06/08/2013 05:08 GMT+7

Nhận được thư mẹ sau 45 năm

TRƯỜNG ĐĂNG
TRƯỜNG ĐĂNG

TT - Đó là câu chuyện của bà Huỳnh Thị Sáu (64 tuổi) ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Năm 1968, người mẹ là Văn Thị Khả viết thư gửi cho con gái đang là y tá của đại đội vận tải Bình Định.

Những làn đạn chiến tranh đã cản bước chân người bưu tá. Lá thư thất lạc rồi theo chân người lính bên kia chiến tuyến để 45 năm sau lại tìm đến người nhận.

md5Et6ak.jpgPhóng to
Ông Đào Đắc Luyện nhận lại lá thư của chính mình sau 45 năm.

Theo bà Ngô Thị Thúy Hằng - đại diện Trung tâm Marin, trung tâm này nhận nhiều thông tin tìm thân nhân và nhiều kỷ vật chiến tranh chưa tìm được người trao trả mà hằng ngày vẫn được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có những tin nhắn tìm đồng đội rơi vào vô vọng nhưng cũng có những bất ngờ từ sự miệt mài tìm kiếm của cá nhân, các tổ chức. Những lá thư, kỷ vật cũ hoen ố theo thời gian ghi dấu sự cẩn trọng của người cất giữ.

Đó là một trong những câu chuyện cảm động trong buổi trao trả kỷ vật chiến tranh do dự án Những linh hồn phiêu bạt thuộc Trung tâm Nghiên cứu xung đột vũ trang và xã hội của Úc phối hợp với Trung tâm Marin Hà Nội thực hiện tại Bình Định chiều 5-8.

12 lá thư của cựu chiến binh, liệt sĩ có nguyên quán Bình Định được các cựu binh của úc, New Zealand nhặt, giữ được trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1966-1971 giờ mới tìm lại chủ nhân hoặc người nhận.

Ông Lê Sang (84 tuổi) ở Đà Nẵng, người được trao lại bức họa chân dung mẹ mình từ cựu binh G.W. Dennis (Úc), cảm kích: “Bức họa mẹ tôi do em trai tôi là họa sĩ Lê Đình Sung vẽ có thể trở thành tro bụi nếu Dennis không giữ lại. Tôi nghĩ người có lương tâm trong sáng mới cất giữ bức họa của một người không quen biết lâu như thế. Gặp lại bức chân dung như gặp lại mẹ tôi vậy”. Bức họa chân dung bà Phan Thị Diễn được Dennis nhặt trong một ngôi nhà đang bị cháy do bom. Đằng sau có ghi chép nhiều chữ (tên các con bà - PV), Dennis không đọc được nhưng nghĩ là có giá trị của một gia đình nên cất giữ. Và bức chân dung nằm yên trong balô theo cựu binh này về đến nước Úc cho đến khi gặp dự án Những linh hồn phiêu bạt.

ycKicUR1.jpgPhóng to
Ông Derrill de Hear (Úc) giới thiệu bức họa chân dung cụ bà Phan Thị Diễn - Ảnh: Trường Đăng

Cụ Đào Đắc Luyện, quê ở huyện Tây Sơn, Bình Định, đã 91 tuổi cũng lụm cụm chống gậy đến nhận lại lá thư viết cho vợ cách đây đã 45 năm. Khi nhận lại bức thư mới biết chính xác mình đã viết nó ngày 15-10-1968. “Đây là kỷ vật quý giá của cuộc đời tôi khi vợ tôi không còn nữa. Đó sẽ là nguồn động viên cho tôi những ngày còn lại của đời mình” - ông tâm sự.

Trong chuyến sang Việt Nam lần này, chương trình Những linh hồn phiêu bạt đã mang theo rất nhiều lá thư, bức họa bằng bút chì, tác phẩm nghệ thuật vẽ bằng mực và màu nước... ở chiến trường Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt trong đó có bức ảnh của chiến sĩ quân y Ngô Quý Toàn (sinh năm 1940, quê Hà Nội, hi sinh năm 1969). Bức ảnh được một cựu binh New Zealand rửa ra từ một phim âm bản mà cựu binh này tìm được trong túi áo người chiến sĩ lúc hi sinh và giữ đến bây giờ.

Những kỷ vật gợi lại một thời khói lửa sau hơn 40 năm làm xúc động tất cả nhân chứng. Ông Bob Hall - người thực hiện dự án - tâm sự: “Chúng tôi làm công việc này để tỏ lòng biết ơn và đáp lại những người Việt Nam giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm cựu binh Úc đã mất tích trước đây. Nỗi đau chiến tranh là điều mà những người lính ai cũng thấu hiểu. Chúng tôi muốn trao trả lại những kỷ vật mà chúng tôi tìm được mong xoa dịu một phần nỗi đau chiến tranh mà hai bên đã trải qua”.

TRƯỜNG ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên