Ảnh minh họa. Nguồn: general.surgery.ucsf.edu
Nhiễm trùng đường mật hay nhiễm khuẩn đường mật là một biến chứng nguy hiểm của các bệnh lý về đường mật. Bệnh có thể gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, kèm theo các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Nhiễm trùng đường mật là bệnh gì?
Đường mật là một hệ thống ống được phân chia thành rất nhiều nhánh để dẫn mật được sản xuất từ trong gan xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn. Ngoài bữa ăn, khi không cần sử dụng đến, dịch mật có thể được dự trữ ở túi mật.
Nhiễm trùng đường mật là tình trạng viêm đường mật do vi khuẩn gây nên, thường xảy ra trên bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật (do sỏi, u, ký sinh trùng,...)
Nguyên nhân gây bệnh
Nhiễm trùng đường mật được gây ra bởi:
Vi khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn E.coli sống trong đường ruột của người, hay ký sinh trùng như giun, sán chui vào đường mật.
Đường mật bị hẹp, tắc do:
Sỏi mật.
Giun chui ống mật.
U đường mật.
U đầu tụy, u bóng Vater.
Chít hẹp cơ Oddi.
Túi thừa tá tràng.
Dị dạng đường mật.
Đối tượng nguy cơ
Ở những người có sức đề kháng kém, sức khỏe yếu và khả năng miễn dịch giảm có thể khiến vi khuẩn sống trong ruột phát triển mạnh mẽ gây viêm nhiễm đường mật.
Những người ở vùng nông thôn, hay có thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, không tẩy giun định kỳ, có thể bị nhiễm giun, sán gây nhiễm trùng đường mật.
Người bị tăng mỡ máu, có hàm lượng cholesteron trong cơ thể cao cũng có nhiều nguy cơ hình thành sỏi mật gây tắc mật khiến đường mật bị viêm nhiễm.
Những người bị ung thư di căn có thể phát triển các khối u ở đường mật, tụy gây hẹp tắc đường mật.
Triệu chứng của bệnh
Khi bị nhiễm trùng đường mật, triệu chứng điển hình nhất là tam chứng Charcot: Đau, sốt, vàng da.
Đau: Cơn đau ở vùng bụng trên bên phải xuất hiện đột ngột, kéo dài trong nhiều ngày, đau tăng nặng hơn khi người bệnh thở mạnh, do đó họ thường có xu hướng nín thở. Đau cũng có thể lan ra sau lưng hoặc lên vai phải.
Sốt: Thường sốt cao trên 39OC
Vàng da: Khi đường mật bị tắc nghẽn, bilirubin trong máu tăng cao khiến da, củng mạc mắt có màu vàng.
Ngoài ra còn có thể gặp các triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, sợ mỡ, ăn uống không tiêu, đầy trướng,…
Điều trị bệnh
Việc điều trị nhiễm trùng đường mật bao gồm:
- Chống nhiễm khuẩn: Sử dụng kháng sinh có chu trình mật-ruột, phổ kháng sinh hướng vào vi khuẩn Gram âm đường ruột hoặc kháng sinh phổ rộng khuếch tán tốt vào máu và thải trừ qua gan, mật.
- Dẫn lưu đường mật khi mật bị ứ đọng qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Cắt mở cơ Oddi lấy sỏi, giun chui đường mật, đặt stent đường mật.
- Phẫu thuật giải quyết nguyên nhân hẹp tắc đường mật, bao gồm:
+ Lấy sỏi qua mổ nội soi.
+ Phẫu thuật giải phóng đường mật khi có tắc nghẽn, viêm phúc mạc mật.
+ Phẫu thuật thắt động mạch gan hoặc cắt phân thùy gan trong chảy máu đường mật.
Cách phòng tránh bệnh
Để dự phòng nhiễm trùng đường mật không quá khó, chỉ cần giải quyết tốt nguyên nhân gây tắc mật và thay đổi thói quen ăn uống hợp vệ sinh, không ăn thức ăn bị nhiễm giun sán, ăn chín uống sôi, tẩy giun sán định kỳ, nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận