03/06/2022 09:24 GMT+7

Nhiều bài học quý từ Đại Nam thực lục

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Các nhà sử học cho rằng ngày nay có thể tìm thấy nhiều bài học quý về trọng dân, giữ dân, sử dụng người tài, bảo vệ chủ quyền biển đảo… và tìm hiểu về đất nước trong thế kỷ 19 từ bộ chính sử đồ sộ Đại Nam thực lục.

Nhiều bài học quý từ Đại Nam thực lục - Ảnh 1.

Trưng bày bộ Đại Nam thực lục mới và bộ Đại Nam thực lục tiếng Việt đầu tiên xuất bản 60 năm trước tại lễ ra mắt sách - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhân kỷ niệm 60 năm (1962 - 2022) bộ Đại Nam thực lục xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt, Viện Sử học phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty CP Tri thức văn hóa sách Việt Nam (Vinabooks) tổ chức tái bản bộ sách lần thứ 2 gồm 10 tập và dày gần 10.000 trang.

Lễ ra mắt bộ sách diễn ra trọng thể tại Hà Nội vào ngày 2-6, với nhiều ý kiến của các nhà sử học đánh giá rất cao bộ chính sử được biên soạn công phu trong 88 năm của triều Nguyễn. Lần này, Nhà xuất bản Hà Nội cho rà soát và sửa lỗi kỹ thuật của các ấn bản công bố trước đây.

Xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa

Theo PGS.TS Đỗ Bang - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Đại Nam thực lục tiền biênchính biên, do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn gồm 560 quyển, là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. 

Đây là bộ sử được thực hiện trong 88 năm (1821 - 1909), từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế - một bộ sách đạt kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn.

Đại Nam thực lục chính biên biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tâu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình nên khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều và quan điểm của các vua Nguyễn.

Bộ sách cho biết đầy đủ nền kinh tế Việt Nam thế kỷ XIX, cho thấy triều Nguyễn thực hiện chính sách "trọng nông ức thương" nhưng không bế quan tỏa cảng vì vẫn mở cửa Đà Nẵng cho tàu phương Tây vào buôn bán và thuyền buôn của triều đình vẫn đến trao đổi hàng hóa ở các nước Đông Nam Á, cuối thời Minh Mạng tàu của triều đình Huế còn qua tận châu Âu để giao dịch với Pháp và Anh.

Bộ sách cũng giúp trả lời câu hỏi ai đã có công thống nhất đất nước như ngày nay. Nguyễn Huệ có công lớn bước đầu thống nhất đất nước sau khi xóa Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhưng đất nước bấy giờ còn tồn tại nhiều chính quyền khác nhau. Đến năm 1802, Gia Long lên ngôi thì Việt Nam mới thống nhất cả lãnh thổ và chính quyền.

Đặc biệt, qua Đại Nam thực lục cho biết vào năm 1803 vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa và năm 1816 đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, chính thức hóa chủ quyền với quần đảo này của nhà nước trung ương được thế giới lúc bấy giờ thừa nhận, là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua. Ông Bang đề xuất nên tổ chức hội thảo quốc gia để đánh giá toàn bộ Đại Nam thực lục.

Nhận thấy giá trị của bộ chính sử này, vào những năm 1960, Viện Sử học đã tập hợp các nhà Hán học uyên bác để dịch và hiệu đính bộ sách như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương… Năm 1962, Viện Sử học xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt bộ Đại Nam thực lục, và phải mất 16 năm mới thực hiện xong 38 tập.

Không chỉ nhìn về quá khứ mà có thể học từ quá khứ

GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tuyên giáo trung ương - ấn tượng với bộ sử này ở chỗ có nhiều đoạn nói về vai trò của nhân dân trong lịch sử với sự tồn vong của các triều đại, về trọng trách nghĩ sâu lo xa của những người đứng đầu đất nước, về việc dùng người…

GS Dũng dẫn ví dụ trang 59 tập 6 ghi: "Đời nào giữ được dân thì thế nào cũng hưng thịnh, đời nào không giữ được dân thì thế nào cũng suy vong". 

Đặc biệt, trong tập 5 trang 683 ghi câu nói do nhà vua nói trong một mật dụ về chiến lược giữ nước rất sâu sắc, về vai trò của những người lãnh đạo đất nước phải nghĩ việc từ xa, nghĩ sâu: "Từ đời xưa, làm chính trị giữ nước, nghĩ đến xa về sau đều làm trước từ lúc thái bình vô sự. Cho nên lo việc khó từ lúc còn dễ, làm việc to từ lúc còn nhỏ. Cảnh giới vô sự như con chim sửa tổ từ lúc trời chưa mưa. Điều ấy là việc các vua hiền vẫn chú ý làm lắm".

Ông Dũng cho rằng những ý tưởng này thật sâu sắc. "Tôi nghĩ rằng ta không đánh giá nhà Nguyễn đã làm đến đâu những quan điểm đó, nhưng ta tìm thấy những bài học lịch sử cho chúng ta hôm nay. Không chỉ nghĩ về quá khứ mà từ bài học của quá khứ đó chúng ta tìm thấy bài học cho hiện tại và tương lai", ông Dũng nói.

Để bạn đọc đọc sử nhiều hơn

dai nam thuc luc 1(Read-Only)

Bộ Đại Nam thực lục mới - Ảnh: T.ĐIỂU

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, phó vụ trưởng Vụ Báo chí - xuất bản - (Ban Tuyên giáo trung ương), mong những bộ sử có giá trị này khi được phổ biến sẽ giúp bạn đọc cả nước yêu môn sử hơn, đọc sử nhiều hơn. Bà Linh cũng tán đồng với đề xuất nên có buổi tọa đàm khoa học để đánh giá kỹ về giá trị của bộ sách.

Trong khi đó, GS.TS Đỗ Quang Hưng - chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - góp ý bên cạnh bộ sử quý này nên chọn lọc thêm những cuốn sử khác thời Nguyễn để dịch và xuất bản bởi những bộ sử thời này đã được biên soạn theo phương pháp luận rất tiến bộ.

Lý Lan trở lại với Bửu Sơn Kỳ Hương: Vận nước, phận người trong thời loạn Lý Lan trở lại với Bửu Sơn Kỳ Hương: Vận nước, phận người trong thời loạn

TTO - Nhà văn Lý Lan xây dựng 'Bửu Sơn Kỳ Hương' trên nền của lịch sử vùng đất Nam Kỳ vắt từ thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, nhưng lịch sử trong từng trang viết chỉ còn là những cảm niệm, những sợi chỉ màu lấp lánh nối từ tác giả đến người đọc.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên