26/10/2023 10:30 GMT+7

Nhiều bất cập do quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư không giống ai

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi tham gia diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?". Chúng tôi xin tạm khép lại diễn đàn với một số phản hồi bạn đọc gửi về trong tuần qua.

* Giáo sư ở nước ngoài gắn liền với trường ĐH mà họ công tác, thể hiện vị trí của họ trong trường đó. Còn giáo sư ở Việt Nam là danh hiệu nhà nước, vì cái danh nên mới có nhiều bất cập trong việc xét công nhận như thế này. Nên để các trường ĐH tự chủ trong việc cấp chức danh cho các giảng viên của mình theo vị trí và đóng góp của họ cho trường như các nước khác trên thế giới. (nguyenvantam881988@...)

* Việt Nam hội nhập nên đã bỏ học vị "phó tiến sĩ", giờ chỉ cần cầu thị, học hỏi thế giới về chuyện phong học hàm giáo sư, phó giáo sư nữa là tốt lắm rồi. (trucphapdang@...)

* Vấn đề là trao cho giáo sư và phó giáo sư nhiều lợi ích đến suốt đời mà trách nhiệm thì không tương xứng nên nhiều người cho dù biết mình không đủ chuẩn nhưng thừa tiền nên bằng mọi cách kiếm cho được cái mác lận lưng để hưởng lợi gần như suốt đời. Cần bỏ quy định học hàm suốt đời và căn cứ thành tích hằng năm để xem xét có còn đạt chuẩn giáo sư và phó giáo sư không. (locnhv@...)

* Theo thông lệ quốc tế, các ĐH khi có nhu cầu bổ nhiệm thì sẽ đăng tuyển vị trí giáo sư với các tiêu chí khác nhau phù hợp với ĐH đó. Cũng có người ứng tuyển giáo sư trường này không thành công nhưng vẫn có thể trúng tuyển và được bổ nhiệm ở một ĐH khác. Chính vì vậy không có chuyện nhà nước xét công nhận chức danh giáo sư như Việt Nam. Việt Nam muốn hòa nhập thì những vấn đề thuộc về ĐH hãy để các trường tự quyết định, khi đó các ứng viên không phải "chạy" đủ điểm như ngày nay. (vantrinhcong56@...)

* Trên thế giới, giáo sư là một chức danh nghề nghiệp do một trường ĐH nào đó công nhận và bổ nhiệm. Do vậy giáo sư của một trường ĐH chứ không là giáo sư nhà nước, giáo sư của tất cả các trường như ở Việt Nam. Và cũng không có chuyện giáo sư suốt đời, khi nào hết giảng dạy (nghỉ hưu hay bị thôi việc) thì không còn là giáo sư nữa. Những người có công lao lớn thì được phong giáo sư danh dự suốt đời, nhưng số này ít lắm. (buianbinh41@...)

* Tốt nhất để các trường tự tổ chức hội đồng đánh giá và phong giáo sư, phó giáo sư sẽ thực chất và đỡ phiền toái hơn! Nhiều nhà khoa học không muốn nộp hồ sơ để được xét vì họ cảm thấy cách triển khai có nhiều điểm mờ! Có người được phong nhưng chưa hẳn năng lực khoa học lại hơn nhiều người khác không có danh hiệu đó. (lubavanqtkd@...)

* Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên theo cách làm của các nước tiên tiến mới có giá trị thực chất. (liem@gmail...)

Diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?": Cần cả ba "nhà" vào cuộcDiễn đàn 'Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?': Cần cả ba 'nhà' vào cuộc

Nhà nước, nhà trường và nhà khoa học đều cần phải thay đổi để góp phần chuẩn hóa, lành mạnh hóa quy trình phong học hàm giáo sư, phó giáo sư ở nước ta.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên