Tại sao Nhật muốn phòng vệ tập thể?Nhật thúc đẩy khả năng xuất quân bảo vệ đồng minh
Phóng to |
Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Tony Abbott nói chuyện với các thành viên nội các Úc về an ninh quốc gia ngày 8-7 tại Quốc hội Úc ở Canberra - Ảnh: Reuters |
Phát biểu bằng tiếng Anh trước Quốc hội Úc, Thủ tướng Abe thông báo hai nước bắt đầu “quan hệ đặc biệt” về hợp tác quốc phòng và khẳng định Nhật sẽ đóng vai trò tích cực hơn để thúc đẩy an ninh khu vực.
Giải thích chính sách
"Cách tốt nhất để đảm bảo sự duy trì lâu dài trật tự này là Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn tại khu vực" |
“Là đất nước luôn mong muốn hòa bình vĩnh viễn trên thế giới và có nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất, Nhật Bản giờ quyết tâm tham gia nhiều hơn để củng cố hòa bình khu vực và thế giới” - ông Abe tuyên bố. Ông khẳng định Nhật “thay đổi nền tảng pháp lý về an ninh” để có thể hợp tác với các nước khác và “xây dựng trật tự thế giới mới mà có thể duy trì luật pháp quốc tế”.
Bài phát biểu tại Quốc hội Úc của ông Abe diễn ra đúng một tuần sau khi nội các Tokyo phê chuẩn việc diễn giải lại bản hiến pháp hòa bình theo hướng cho phép quyền tự vệ tập thể, mở đường cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia chiến đấu ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh - một hạn chế áp đặt từ sau Chiến tranh thế giới II. Thủ tướng Tony Abbott ca ngợi quyết định sửa đổi của Nhật và coi điều này giúp Nhật thành “đối tác chiến lược hữu hiệu hơn ở khu vực”.
Trước đó, theo AFP, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Abbott đã cùng ký kết thỏa thuận cho phép việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng Nhật tới Úc cũng như hiệp định về thương mại tự do giữa hai bên. Thỏa thuận mới về quân sự sẽ tạo khung pháp lý cho hợp tác để Úc xây dựng hạm đội tàu ngầm mới, giúp Canberra mở rộng vùng theo dõi lên phía bắc - điều có thể giúp Nhật kiểm soát Trung Quốc khi Nhật - Úc hiện có thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo.
Hồi tháng 4, ông Abe đã gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với xuất khẩu quân sự, cho phép Nhật xuất khẩu các phần của tàu ngầm, thậm chí cả tàu nguyên chiếc, cho Úc. Mỹ - đồng minh thân cận của cả Nhật và Úc - đã ra tuyên bố hoan nghênh thay đổi của Nhật, coi điều này thúc đẩy liên minh Mỹ - Nhật thêm hiệu quả. Ông Abe đã gửi Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tới Washington để giải thích về những thay đổi mới.
Nhật cần, Úc cũng cần
Với Úc, quyết định của Nhật có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bản thân Úc vẫn muốn mở rộng ảnh hưởng cũng như mối liên kết sâu hơn nữa với châu Á và Nhật là đối tác chiến lược quan trọng bậc nhất trong chính sách đối ngoại của Canberra. Tuyên bố chung về an ninh Úc - Nhật đã có từ năm 2007 để mở đường cho hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo. Chính quyền trước dưới thời thủ tướng Kevin Rudd cũng như bà Julia Gillard từng bị chỉ trích thiếu quan tâm tới mối quan hệ này nhưng với chính quyền Tony Abbott từ năm 2013, Nhật là “người bạn thân nhất” của Úc tại châu Á.
Trong khi đó, Nhật cũng rất cần sự ủng hộ của Úc trong việc tham gia tích cực hơn vào an ninh và quốc phòng khu vực - điều khiến Trung Quốc, bạn hàng lớn của Úc, không hề hài lòng. Ngoài lợi ích ngắn hạn về việc tiếp cận công nghệ tàu ngầm và thúc đẩy thương mại, Úc còn có những lợi ích dài hạn khác để đẩy quan hệ với Nhật.
Trước hết, Úc muốn trật tự thế giới như 40 năm qua tiếp tục được duy trì, với Mỹ tiếp tục là lực lượng quân sự chi phối ở châu Á và duy trì luật lệ quốc tế. “Sự trỗi dậy của Trung Quốc có nguy cơ làm bất ổn trật tự này” - ông Nick Bisley, giáo sư tại ĐH La Trobe, viết trên The Conversation. “Cách tốt nhất để đảm bảo sự duy trì lâu dài trật tự này là Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn tại khu vực”. Thứ đến, Úc hiểu Nhật cũng gặp không ít chống đối khi muốn tham gia nhiều hơn về mặt quân sự, nên sự ủng hộ của Canberra là quan trọng vào lúc này.
Liên quan tới căng thẳng với Trung Quốc, ông Abe tuyên bố phía Nhật luôn muốn đối thoại. “Cánh cửa đối thoại luôn mở ở phía Nhật Bản nên tôi hi vọng phía Trung Quốc cũng làm tương tự” - ông Abe nói với báo giới sau khi ký thỏa thuận đối tác kinh tế Nhật - Úc. “Trung Quốc cùng với Nhật Bản, Úc cần đóng vai trò lớn hơn cho hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương” - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận