Phóng to |
Theo Kyodo, ngày 10-1 tại Manila, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã gặp gỡ Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Tổng thống Benigno Aquino. Ông Kishida kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác chiến lược bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác hàng hải với Philippines trong bối cảnh có nhiều diễn biến nóng về tranh chấp chủ quyền biển đảo và sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Hợp tác hàng hải với Philippines
Ngoại trưởng Kishida khẳng định sự hợp tác song phương này được thiết lập do những thay đổi lớn về cân bằng an ninh trong khu vực. Ông Kishida cho biết Nhật và Philippines sẽ tăng cường chính sách đối thoại và hợp tác về hàng hải cũng như các biện pháp khác trong bối cảnh hai nước đều có tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
“Do môi trường chiến lược trong khu vực đang thay đổi lớn, ngoại trưởng hai nước chia sẻ nhận thức về tình hình là rất cần thiết. Nhật và Philippines đã nhất trí tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và hợp tác trong việc định hình một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng” - báo The Sun Stars dẫn lời ông Kishida nêu rõ.
Dù không đề cập trực tiếp những căng thẳng trên biển, song Ngoại trưởng Philippines Del Rosario khẳng định ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Kishida về việc Nhật giúp Philippines cải thiện khả năng bảo vệ bờ biển trước “mối đe dọa Trung Quốc” từ trên biển như Manila mô tả.
Manila đang muốn Nhật hỗ trợ mười tàu tuần tra mới và các thiết bị thông tin liên lạc để bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines sau khi đã có hai tàu chiến do Mỹ nhượng lại trong năm 2012. “Chúng tôi đang đứng trước mối đe dọa này và nhiều nước cũng đang cùng quan tâm đến mối đe dọa này, không chỉ có Nhật. Chúng tôi đã thảo luận việc Nhật sẽ giúp Philippines đội tàu phản ứng đa chức năng” - báo Daily Inquire dẫn lời Ngoại trưởng Del Rosario tuyên bố.
Bên cạnh đó, hai ngoại trưởng cũng trao đổi về một loạt vấn đề liên quan đến hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và tăng cường giao lưu giữa người dân hai nước. Nhật quyết định tăng vốn vay cho hai dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Philippines, gồm một dự án đường sắt và xây dựng sân bay mới trên tỉnh đảo Bohol. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, thương mại song phương giữa Philippines và Nhật đang giảm dần. Năm 2012 con số này vào khoảng 12,68 tỉ USD so với 15,4 tỉ USD năm 2011.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida sẽ đến Singapore, chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du bốn nước khu vực gồm cả Brunei và Úc.
Hợp tác chính trị - kinh tế với Đông Nam Á
Cùng ngày, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia từ ngày 16 đến 19-1, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe kể từ khi lên nhậm chức tháng trước dù trong chiến dịch tranh cử ông Abe có nói rằng sẽ thăm Mỹ trước bất cứ quốc gia nào khác.
“Điều quan trọng là tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước ASEAN để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho khu vực này, vì những thay đổi trong môi trường chiến lược ở đây” - Kyodo dẫn lời ông Suga nêu rõ.
Ông Suga cho biết những quốc gia mà Thủ tướng Abe đến thăm là tiền tuyến tăng trưởng kinh tế của châu Á và Nhật sẽ mở rộng quan hệ với khu vực này. Ông cũng cho biết Nhật sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để sớm sắp xếp lại lịch cho chuyến thăm của ông Abe nhằm thắt chặt mối quan hệ đồng minh giữa Tokyo và Washington.
Theo AFP, Nhật Bản muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với mười nước ASEAN nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc sa sút trầm trọng do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thời gian qua, kéo theo thương mại song phương sụt giảm.
Thách thức an ninh 2013 cho Trung Quốc Chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ, tranh chấp biển đảo với Nhật và các nước xung quanh đang được xác định là những thách thức an ninh lớn nhất của Bắc Kinh trong năm 2013. Nhật Báo Trung Quốc dẫn phân tích của hai tác giả Trương Kiệt và Lý Chí Phi, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, trong bài “Những thách thức an ninh 2013”, nêu rõ những lo ngại đang nổi lên ở Bắc Kinh. Học giả Trương Kiệt cho rằng Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh hơn để bảo vệ chủ quyền của mình trên biển. Bắc Kinh sẽ “kiên quyết” hơn đối với những tranh chấp trên biển Hoa Đông và biển Đông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận