn thẩm quyền nhắc nhở, uốn nắn người trẻ có hành vi ồn ào. Điều này góp phần làm gia tăng tình trạng ồn ào", ông nói.
Ông Tiến gợi mở mỗi hành vi ứng xử đều cần được uốn nắn từ những môi trường quan trọng, xuất phát từ gia đình. Trước đây, người ta dạy dỗ trẻ em từ cách ăn uống, cầm đũa... cho đến việc đi ra nơi công cộng phải ứng xử ra sao. Trong môi trường học đường, điều này cũng cần rèn luyện, nhất là ở bậc tiểu học.
"Nhưng hiện nay môi trường gia đình và học đường quá chú trọng kiến thức, thành tích mà lơ là giáo dục lối sống. Chúng ta nên xem lại cách giáo dục về ứng xử, lễ giáo trong gia đình và trường học", ông phân tích.
Trong khi đó, TS Vũ Thị Phương (phó phụ trách khoa quản lý văn hóa - nghệ thuật Trường đại học Văn hóa TP.HCM) cho rằng mỗi người cần phân biệt trong môi trường đang sống, đâu là không gian chung và riêng để hành xử đúng đắn, giữ được hình ảnh và giá trị bản thân.
"Muốn vậy, chúng ta phải học cách tôn trọng người khác, tôn trọng không gian chung. Trong các mối quan hệ, sự tôn trọng phải xuất hiện đầu tiên và được xem là một trong những giá trị sống", bà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận