Toàn cảnh buổi hội thảo khoa học với chủ đề "Nhân vật lịch sử Châu Thị Tế" tại TP Châu Đốc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bà Châu Thị Tế, sinh tháng 4 năm Bính Tuất (1766) và mất ngày rằm tháng 10 năm Bính Tuất (1826), hưởng thọ 60 tuổi. Bà là vợ của danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Bà là một phụ nữ đức hạnh, đảm đang, thương người, có công giúp chồng là Thoại Ngọc Hầu chăm lo hậu cần cho dân trong việc đào kinh Thoại Hà năm 1818 và kinh Vĩnh Tế từ năm 1819-1824.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam do vợ chồng bà là người xây dựng đầu tiên. Chính vì thế, kênh đào xong vua lấy tên bà đặt cho tên kênh mới đào là kênh Vĩnh Tế, núi Sam cho đổi thành Vĩnh Tế Sơn, làng mới lập gọi là thôn Vĩnh Tế… Từ đó, Thoại Ngọc Hầu đã dựng bia Vĩnh Tế Sơn nổi tiếng trong lịch sử.
Nhờ bà Châu Thị Tế mà vùng đất Châu Đốc Tân Cương nay là An Giang xuất hiện các cụm từ mới mà trên đất nước Việt Nam chưa hề có: sông chồng - sông vợ (Thoại Hà - Vĩnh Tế Hà), núi chồng - núi vợ (Thoại Sơn - Vĩnh Tế Sơn), làng chồng - làng vợ (Thoại Sơn thôn - Vĩnh Tế thôn)…
Chính quyền tỉnh An Giang đã lấy tên bà Châu Thị Tế đặt tên cho một ngôi trường cấp 3 tại TP Châu Đốc
Tên ông bà còn được đặt cho 3 trường lớn trong tỉnh: Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP Long Xuyên), Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (huyện Thoại Sơn) và Trường THPT Châu Thị Tế (TP Châu Đốc).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc - cho biết Châu Đốc có bề dày lịch sử văn hóa hơn 260 năm hình thành và phát triển. Châu Đốc luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đây là vùng đất "địa linh nhân kiệt", là quê hương của nhiều bậc danh nhân chiến sĩ yêu nước và nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Trong đó nổi bật có bà Châu Thị Tế, phu nhân của ông Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, người đã có công giúp phu quân mình đào kênh từ Châu Đốc đến Hà Tiên (1819-1824), được vua Minh Mạng đặt tên Vĩnh Tế Hà.
Kênh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu huy động hàng chục ngàn người đào để tháo chua rửa phèn cho vùng ĐBSCL
"Qua 5 lần đào kênh Vĩnh Tế, số lượng người tham gia là khoảng 80.200 người, gồm người Việt, người Khmer và một số ít người Hoa. Đây có thể là con số chưa đầy đủ, vì có không ít đàn bà, con gái, do bà vận động lo việc lấy củi, gánh nước, nấu cơm hoặc làm những việc nặng nhọc khác…
Kênh Vĩnh Tế thật sự là công trình thủ công vĩ đại, hiện thực lợi ích của con kênh là hết sức to lớn không những trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng được nối tiếp từ thế hệ này và mãi mãi về sau", ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận