08/08/2011 06:27 GMT+7

Nhập nhằng bán vé tháng qua trạm thu phí

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Hai trạm thu phí cửa ngõ TP.HCM là trạm xa lộ Hà Nội và trạm đường Kinh Dương Vương điều chỉnh phương thức bán vé tháng không rõ ràng, khiến nhiều tài xế ôtô và doanh nghiệp vận tải phản ứng.

rvKnYpx8.jpgPhóng to
Mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội - Ảnh: BÁ SƠN

Mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã lên tiếng đề nghị điều chỉnh những bất hợp lý tại hai trạm thu phí này.

Hai lần đóng phí

Theo thông báo của Xí nghiệp Dịch vụ thu phí - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), từ 0g ngày 1-7 trạm thu phí xa lộ Hà Nội và trạm thu phí đường Kinh Dương Dương có hai điều chỉnh quan trọng: tăng phí đường bộ và điều chỉnh phương thức bán vé tháng. Việc tăng giá đã được HĐND TP.HCM thông qua và UBND TP ra quyết định từ giữa tháng 6-2011. Còn việc tự điều chỉnh phương thức bán vé tháng tại hai trạm thu phí của Xí nghiệp Dịch vụ thu phí đã dẫn tới sự phản đối của nhiều doanh nghiệp vận tải.

Theo phương thức bán vé cũ tại hai trạm thu phí xa lộ Hà Nội và đường Kinh Dương Vương, khách hàng có thể mua vé bất cứ ngày nào và có giá trị sử dụng trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua vé (vé tháng linh hoạt - gối đầu). Còn phương thức bán vé tháng mới quy định doanh nghiệp mua vé tháng trong tháng nào thì chỉ được sử dụng tới ngày cuối cùng của tháng đó (vé tháng cố định - trọn tháng).

Anh Võ Tấn Phong, một tài xế lái xe bốn chỗ, cho biết: “Tôi mua vé tháng từ ngày 13-6, theo phương thức cũ thì vé này có giá trị sử dụng trong một tháng, nghĩa là tới ngày 13-7. Nhưng ngày 13-7 khi tôi tới trạm thu phí xa lộ Hà Nội thì nhân viên ở đây buộc phải mua vé mới, thời gian tính từ ngày 1-7. Như vậy 13 ngày còn lại của vé cũ không còn giá trị?”.

Anh Phong cho rằng với mức phí vé tháng dành cho loại xe bốn chỗ là 300.000 đồng, bình quân mỗi ngày 10.000 đồng, vậy là anh đã phải bỏ 130.000 đồng tiền vé. Điều này là vô lý.

Về ý kiến của doanh nghiệp cho rằng không biết trước quyết định thay đổi phương thức bán vé tháng của trạm thu phí để sắp xếp kế hoạch cho phù hợp, ông Phạm Ngọc Văn cho biết ngay sau khi có quyết định của UBND TP, trạm thu phí đã có thông báo tại trạm, trên bảng điện tử và phát 5.000-6.000 tờ rơi cho tài xế qua trạm. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết không nhận được tờ rơi này (?).

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải sở hữu các xe có mức phí phải nộp cao và lượng xe qua lại trạm thu phí nhiều thì sự thay đổi đột ngột phương thức bán vé tháng tại các trạm thu phí gây thiệt hại rất lớn cho họ.

Anh P. - giám đốc Công ty dịch vụ vận tải thương mại ML (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - cho biết hiện nay doanh nghiệp của anh có khoảng 50 xe container, trong đó khoảng 10 xe thường xuyên qua lại trạm thu phí xa lộ Hà Nội. “Mức phí cũ cho xe container là 900.000 đồng, nay tăng lên 2,4 triệu đồng.

Trung bình mỗi xe qua trạm thu phí phải nộp 80.000 đồng/ngày. Với mười xe và mười ngày phải mua phí hai lần, doanh nghiệp của tôi đã bị thiệt hại tới 8 triệu đồng trong tháng vừa rồi.

Bất thường hay bình thường?

Theo ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, việc các trạm thu phí thay đổi phương thức bán vé tháng có nhiều điều bất thường. Dù vé tháng trước còn giá trị sử dụng thì các trạm thu phí vẫn buộc khách hàng phải mua vé bắt đầu từ ngày 1-7. “Quy định này chẳng khác nào buộc các doanh nghiệp phải trả phí hai lần, một lần từ vé tháng trước và một lần trong vé tháng sau” - ông Thái Văn Chung nói.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, việc các trạm thu phí thay đổi phương thức bán vé tháng như vậy là “o ép khách hàng”. Ông Chung đặt vấn đề: “Với hàng trăm doanh nghiệp và hàng ngàn phương tiện qua hai trạm thu phí mỗi ngày thì số tiền các doanh nghiệp mất không phải là nhỏ. Chưa kể với phương thức bán vé mới, doanh nghiệp mua vé tháng mà chưa sử dụng ngay có phải CII chiếm dụng vốn của khách hàng tại các trạm thu phí của mình?”.

Trước phản ứng khá gay gắt của nhiều tài xế và doanh nghiệp, đại diện các trạm thu phí cho rằng trên thực tế phương thức bán vé tháng mới không làm khách hàng chịu thiệt. Ông Phạm Ngọc Văn - trưởng trạm thu phí xa lộ Hà Nội - nói: “Với những hành khách mà vé tháng trước đó có giá trị sử dụng tới giữa tháng sau, khi khách hàng tới mua vé chúng tôi có hướng dẫn khách hàng xem xét số lần xe qua trạm để quyết định mua vé tháng hay vé lượt. Nếu từ thời điểm mua vé tới cuối tháng xe của doanh nghiệp có nhu cầu qua trạm lớn hơn 30 lần thì nên mua vé tháng, còn dưới 30 lần nên mua vé lượt”.

Theo ông Văn, giá trị của vé tháng chỉ tính bằng 30 lần vé lượt, nên dù bị trùng ngày nhưng từ thời điểm mua vé tới cuối tháng xe của doanh nghiệp qua trạm nhiều hơn 30 lần vẫn được hưởng lợi?!

Lý giải nguyên nhân thay đổi phương thức bán vé tháng, trưởng trạm xa lộ Hà Nội cho biết thay đổi để phù hợp với thông tư 90/2004 của Bộ Tài chính “hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ”.

Trong đó, thông tư 90 quy định vé tháng “dùng để thu phí... trong vòng một tháng, kể từ ngày 1 đến ngày kết thúc tháng theo thời hạn ghi trên vé”.

Tuy nhiên theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, CII nên trở lại phương thức thu phí cũ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải. “Thực hiện phương thức thu phí cũ về phía trạm thu phí không bị thiệt hại gì mà còn giúp các doanh nghiệp chủ động về thời gian và vốn. Một việc tốt cho khách hàng như vậy tại sao trạm thu phí không làm?” - ông Thái Văn Chung nói.

Được biết ngày 4-8, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã gửi văn bản tới Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính TP và Công ty CII đề nghị thay đổi những bất hợp lý trong cách bán vé tháng tại các trạm thu phí trên.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên