Bị cáo Phạm Văn Thông - Ảnh: HỮU KHOA |
Sáng nay 22-8, ngày thứ hai phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu thuốc ung thư giả xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma, hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
Bộ Y tế chỉ nghi ngờ sau khi cho nhập thuốc
Cáo trạng thể hiện mặc dù hồ sơ xin nhập khẩu thuốc có thiếu sót, mâu thuẫn nhưng Cục quản lý dược, Bộ Y tế không phát hiện ra.
Khi VN Pharma trình hồ sơ thuốc H-Capita, Cục quản lý dược đã thành lập tổ thẩm định gồm các chuyên gia ở Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương để thẩm định hồ sơ. Mặc dù hồ sơ có một số nội dung không thống nhất nhưng Tổ thẩm định không phát hiện được và đề nghị duyệt nhập đơn hàng.
Sau khi cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu thuốc, Cục quản lý dược mới nghi ngờ, tiến hành thanh kiểm tra và phát hiện ra hàng loạt sai phạm tại VN Pharma.
Cơ quan điều tra nhận định mặc dù có một số sai sót nhưng Cục quản lý dược Bộ Y tế đã phát hiện kịp thời, niêm phong lô thuốc H-Capita 500 mg không cho bán ra thị trường, đề nghị Bộ Công an vào cuộc.
Trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án, Cục quản lý dược đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ quá trình điều tra.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự mà có văn bản kiến nghị Bộ Y tế xử lý, khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, kinh doanh dược phẩm.
Không biết hồ sơ giả, có phải chịu trách nhiệm?
Hồ sơ thể hiện Bùi Ngọc Duy - nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma - dùng các con giấu giả của công ty Helix Cannada để đóng lên các hồ sơ giả, trình cho Cục quản lý dược, Bộ Y tế. Khi vụ việc bị phát hiện, Duy lấy con dấu công ty này mang vứt bỏ.
Tại tòa, bị cáo Duy lý giải việc vứt con dấu là do “dọn dẹp phòng cho sạch sẽ”. Không chấp nhận lời khai này, đại diện viện kiểm sát nói: “Bị cáo khai như vậy trẻ lên 3 nghe cũng không được. Đây là tài sản công ty, không phải muốn vứt bỏ là vứt”.
Theo bị cáo Phạm Văn Thông, dược sĩ, trong tháng 5- 2013, Công ty VN Pharma có nhờ bị cáo soạn tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm cho thuốc trị ung thư H-Capita. Khi bị cáo nhận lời, VN Pharma đã gửi cho bị cáo các tài liệu pháp lý.
Bị cáo Thông cho rằng lúc biên soạn hồ sơ, không biết tài liệu pháp lý của sản phẩm H- Capita là tài liệu giả. Sau này khi làm việc với cán bộ điều tra thì bị cáo mới biết.
Trên thực tế, quá trình soạn hồ sơ xin cấp phép nhậu khẩu thuốc, không chỉ có một mình bị cáo Thông mà còn có các dược sĩ khác tham gia viết hồ sơ.
Tổng cộng có 7 sản phẩm đã được bô y tế cấp phép, trong đó bị cáo Thông chỉ viết 1 sản phẩm, còn 6 sản phẩm kia là các dược sỹ khác viết. Bị cáo đặt vấn đề tại sao hai dược sĩ kia được miễn truy tố, còn bị cáo chỉ soạn 1 sản phẩm là - H-Capita trị ung thư thì lại bị truy tố?
Trên hồ sơ các bị cáo viết, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu đối với 7 loại thuốc. Tất cả các loại thuốc này đều ở dạng bào chế tiêm chuyền tĩnh mạch, đều do công ty Helix Canada sản xuất và công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu.
Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.
7 loại thuốc giả do VN Pharma nhập khẩu, gồm: - H2K Cirprofloxacin 200 mg (hoạt chất Cirprofloxacin 200 mg/100ml), - H2K Cirprofloxacin 400 mg (hoạt chất Cirprofloxacin 400 mg/200ml), - H2K Levofloxacin 250, 500 và 750 mg (hoạt chất Levofloxacin 250, 500 và 750 mg/100 ml), - H- Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200 mg/100 ml) và - H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500 mg/100 ml). Các thuốc này đã lọt qua nhiều vòng thẩm định hồ sơ, được cấp số đăng ký, đã trúng thầu cung cấp cho nhiều bệnh viện lớn trong toàn quốc. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Cục quản lý dược Bộ y tế đã cấm lưu hành đối với 7 loại thuốc nêu trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận