Theo ông Yoichiro Aoyagi, các cầu thủ Việt sẽ kết hợp với cầu thủ đến từ Thái Lan, Indonesia thành lập một CLB đi thi đấu trên khắp đất nước Nhật Bản với phí do J-League chi trả. Những trận đấu giao hữu này sẽ giúp các cầu thủ Đông Nam Á trình diễn năng lực chuyên môn của mình để các CLB hạng nhất, hạng nhì ở J-League chọn và ký hợp đồng.
Trước thông tin việc J-League cấp “quota” đặc biệt cho các cầu thủ VN (Tuổi Trẻ 17-11), HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T) nói: “Việc J-League quyết định bổ sung một cầu thủ đến từ VN cho các CLB dự giải hạng nhất và hạng nhì từ mùa bóng 2014 trở đi là thông tin quá tốt. Theo tôi, việc được chơi bóng trong môi trường chuyên nghiệp ở Nhật sẽ giúp cầu thủ VN nâng mình lên rất nhiều. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc các CLB của J-League đến đàm phán ký hợp đồng với các cầu thủ của Hà Nội T&T”.
“Tôi thật sự phấn khích và rất vui trước thông tin nói trên” - HLV Mai Đức Chung (Thanh Hóa) nói. Ông Chung cho rằng: “Được chơi ở một nền bóng đá chuyên nghiệp, tôi tin cầu thủ VN sẽ tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích. Dù một số CLB ở VN sẽ bị ảnh hưởng về thành tích do mất sự phục vụ của cầu thủ tốt nhất nhưng theo tôi, cần phải suy nghĩ theo chiều hướng tích cực là tạo cơ hội cho cầu thủ được thăng tiến nghề nghiệp”.
Khác với sự hào hứng của hai HLV Phan Thanh Hùng và Mai Đức Chung, ông Nguyễn Tấn Anh - trưởng đoàn bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - lại tỏ ra dè dặt khi cho rằng: “Cửa vào với J-League rộng nhưng chúng ta khó bước qua vì những hạn chế cố hữu: bất lợi về thể hình, thiếu sức mạnh trong tranh chấp tay đôi và thiếu hẳn tốc độ bứt phá.
Ấn tượng với việc Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG vào vòng tứ kết Giải Sanix Cup 2013 rồi gây được tiếng vang ở Giải U-19 Đông Nam Á, vòng loại U-19 châu Á, tuần qua CLB JEF United Chiba (đang chơi ở J-League 2 cùng với Sapporo của Công Vinh) thông qua LĐBĐ Nhật Bản đã gửi văn bản đến VFF nhờ giới thiệu một cầu thủ xuất sắc nhất của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG sang tập luyện, thi đấu để kiểm tra chuyên môn trước lúc ký hợp đồng. Chúng tôi đã gửi văn bản cảm ơn lời mời và xin hẹn dịp khác bởi cầu thủ của học viện chỉ mới 17 tuổi, đang trong giai đoạn phải hoàn thiện thêm về nhiều mặt”.
“Ước mơ lớn nhất của đời cầu thủ là được chơi bóng trong môi trường chuyên nghiệp thật sự ở đẳng cấp cao. Tín hiệu được phát đi từ J-League cho thấy bóng đá VN đang tạo được niềm tin và chỗ đứng ở Nhật Bản. Nếu nhìn nhận ở ý nghĩa tích cực vì sự phát triển của bóng đá VN trong tương lai, tôi tin các ông bầu ở VN sẵn lòng mở cửa cho cầu thủ của mình ra đi bởi các bên cùng có lợi khi hợp đồng đá thuê ở J-League được ký kết. Nếu được CLB nào đó của J-League để mắt đến, tôi sẵn sàng thử sức mình...” - tiền đạo Quang Hải (V.Hải Phòng) nói với Tuổi Trẻ.
Còn theo tiền vệ Phạm Trọng Hóa (vô địch U-15 toàn quốc năm 2012 rồi 2013 trong màu áo Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN - PVF): “Đọc báo Tuổi Trẻ, em thật sự thích thú trước thông tin hấp dẫn này. Với lứa cầu thủ trẻ như em, đó là giấc mơ bọn em đang dệt để hi vọng ngày nào đó sẽ được nối gót thần tượng Công Vinh sang chơi bóng ở Nhật Bản”.
[box]Không có lý gì Công Vinh chỉ chơi ở J-League 2 vài tháng
Ông Aoyagi nói: “Hơn một năm trước, khi các quan chức J-League đề xuất việc tuyển chọn cầu thủ VN sang thi đấu, tôi là người ủng hộ đầu tiên tại nghị viện. Và từ đó trở đi, bóng đá luôn là đề tài nóng hổi giữa các nghị sĩ Nhật Bản trong giờ nghỉ giải lao.
Người Nhật chúng tôi làm việc gì cũng phải làm tới nơi tới chốn, thất bại thì làm lại chứ không cam chịu bỏ cuộc giữa chừng. Ý tôi muốn nói việc tiền đạo Công Vinh đang chơi tốt, tạo ấn tượng lớn với khán giả Nhật Bản, do đó không có lý gì Công Vinh chỉ chơi ở J-League 2 vài tháng rồi trở lại VN”.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận