Phóng to |
Ảnh minh họa |
Tôi muốn thay đổi công việc đã gắn bó trong 6 năm. Tôi đang phân vân nên tìm việc cuối năm hay đợi đến thời điểm đầu năm thì dễ tìm việc và thuận tiện hơn? Xin cảm ơn.
(Nguyen Nguyen)
- Chào bạn. Sáu năm không phải là một quãng thời gian ngắn, không phải ai cũng có thể gắn bó lâu dài với công ty như bạn. Vậy những điều gì đã giữ chân bạn suốt thời gian qua? Liệu bạn còn có thể tiếp tục gắn bó và phát triển cùng công ty? Hãy xem xét lần nữa các yếu tố ấy trước khi đưa ra quyết định thay đổi công việc bạn nhé.
Những nguyên nhân khách quan (môi trường làm việc, chế độ chính sách, đãi ngộ cũng như phong cách làm việc của sếp…) khiến bạn không còn sự đam mê trong công việc. Tuy nhiên, nếu mọi thứ vẫn có thể thay đổi được và bạn vẫn đam mê tính chất công việc hiện tại, vẫn muốn tiếp tục phát triển với công việc yêu thích này và gắn bó với đồng nghiệp, các mối quan hệ khác ở công ty, chúng tôi khuyên bạn nên lấy lại tinh thần, nhìn nhận vấn đề lạc quan và tích cực hơn.
Mời tham gia cuộc thi “Hồ sơ ấn tượng cùng bạn tỏa sáng”Hướng dẫn tham gia cuộc thi Hồ sơ ấn tượng cùng bạn tỏa sáng |
Mặt khác, bạn có thể có một buổi chia sẻ nhẹ nhàng với sếp nhằm giải tỏa những khúc mắc giữa hai người và hiểu hơn về sếp (có thể sếp cũng có những góp ý hữu ích dành cho bạn).
Trong trường hợp bạn thực sự muốn thay đổi môi trường làm việc, muốn thử sức mình ở một công việc mới, muốn có nhiều cơ hội học hỏi và thăng tiến hơn; bạn có thể bắt tay ngay vào việc tìm kiếm công việc mới tiềm năng hơn.
Về thời điểm tìm việc, đầu năm hay cuối năm đều có những ưu và nhược điểm riêng. Ví dụ: cuối năm ít người rời bỏ công việc hiện tại (do nhiều nguyên nhân) nên các công ty có thể ít vị trí tuyển dụng hơn; dẫn đến cơ hội việc làm tiềm năng để bạn lựa chọn không cao, tuy nhiên bạn sẽ ít “đối thủ cạnh tranh” hơn nếu tìm việc trong thời điểm này. Còn ở thời điểm đầu năm, nhu cầu tìm việc dồi dào dẫn đến cơ hội việc làm nhiều song mức độ cạnh tranh cũng cao hơn.
Tùy vào mong muốn (yêu cầu) nghề nghiệp của bạn ở mức độ nào sẽ quyết định bạn có dễ tìm việc hay không (chẳng hạn bạn mong muốn mức lương bao nhiêu, bạn thích tính chất công việc/ môi trường làm việc như thế nào, yêu cầu địa điểm làm việc). Ngay bây giờ bạn có thể dần quan sát và tìm kiếm để xác định công việc yêu thích; sau đó xác định thời điểm phù hợp để chuyển việc.
Tinh thần làm việc rất quan trọng, nó sẽ là cầu nối giúp bạn trụ lâu dài với công việc và vượt qua những thời điểm khó khăn. Do vậy, hãy duy trì và không ngừng củng cố tinh thần làm việc bạn nhé!
* Tôi hiện là sinh viên một trường đại học kỹ thuật tại miền Trung, cuối năm nay tôi sẽ tốt nghiệp. Tôi học ngành điện tử tin học, theo tôi thấy thì các kiến thức mà tôi học được ở trường chỉ là kiến thức căn bản, gần như không có ý nghĩa gì đối với thực tế cả.
Thời gian gần đây tôi có tìm kiếm thông tin về việc làm trên các website tuyển dụng, nhưng các thông tin đăng trên các website đó gần như có rất ít công việc liên quan đến chuyên ngành tôi đang học. Do vậy tôi đang băn khoăn không biết ngành mình đang học khi ra trường có dễ xin được việc hay không? Và có một số trường hợp nhà tuyển dụng đăng thông báo tuyển dụng có các công việc mà tôi cảm thấy mình có thể làm được nhưng không đủ các điều kiện như nhà tuyển dụng yêu cầu, vậy tôi có nên tham gia dự tuyển hay không?
(Trần Văn Nam)
- Chào bạn. Đúng như bạn đã nhận định, kiến thức tiếp thu được ở giảng đường đại học là kiến thức căn bản. Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu nói kiến thức ấy hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với thực tế bởi chúng sẽ là nền tảng quan trọng hỗ trợ bạn trong hành trình tìm kiếm công việc mơ ước. Vì sao?
Trước tiên, là sinh viên mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn chỉ có một căn cứ duy nhất để chứng minh năng lực của bản thân với nhà tuyển dụng, đó là thành tích học tập, là kiến thức bạn tích lũy được khi ngồi ở giảng đường đại học. Ngoài ra, khi được tuyển vào làm việc, dựa trên kiến thức căn bản đó, cấp trên/ đồng nghiệp mới có thể thuận lợi để tiếp tục đào tạo và hướng dẫn bạn áp dụng lý thuyết vào thực tiễn công việc.
Với chuyên ngành điện tử - tin học, bạn được đào tạo các kiến thức liên quan vi xử lý, ngôn ngữ lập trình, thiết kế hướng đối tượng… và một số môn học chung của toàn khoa (điện tử viễn thông/ tin học); như vậy sau khi tốt nghiệp bạn có thể tìm việc theo hai hướng tin học và điện tử.
Cụ thể các chức danh công việc bạn có thể đảm trách là: kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ thuật viên, kỹ sư điện, kỹ sư tự động hóa… tại công ty điện lực, các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, các phòng thí nghiệm, cơ sở kinh doanh, nghiên cứu về quy hoạch mạng điện, thiết bị sử dụng điện - điện tử - viễn thông, các nhà máy sản xuất công nghiệp tự động hóa cao, khu công nghiệp, khu chế xuất... Ngoài ra, nếu yêu thích công việc kinh doanh, một lựa chọn khác dành cho bạn là kỹ sư bán hàng (lĩnh vực thiết bị điện tử - tin học).
Như vậy, bạn có thể yên tâm cơ hội việc làm không ít; tuy nhiên để hỗ trợ bạn tận dụng triệt để các cơ hội tiềm năng này, có ba điều chúng tôi xin được chia sẻ với bạn:
- Nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức cơ bản, bạn cần tập trung học tập thật tốt và cố gắng gặt hái nhiều thành tích để bước đầu thuyết phục nhà tuyển dụng tiềm năng. Mặt khác, hãy chủ động cập nhật thông tin mới bằng cách trò chuyện, trao đổi về công nghệ mới với các giảng viên trực tiếp đào tạo bạn hoặc giao lưu với bạn bè, anh chị khóa trước trên các diễn đàn (forum) của trường, những diễn đàn về điện tử - tin học…
- Quan sát và tìm hiểu các yêu cầu của nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực liên quan, sau đó lên ngay kế hoạch bổ sung và nâng cao những điểm còn thiếu. Ví dụ: khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh/ Nhật); các kỹ năng mềm quan trọng (giao tiếp, thuyết trình, tư duy, làm việc theo nhóm hoặc độc lập); rèn luyện thái độ làm việc nghiêm túc để xác định mục tiêu, hướng làm việc, cách nhìn nhận và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc phù hợp.
- Cuối cùng, bạn nên tìm việc ở các trung tâm phát triển kinh tế lớn của đất nước (Hà Nội, TP.HCM…) bởi cơ hội việc làm sẽ phong phú và tiềm năng hơn.
Với vấn đề có nên tham gia dự tuyển nếu bạn không đáp ứng đủ các điều kiện nhà tuyển dụng yêu cầu? Bạn cần xem xét mức độ quan trọng của những yêu cầu còn thiếu (có thể thay thế, có thể chấp nhận?). Trong trường hợp câu trả lời là “có thể” và bạn thật sự mong muốn (và tin rằng bản thân có thể hoàn thành tốt công việc được giao), bạn có thể tham gia ứng tuyển; và trong thư tìm việc, bạn nên nhấn mạnh lợi thế bản thân và trình bày hướng cải thiện các điều kiện còn thiếu để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Những tư vấn trên của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn trên bước đường chinh phục công việc mơ ước!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận