02/07/2017 13:22 GMT+7

Nhật ký phóng viên: Học hóa qua sợi vải, nước muối, khẩu trang

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Chương trình do TS Nguyễn Ánh Mai soạn và đứng lớp cùng các cộng tác viên là học sinh, sinh viên, cán bộ khoa hỗ trợ quá trình thí nghiệm tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM trong hè này

Thí nghiệm kiểm tra và giải thích khả năng dẫn điện của nước muối, nước máy sinh hoạt - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Thí nghiệm kiểm tra và giải thích khả năng dẫn điện của nước muối, nước máy sinh hoạt - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Phân biệt vải cotton và vải polyester bằng kính hiển vi và đốt cháy, tách bột sắt khỏi cát mịn bằng nam châm hay tìm hiểu về khẩu trang y tế thành phần than hoạt tính... là những nội dung được thiết kế cho 12 học viên nhí trong chương trình Nhập môn hóa học của khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM.

“Không ngửi, không nếm, không chạm” là nguyên tắc an toàn trên hết được các em thuộc nằm lòng khi tiếp xúc hóa chất. Các thí nghiệm liên quan lửa và hóa chất do thầy cô thực hiện, các em quan sát và tiếp cận khi được cho phép.

Nhoài người về phía ngọn lửa xanh lè, các học sinh lớp 4, lớp 5 thích thú nhận ra khả năng kỳ lạ khi muối natri, bari, kali phát ra sắc vàng, xanh, tím... Chưa hiểu gì về tên gọi hóa học, nhưng các em bắt đầu hứng thú về hóa chất. Nhen nhóm tình yêu hóa học đầu đời là mục tiêu của nhóm sinh viên, giảng viên muốn đạt được qua lớp học.

Học hóa để ứng dụng là phương châm qua mỗi nội dung kiến thức. Không đòi hỏi ghi nhớ định nghĩa, khóa học cần học sinh hình dung tính chất, lý giải tổng quát về hiện tượng hóa học thông qua tình huống đời thường như tách trấu khỏi thóc, lọc dầu mỡ khỏi nước dùng.

Học sinh tìm hiểu kích thước các hạt phân bố trong không khí như khói thuốc, bụi xe, phấn hoa để có ý thức quan sát, theo dõi tình trạng không khí bằng mắt thường, từ đó hành động vì môi trường như chọn xe đạp, xe buýt.

Nhìn thấy hóa học trong đời sống, học sinh được lý giải về chức năng của khẩu trang y tế có thành phần than hoạt tính đối với sức khỏe con người. Để nói về các ion, electron nguyên tử, học sinh thực hành thí nghiệm về tính dẫn điện của 5 dung dịch quen thuộc (nước cất, nước máy, nước đường, nước muối, nước khoáng đóng chai).

Hễ bóng đèn sáng, các em hiểu rằng mạch điện kín và dòng điện chạy qua dung dịch. Với bóng đèn mờ, các em tin rằng nước đường dẫn điện kém hơn nước muối. Với các em lớn hơn, nhóm trợ giảng sẽ giải thích về sự hình thành và dẫn điện của các ion.

Học sinh Từ Chí Giang, lớp 12 Trường Bùi Thị Xuân, chia sẻ về cơ hội “trợ giảng” này: “Mùa hè rảnh rỗi nên em qua giúp các anh chị trong khoa hóa hỗ trợ các em nhỏ làm thí nghiệm. Em yêu thích môn hóa và có dự định thi ĐH vào ngành hóa. Ngoài ra, học hóa ở trường chủ yếu làm bài tập, ít có dịp tiếp xúc phòng thí nghiệm nên đây là cơ hội để em có nhiều trải nghiệm thực tế hơn”.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên