Phóng to |
Tàu của Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) giám sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters |
Theo báo Japan Times, đây là lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe chính thức lên nắm quyền.
Thứ trưởng ngoại giao Nhật Akitaka Saiki yêu cầu phía Trung Quốc lập tức ngừng đưa tàu tuần tra đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật đã gọi điện đến Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối. Lần gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Nhật triệu đại sứ Trung Quốc là vào ngày 13-12-2012 sau khi một máy bay tuần tra Trung Quốc xâm nhập bầu trời Senkaku/Điếu Ngư.
Tăng ngân sách quốc phòng
Phòng vệ - đối thoại: hai nửa vòng tròn “Việc tăng ngân sách quốc phòng là hậu quả trực tiếp từ thái độ gây hấn của Trung Quốc” - AFP dẫn lời chuyên gia Kazuhiko Togo, giám đốc Viện Ngoại giao thuộc Đại học Kyoto Sangyo, khẳng định. Theo ông Togo, Bắc Kinh từng công khai tuyên bố sẽ chiếm quần đảo Senkaku bằng vũ lực nếu cần thiết và đang hành động theo hướng đó. “Để tránh nguy cơ đụng độ vũ trang, Nhật không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường phòng vệ bằng cách tăng ngân sách quốc phòng. Nhưng cùng lúc, Tokyo cần đối thoại để đạt được mục tiêu ngoại giao. Phòng vệ và đối thoại là hai nửa vòng tròn” - chuyên gia Togo nhấn mạnh. |
Báo Asahi đưa tin các quan chức đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) tiết lộ chính phủ sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 120 tỉ yen (1,4 tỉ USD) trong năm tài khóa 2013, bắt đầu từ tháng 4 tới. Hơn 10 năm qua, do nợ công gia tăng, Tokyo liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng. Số liệu của năm 2012 là 4.650 tỉ yen (53,3 tỉ USD), lớn thứ sáu trên thế giới nhưng thấp hơn nhiều so với mức 4.950 tỉ yen năm 2002.
“Chúng tôi quyết định tăng ngân sách quốc phòng để nghiên cứu phát triển một hệ thống rađa mới cũng như các chi phí cho đội ngũ máy bay cảnh báo sớm” - một quan chức LDP tiết lộ. Đây là mức tăng nhỏ, chỉ bằng 2% tổng ngân sách quốc phòng, nhưng giới quan sát nhận định diễn biến này thể hiện sự lo ngại của Nhật trước việc Trung Quốc tăng cường đưa tàu và máy bay ra đòi chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nguồn tin Đài truyền hình NHK khẳng định một phần tăng ngân sách sẽ được sử dụng để tăng nhân lực quốc phòng, siết chặt hàng rào phòng vệ trên biển và trên không quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo cũng sẽ phát triển hệ thống giám sát quần đảo này và mua các thiết bị quân sự mới. Trong đó có loại máy bay cảnh báo sớm có chức năng phát hiện các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc.
Báo Asahi cho biết mới đây Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng tuyên bố chính quyền Thủ tướng Abe sẽ “xếp xó” bản “Chỉ đạo chương trình quốc phòng” do Đảng Dân chủ Nhật (DPJ) thông qua năm 2010 để đề ra chính sách quốc phòng trong 10 năm tới và danh sách mua sắm thiết bị quốc phòng trong năm năm tới cũng như soạn thảo những nguyên tắc mới. Chính sách của DPJ là cắt giảm số lượng binh sĩ Nhật và giảm dần ngân sách quốc phòng. Ngược lại, LDP cam kết sẽ tăng số lượng nhân sự trong Lực lượng phòng vệ (SDF), tăng cường khí tài.
Thay đổi quan điểm về Thế chiến II
Theo báo Sankei, Thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét việc thay thế lời xin lỗi của Chính phủ Nhật về những tội ác mà đế quốc Nhật gây ra với châu Á trong Thế chiến II bằng một “tuyên bố hướng về phía trước” để phù hợp với tình hình thế kỷ 21. Cựu thủ tướng Nhật Tomic Murayama đã đưa ra lời xin lỗi này năm 1995. Ông Abe khẳng định ông muốn cởi bỏ những trói buộc của hiến pháp hòa bình Nhật.
Báo Le Monde của Pháp cho rằng quyết định của Thủ tướng Abe về việc xem xét lại quan điểm của Nhật trong Thế chiến II đang gây lo ngại sẽ dẫn đến những căng thẳng mới với Trung Quốc và Hàn Quốc. Những nước láng giềng này đang kêu gọi Tokyo cần nhìn nhận trách nhiệm lịch sử của mình đối với những tội ác đã gây nên trong chiến tranh.
Đề cập những động thái “cứng rắn” của chính phủ Abe, xã luận báo Yomiuri cho rằng chính phủ cần có cách tiếp cận thực dụng để đối phó với Trung Quốc. Đó là gây sức ép để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh nhưng đồng thời phải thuyết phục người láng giềng khổng lồ tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế. Dù vậy, Yomiuri xác nhận đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi chính quyền Trung Quốc đang áp dụng chính sách đối ngoại cứng rắn để lái sự chú ý của dư luận ra khỏi những vấn đề nóng bỏng trong nước như kinh tế tăng trưởng chậm lại, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, nạn tham nhũng tràn lan, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Do đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường đòi chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Vẫn theo báo này, ngoài việc tăng ngân sách quốc phòng, Chính phủ Nhật còn cần tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc..., đặc biệt là thắt chặt quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Và Chính phủ Nhật đang đi theo hướng này. Các nguồn tin từ Tokyo cho biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là đến Đông Nam Á trong tháng này thay vì Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận