15/07/2006 12:09 GMT+7

Nhân lực Việt cho doanh nghiệp vốn nước ngoài: cung không đủ cầu

Theo Người lao động
Theo Người lao động

Chi phí trả lương, thưởng, các chế độ phúc lợi thấp là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thay dần chuyên gia quản lý nước ngoài bằng người Việt.

iMwpg8A8.jpgPhóng to
Để thay thế dần các chuyên gia nước ngoài, Công ty Minh Trân (do Việt kiều Nhật đầu tư) tự đào tạo nguồn nhân lực trong nước
Chi phí trả lương, thưởng, các chế độ phúc lợi thấp là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thay dần chuyên gia quản lý nước ngoài bằng người Việt.

Công ty American Standard (Mỹ) chính thức hoạt động tại VN vào năm 1995. Trong những năm đầu, toàn bộ các chức danh quản lý cao cấp của công ty đều do người nước ngoài nắm giữ. Đến năm 1997, American Standard thực hiện chính sách nội địa hóa nguồn nhân lực và cho đến nay, hầu hết các vị trí chủ chốt ở công ty này đều được thay thế bằng người VN.

Chuyển giao quản lý: Xu hướng tất yếu

American Standard chỉ là một trong số ít các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN thực hiện chính sách nội địa hóa nguồn nhân lực cấp cao. Ngày càng có nhiều người Việt được săn lùng, bố trí các vị trí lãnh đạo ở các doanh nghiệp (DN) FDI. Tại Công ty Coca-Cola VN, trong những năm đầu thành lập, số lao động là chuyên gia quản lý người nước ngoài chiếm trên 10%, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1%.

Còn ở Công ty Liên doanh Holcim VN, nếu như năm 1999 có đến 24 chuyên gia nước ngoài làm công việc quản lý thì đến cuối năm 2005 chỉ còn lại vài người. Không những thế, từ năm 2002, Holcim VN đã xây dựng một chương trình “Phát triển lãnh đạo” nhằm đào tạo đội ngũ kế thừa. Chương trình này tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý và khả năng lãnh đạo cho nhân viên quản lý người Việt.

Ông Gary Schuts, Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Holcim Hòn Chông- Kiên Giang, cho biết trước đây nhà máy có 13 người nước ngoài thì nay chỉ có 2 người nắm giữ vị trí giám đốc sản xuất và chất lượng...

Lợi thế nhờ chi phí thấp

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhân sự Công ty Liên doanh Sơn ICI VN, cho biết việc thay thế, chuyển giao nguồn lực quản lý từ các chuyên gia nước ngoài cho người Việt đang được nhiều nơi áp dụng. Theo ông Phúc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thích sử dụng cán bộ quản lý người VN hơn, bởi chính họ hiểu biết rất rõ về đất nước, con người, văn hóa, xã hội, môi trường đầu tư tại VN, cũng như có mối quan hệ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tốt hơn người nước ngoài. Hơn nữa VN đang trong quá trình hoàn thiện các chính sách pháp luật, họ cũng sẽ dễ dàng nắm bắt hơn...

Bà Tiêu Yến Trinh, Trưởng Phòng Dịch vụ nhân sự Công ty PricewaterhouseCooper, cho biết nếu sử dụng người quản lý nước ngoài có quốc tịch châu Á thì mức lương cao hơn khoảng 10%-20% so với người Việt. Còn đối với người nước ngoài có quốc tịch từ châu Âu, mức lương cao hơn nhân lực trong nước từ 30% đến 50%. Ngoài chi phí tiền lương, nếu sử dụng người Việt, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tiết giảm đáng kể chi phí thưởng, các chế độ phúc lợi chi phí chi tiêu sinh hoạt, nhà ở, xe cộ...

Cung không đủ cầu

Điều 132-Bộ Luật Lao động quy định đối với công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc công việc quản lý thì DN phải có chương trình, kế hoạch đào tạo người lao động VN để sớm làm được công việc đó và thay thế lao động nước ngoài. Xu hướng chuyển giao nguồn lực quản lý vì thế sẽ là tất yếu ở các DN FDI.

Vấn đề đặt ra là trong quá trình chuyển giao quản lý ở khu vực DN này đang có sự mất cân đối giữa cung - cầu lao động cao cấp. Rất nhiều DN FDI đau đầu trong việc tìm kiếm, tuyển dụng các nhà quản lý, lãnh đạo người Việt. Bà Nguyễn Phương Mai, Trưởng VPĐD Hiệp hội Kế toán công chứng Anh tại VN cho biết trong số 130 hội viên của ACCA, nhiều người đang nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các DN FDI, như giám đốc tài chính (CFO), giám đốc điều hành (CEO)...

Nhưng nhìn chung, để tìm kiếm một nhà quản lý giỏi là người VN, không dễ. Bà Tam Thanh Thiên Trang, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn nguồn nhân lực NetViet, cho rằng kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược là những hạn chế của lao động quản lý người Việt. Do vậy, không ít DN FDI đang gặp trở ngại, dù tốn nhiều chi phí nhưng ở nhiều vị trí vẫn phải sử dụng chuyên gia người nước ngoài.

Ông Huỳnh Minh Quân, Giám đốc Công ty Nhân Việt, cho rằng khi nước ta gia nhập WTO, việc chuyển giao nguồn lực quản lý sẽ càng diễn ra mạnh và nếu không có sự chuẩn bị thì rất khó đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Trần Trọng Gia Vinh, Giám đốc Phát triển tổ chức Công ty Pepsi VN, đào tạo nguồn lực quản lý là rất quan trọng. Tại Pepsi, ngoài tìm kiếm các nhà quản lý giỏi cho các bộ phận, công ty còn luôn có chính sách tuyển dụng sinh viên giỏi mới ra trường để đào tạo phát triển họ thành những nhà quản lý trong tương lai.

Theo một khảo sát mới đây của Công ty Navigos Group, mức lương của chuyên viên cao cấp nước ngoài được trả khoảng 7.000 USD/tháng; cấp bậc quản lý 10.000 USD/tháng; quản lý cao cấp trên 18.000 USD/tháng, cao hơn mức trả lương ở các công ty trong nước 34%. Một số công ty tư vấn nguồn nhân lực khác tại TP.HCM cũng đưa ra sự chênh lệch tiền lương giữa người nước ngoài và người VN ở các cấp bậc quản lý từ 30%-40%, thậm chí cao hơn gấp đôi.

Theo Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên