Một kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm sắp xếp các mẫu máu cho một nghiên cứu tiêm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ - Ảnh: AFP
Hãng dược Pfizer ngày 8-7 đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép cho họ triển khai mũi tiêm thứ ba, hay còn gọi là liều tăng cường cho vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech.
Nếu được FDA chấp thuận, trong các tuần tới Pfizer-BioNTech sẽ triển khai liều tăng cường, giúp nâng cao hiệu quả phòng bệnh, đặc biệt trước các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Các biến thể sẽ xuất hiện, nhưng công nghệ như thế này [tức mRNA] có khả năng thực sự xoay chuyển nhanh chóng để giải quyết điều đó, tôi nghĩ vậy.
Ông DERRICK ROSSI, đồng sáng lập Công ty Moderna, nói.
Tăng thêm hiệu quả
Pfizer-BioNTech ngày 8-7 cho biết nghiên cứu của họ cho thấy nếu mũi tăng cường được tiêm vào khoảng ít nhất 6 tháng sau mũi thứ hai sẽ tạo ra các kháng thể giúp phòng ngừa không chỉ virus SARS-CoV-2 nguyên bản, mà còn với cả chủng biến thể virus gần đây hơn là Beta.
Cũng theo họ, lượng kháng thể sinh ra sau mũi tiêm tăng cường cao hơn từ 5-10 lần so với sau khi tiêm hai mũi. Pfizer-BioNTech kỳ vọng mũi tăng cường cũng tạo được mức bảo vệ tương tự trước biến thể Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ).
Pfizer cũng lên kế hoạch các thử nghiệm lâm sàng trong tháng 8 một phiên bản vắc xin cập nhật, được cho là có khả năng phòng ngừa Delta tốt hơn.
"Mặc dù chúng tôi tin liều thứ ba của BNT162b2 (ký hiệu vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech) có khả năng duy trì hiệu quả phòng bệnh cao nhất trước tất cả biến thể virus hiện nay, kể cả Delta, nhưng chúng tôi vẫn rất thận trọng", hai công ty cho biết.
Việc bổ sung mũi tiêm thứ ba và nỗ lực phát triển phiên bản cập nhật vắc xin của Pfizer-BioNTech là những tín hiệu rõ ràng nhất trước nay cho thấy các hãng dược đang chủ động ngăn chặn các biến thể SARS-CoV-2 mới trong nỗi nghi ngại chúng có thể né tránh được các vắc xin hiện có.
Giới chức Mỹ thận trọng
Giới chức y tế liên bang Mỹ tỏ ý sẽ thận trọng xem xét việc cấp phép tiêm mũi tăng cường, một điều theo họ hiện tại chưa cần thiết.
"Những người Mỹ đã được tiêm đủ liều vắc xin không cần tiêm mũi tăng cường lúc này", FDA và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ nêu quan điểm trong thông cáo chung phát đi tối 8-7. Họ cho biết đang cùng Viện Y tế quốc gia (NIH) Mỹ đánh giá nghiêm ngặt trên cơ sở khoa học để biết có cần mũi tiêm tăng cường không, và nếu cần thì tiêm lúc nào.
Các cơ quan chức năng Mỹ nói họ có thể tham khảo dữ liệu nghiên cứu của các hãng dược, nhưng sẽ không chỉ phụ thuộc vào chúng. Cả CDC, FDA và NIH đều cho rằng các vắc xin COVID-19 hiện có vẫn đang phòng ngừa tốt biến thể Delta.
"Hầu như mọi trường hợp phải nhập viện hay chết vì COVID-19 tới nay đều rơi vào những người chưa tiêm vắc xin", họ lưu ý.
Giới khoa học cũng có ý kiến cho rằng chưa cần tiêm nhắc lại thời điểm này. "Tôi rất e ngại có động cơ lợi nhuận thay vì lý lẽ khoa học hợp lý" - tiến sĩ Monica Gandhi, giáo sư y khoa và chuyên gia bệnh nhiễm tại ĐH California, San Francisco, nói.
Bà cho rằng mũi tăng cường lúc này không cần thiết, trừ những người có trục trặc về hệ miễn dịch hoặc quá lớn tuổi. Theo bà Gandhi, các nghiên cứu đã có bình duyệt trong giới gần đây cho thấy hai mũi tiêm vắc xin của Pfizer là đủ để phòng ngừa các biến thể, kể cả Delta.
Sẽ cần tiêm nhắc lại hằng năm?
Hiện tại, không chỉ Pfizer và BioNTech, nhiều hãng khác cũng đang đánh giá hiệu quả vắc xin của họ trước các biến thể mới và nỗ lực cải thiện hiệu quả phòng bệnh của chúng.
Ông Derrick Rossi, nhà sinh vật học nghiên cứu tế bào gốc Canada, cũng là đồng sáng lập Công ty Moderna, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài CTV News Channel hôm 7-7 cho rằng việc tiêm định kỳ mũi tăng cường (hay mũi nhắc lại) sẽ "gần như là điều chắc chắn" cần làm để tăng hiệu quả phòng COVID-19.
Theo ông Rossi, các biến thể virus là chuyện không thể tránh khỏi với một đại dịch ở quy mô như hiện nay, và không ngạc nhiên khi con người cần tiêm một mũi nhắc lại hằng năm.
"Hệ miễn dịch làm những việc của nó và chúng rất xuất sắc về ngắn hạn, nhưng miễn dịch sẽ yếu dần theo thời gian, nhất là với việc xuất hiện các biến thể mới dễ lây hơn, có nguy cơ độc hại hơn", ông giải thích.
Trong tháng 5, Moderna công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng với mũi vắc xin tăng cường. Theo đó, liều thứ ba của loại vắc xin Moderna hiện có, hoặc của một loại thử nghiệm, đã giúp tăng miễn dịch cơ thể trước các biến thể Beta, Gamma (lần lượt phát hiện lần đầu tại Nam Phi và Brazil), bên cạnh khả năng phòng ngừa chủng ban đầu.
Mặc dù kỳ vọng các mũi tiêm nhắc lại sẽ giúp chấm dứt đại dịch COVID-19, nhưng theo ông Rossi, việc này chỉ khả thi nếu mọi người tiếp tục đi tiêm.
Thử nghiệm lâm sàng tích cực
Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) là hai công ty đầu tiên đề nghị FDA cấp phép triển khai mũi tăng cường. Dù Moderna, hãng dược có công nghệ bào chế vắc xin mRNA giống Pfizer-BioNTech, đã phát triển mũi tăng cường từ tháng 2 và trong tháng 5 công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng với những hiệu quả tích cực.
Tương tự, từ cuối tháng 6, các nhà nghiên cứu ĐH Oxford công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy liều vắc xin COVID-19 thứ ba của AstraZeneca đã giúp tăng cường đáng kể lượng kháng thể ngăn virus.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận