14/12/2024 20:25 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả nợ trái phiếu cuối năm

Báo cáo của nhiều đơn vị đều nhận định áp lực trái phiếu đáo hạn sẽ tăng mạnh trong tháng 12, sau đó sẽ hạ nhiệt trở lại trong các tháng đầu năm 2025.

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả nợ trái phiếu cuối năm - Ảnh 1.

Nhiều trái chủ mệt mỏi vì đòi tiền mua trái phiếu - Ảnh: CƯỜNG NGÔ

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay có 362 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 342.716 tỉ đồng và 21 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.114 tỉ đồng.

Trong tháng cuối của năm 2024, VBMA ước tính sẽ có khoảng hơn 42.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 14.502 tỉ đồng, tương đương 34%.

Số liệu thống kê của VNDirect trước đó cũng cho thấy trong tháng 12 này sẽ có hơn 38.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ sẽ đáo hạn, tăng hơn 2 lần so với tháng trước. Tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ giảm đáng kể trong các tháng đầu năm 2025.

Ngoài ra, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ tiếp tục diễn ra trong tháng 11 vừa qua. 

Tính đến ngày 2-12, VNDirect cho biết đã có hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn với trái chủ, với tổng giá trị trái phiếu được gia hạn khoảng 160.000 tỉ đồng.

Còn theo VIS Rating - một công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm, trong số 51 trái phiếu đáo hạn trong tháng 12 này, họ đánh giá có 15 trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Hầu hết những trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.

"Với 30% số trái phiếu đáo hạn tháng 12 năm 2024 có nguy cơ chậm trả gốc, cao hơn so với tỉ lệ 20% trái phiếu chậm trả nợ gốc trong 11 tháng đầu năm 2024", chuyên gia VIS Rating nhìn nhận.

VIS Rating ước tính trong vòng 12 tháng tới có khoảng 105.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này có thể có khoảng 21.000 tỉ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.

Riêng tháng 11 năm 2024, một trái phiếu chậm trả được công bố từ Công ty CP Crystal Bay, một công ty thuộc nhóm ngành du lịch, nghỉ dưỡng, với tổng giá trị gốc chậm trả 421 tỉ đồng.

Theo VIS Rating, tổ chức phát hành này đã chậm trả nợ gốc vào ngày 5-11-2024. Sau đó, trái chủ - VNDirect - sở hữu 100% trái phiếu này đã chấp thuận gia hạn thanh toán đến ngày 30-11-2024. Hiện tại chưa có thông báo thanh toán cho trái phiếu này.

Song VIS Rating cho biết trái phiếu này được bảo đảm bằng 78,2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Crystal Bay và VNDirect cũng là đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành và đại diện cho trái chủ.

"Chúng tôi coi những cổ phiếu là tài sản đảm bảo này có tính thanh khoản thấp vì đây là cổ phiếu của công ty không niêm yết. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá rằng công ty sẽ tiếp tục có nguy cơ chậm trả gốc/lãi cao khi có hồ sơ tín nhiệm yếu với dòng tiền hoạt động âm, đòn bẩy cao và nguồn tiền mặt hạn chế", chuyên gia VIS Rating nhìn nhận.

Theo thông tin công bố, tổ chức phát hành này đã lỗ 76 tỉ đồng trong 6 tháng 2024 và 136 tỉ đồng trong 6 tháng năm 2023.

Trái phiếu lần đầu chậm trả có xu hướng giảm

Đánh giá chung về thị trường, VIS Rating cho rằng với 43 trái phiếu chậm trả gốc/lãi lần đầu với tổng giá trị là 23.200 tỉ đồng (lũy kế 11 tháng năm 2024), con số này đã giảm đáng kể so với 369 trái phiếu chậm trả gốc/lãi với tổng giá trị 144.300 tỉ đồng trong năm 2023.

Theo đó, tỉ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 11-2024 giữ ở mức 15,3%. Nhóm năng lượng có tỉ lệ chậm trả cao nhất ở mức 44%, trong khi nhóm bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả nợ trái phiếu cuối năm - Ảnh 2.Làm gì để lấy lại niềm tin cho trái phiếu doanh nghiệp?

Nhu cầu huy động vốn thông qua trái phiếu của Việt Nam rất nhiều nhưng làm sao để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau hàng loạt vụ việc xảy ra vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên