Một bác sĩ đưa con đi chích ngừa cúm tại Trung tâm VNVC - Ảnh: THUỲ DƯƠNG
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc (Trung tâm Tiêm chủng văcxin dành cho trẻ em và người lớn VNVC, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết số người đến trung tâm này tiêm ngừa cúm A/H1N1 tăng đột biến, gấp 5-10 lần ngày bình thường. Trước đây, trung bình một ngày, cả 3 cơ sở của trung tâm này có từ 100-200 khách hàng chích cúm, những ngày gần đây đã tăng lên khoảng 1.000 khách hàng/ngày.
Đưa cả gia đình đi chích
Ngồi đợi ở hàng ghế chờ đến lượt chích ngừa văcxin, ông N.T.L., 65 tuổi, ngụ ở Q.Tân Phú, cho biết vợ chồng ông đưa cả ba người cháu ngoại đi chích ngừa cúm luôn. Theo ông L., hai vợ chồng ông và các cháu đi chích ngừa vì thấy những người nhà mình chủ yếu nằm trong độ tuổi nguy cơ cao của bệnh cúm A/H1N1. Những năm trước, gia đình ông chưa từng đi chích ngừa bệnh cúm nhưng năm nay nghe có chùm ca bệnh, có một số ca tử vong nên mới cẩn thận đi chích cho an tâm.
Tương tự, chị L.T.M.H., 41 tuổi, ngụ ở Q. Gò Vấp, là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở TP.HCM, cũng đưa cả ba đứa con đến trung tâm này chích ngừa cúm.
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết số người đi chích văcxin cúm ở Trung tâm Y tế dự phòng TP, cũng như ở trung tâm y tế các quận huyện có xu hướng tăng lên.
Có hai lý do khiến số người đến chích ngừa tăng trong dịp này. Một là hiện đang trong mùa hè, các bé được nghỉ hè nên được cha mẹ đưa đi chích ngừa. Hai là gần đây có các chùm ca bệnh cúm trong bệnh viện, có một số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tử vong nên nhiều người lo lắng.
Ở nhóm nguy cơ cao nên đi chích ngừa
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc cho biết những ngày gần đây, nhiều gia đình đưa trẻ đi chích ngừa các loại văcxin khác theo lịch tiêm chủng cũng đăng ký cho trẻ được chích ngừa cúm luôn, thậm chí ông, bà đi theo cũng đăng ký chích ngừa cúm. Có những gia đình còn chích ngừa cúm cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Khi tư vấn, bác sĩ Cúc cũng cho khách hàng biết văcxin cúm chỉ ngừa được 3 chủng hay gặp nhất là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và type B. Và bệnh này đặc biệt nguy hiểm cho những người có bệnh nền mãn tính đi kèm như đái tháo đường, hen phế quản, bệnh về suy thận hoặc những người có cơ địa có sức đề kháng kém như béo phì, người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai…
Bác sĩ Cúc lưu ý sau một tuần chích ngừa cúm có thể đã tạo được kháng thể, nhưng để đạt được đỉnh phòng bệnh tối ưu thì phải mất từ 2-4 tuần sau khi chích ngừa. Trẻ dưới 9 tuổi lần đầu tiêm văcxin cúm sẽ phải tiêm 2 mũi, cách nhau một tháng. Trẻ trên 9 tuổi mỗi năm chích mỗi mũi và mỗi văcxin cúm chỉ ngừa được bệnh trong một năm. Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có cả 3 loại văcxin phòng cúm cho trẻ em và người lớn với số lượng lớn.
Các cách bảo vệ trẻ khỏi cúm Theo Mayo Clinic, bệnh cúm A/H1N1 có thể dùng thuốc chủng ngừa nhưng các chuyên gia khuyên nên chú ý phòng ngừa cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người đang nhiễm bệnh cấp và hệ miễn dịch suy yếu... 1. Rửa tay thường xuyên. Khuyến khích trẻ sử dụng nước ấm và xà bông là cách tốt để đảm bảo tẩy sạch vi trùng vi khuẩn. 2. Ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc từ 8 đến 10 giờ mỗi đêm cho trẻ em học sinh cũng như người lớn có thể là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giúp tăng cường hệ miễn dịch. 3. Bổ sung nhiều vitamin C. 4. Ở nhà. Giữ con ở nhà nếu con bạn cảm thấy không khỏe. 5. Thay quần áo sạch. Sau khi bạn từ sở làm hoặc con trẻ từ trường học về nhà, hãy dành một chút thời gian để ngồi xuống, cởi giày và thay quần áo khác. Tốt hơn hết là dùng vòi sen tắm rửa hoặc rửa mặt và 2 bàn tay của trẻ. Trẻ em nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn - Ảnh: T.T.D. 6. Giúp không khí lưu thông trong nhà. Hãy mở cửa sổ nhà hoặc văn phòng. Hãy để không khí cũ thoát ra và không khí trong lành vào nhà bất cứ khi nào có thể. 7. Vận động ngoài trời. 8. Giữ sạch bề mặt các dụng cụ trong nhà. Phòng tắm, bếp, cửa ra vào, bàn phím máy tính, bàn cầu, bồn rửa mặt... Rửa sạch tất cả những khu vực thường xuyên tiếp xúc. 9. Cho bé bú sữa mẹ. Nếu bạn có trẻ sơ sinh cần cho trẻ bú sữa mẹ, vì những trẻ không bú sữa mẹ dễ bị nhiễm trùng và nhập viện vì bệnh hô hấp sẽ nặng hơn so với trẻ bú mẹ - theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). 10. Đeo khẩu trang. Dùng khẩu trang đúng cách để ngăn chặn virút xâm nhập vào miệng và mũi. DS Thục Nguyên |
Chưa phát hiện thay đổi về độc lực của virút cúm
Đây là ý kiến của đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Pasteur TP.HCM sau khi có ba bệnh nhân cúm tử vong liên tiếp trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia kể trên, ba bệnh nhân tử vong là người có bệnh cảnh nền sẵn có, là nhóm đối tượng nguy cơ cao nếu mắc bệnh cúm. Các thông số giám sát cúm toàn cầu, trong đó có VN, cho thấy hiện chủng cúm A/H1N1 có nổi lên về số ca mắc so với cúm A/H3N2, cúm B, nhưng chưa phát hiện có thay đổi về kháng nguyên, về độc lực và độ lan truyền, chủng virút này cũng vẫn đang phù hợp với văcxin ngừa cúm mùa của năm vừa qua.
Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur TP.HCM cho biết thông thường mỗi năm khu vực phía Nam ghi nhận 30.000 bệnh nhân mắc cúm, trong đó trên 95% bệnh nhân cúm ở ngoài cộng đồng. "Với những đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em, người có bệnh mãn tính… nếu không được phòng ngừa bằng văcxin thì nguy cơ biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm rất cao" - ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết.
L.ANH
Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận