Một con chim toki kiếm thức ăn trên đồng lúa ở đảo Sado, tỉnh Niigata, Nhật Bản ngày 8-5 - Ảnh: AFP
Sự sinh sôi trở lại của chim toki trên đảo Sado, tỉnh Niigata là minh chứng cho chương trình bảo tồn thành công hiếm có với một trong tám loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Thành tựu này có được nhờ vào nỗ lực ngoại giao quốc tế và cuộc cách mạng nông nghiệp trên hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía tây Nhật Bản.
"Phượng hoàng thời nay"
Chim toki được ví như "phượng hoàng thời nay" vì phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn, theo Hãng tin AFP. Chỉ trong chưa đầy hai thập niên, số lượng chim toki hoang dã ở Nhật đã tăng từ zero lên gần 500 con. Tất cả đều ở đảo Sado - nơi mà theo thời gian, bộ lông hồng nhạt và cái mỏ cong của những con toki đang ngày càng thu hút khách du lịch.
Năm 2003, con chim toki hoang dã cuối cùng tên là Kin trên đảo Sado đã chết ở tuổi 36. Cái chết của Kin đồng nghĩa với việc không còn một con toki hoang dã nào ở Nhật nữa. Những nỗ lực để Kin giao phối với Midori, con toki đực hoang dã cuối cùng trên đảo Sado, đã thất bại từ lâu. Cái chết của Kin xuất hiện trên tiêu đề nhiều tờ báo lớn của Nhật khi ấy.
Loài toki hoang dã từng sống ở khắp nơi trên nước Nhật. Loài này cũng có ở Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đầu những năm 1930 chỉ còn vài chục con toki ở Nhật, phần lớn trên đảo Sado và bán đảo Noto gần đó.
Chim toki trở thành loài có nguy cơ bị tuyệt chủng trước nạn săn bắn quá mức. Thịt toki được cho là tốt cho sức khỏe và lông của chúng được ưa chuộng, dùng làm đồ lau bụi hay trang trí trên nón (mũ).
Sau đó, một mối đe dọa mới xuất hiện khi nông dân gia tăng dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Toki chủ yếu kiếm ăn trên các cánh đồng lúa và ăn mọi thứ từ côn trùng cho đến cua nhỏ, ếch nhái. Các hóa chất đã tác động xấu đến toki và nguồn thức ăn của chúng.
Đến năm 1981 chỉ còn năm con toki hoang dã tại Nhật và đều ở Sado. Chính quyền hòn đảo đã đưa chúng vào môi trường nuôi nhốt để bảo vệ. Cùng năm, một quần thể bảy con chim toki hoang dã được phát hiện ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, làm dấy lên hy vọng có thể hồi sinh loài chim này.
Những con chim sống trong môi trường nuôi nhốt tại Sado không giao phối được, nhưng chương trình của Trung Quốc thành công hơn. Năm 1999, Chính phủ Trung Quốc đã tặng một cặp toki cho Nhật Bản. Vài tháng sau, cặp này sinh con đầu tiên và sự kiện đã được phát sóng trên nhiều chương trình truyền hình ở Nhật.
Thay đổi cách làm nông vì toki
Thêm nhiều con toki khác đã đến Nhật từ Trung Quốc. Theo thời gian, quần thể toki tại Sado đã đủ lớn để người ta tính tới chuyện thả chúng về lại tự nhiên. Tuy nhiên, trước hết cần giải quyết vấn đề hóa chất trên đảo Sado.
Nông dân được yêu cầu giảm một nửa lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu so với mức được phép ở địa phương. Yêu cầu này gặp trở ngại khi nông dân thu hoạch ít hơn, giảm thu nhập và cánh đồng mọc nhiều cỏ dại hơn.
Chính quyền địa phương đã sử dụng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt", từ chối mua gạo của những nông dân không hạn chế hóa chất, đồng thời tạo thương hiệu gạo "thân thiện với toki" cho những người tuân thủ quy định.
Theo ông Shinichiro Saito - một nông dân 60 tuổi, sự khác biệt thật sự xuất hiện khi những con chim đầu tiên được thả lại tự nhiên năm 2008. "Những con chim toki đã thay đổi suy nghĩ của họ", ông Saito nói. Ngay những người miễn cưỡng tuân thủ quy định cũng vui vẻ khi thấy một con chim toki lang thang trên cánh đồng của họ.
Ông Masaoki Tsuchiya - 72 tuổi, một người rất yêu chim toki - đã quan sát và theo dõi sự phát triển của loài này tại Sado suốt 14 năm qua. Ông đã quan sát những con toki con sinh ra trong tự nhiên lần lượt nối tiếp nhau từ những lứa đầu tiên.
Chương trình nhân giống toki tại Sado được tiếp tục, bổ sung thêm những con chim từ Trung Quốc để mở rộng nguồn gene. Khoảng 20 con toki được thả ra tự nhiên hai lần một năm sau khi qua huấn luyện để làm quen với cuộc sống tự do.
Toki trở thành biểu tượng tại Sado, chúng xuất hiện trên mọi thứ, từ áo thun đến hộp sữa. Đối với ông Saito, sự hồi sinh của chim toki chỉ là một phần trong thành tựu lớn hơn của đảo Sado. Đó chính là cách tiếp cận mới với nông nghiệp và môi trường.
"Một môi trường tốt cho toki cũng là một môi trường an toàn cho con người, và đó là điều người dân Sado có thể tự hào", ông Saito chia sẻ.
Số lượng ngày càng nhiều
Số lượng ngày càng tăng của chim toki đủ để Nhật Bản mở rộng chương trình ra bên ngoài Sado. Sự thành công của chương trình nhân giống toki cũng được ghi nhận ở các quốc gia khác. Quần thể chim toki hoang dã tại Trung Quốc hiện nay đã trên 4.450 con, và dự án của Hàn Quốc đã thả những con toki ra tự nhiên lần đầu năm 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận