Hàng ngàn người Việt cùng bạn bè quốc tế tuần hành ở thủ đô Berlin của Đức hôm 14-6 phản đối Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp đảo trái phép ở Biển Đông - Ảnh: Trương Anh Tú |
Bãi Xu Bi đã được mở rộng tới 74% chỉ trong vòng chưa tới hai tháng. Bãi Vành Khăn, vốn rộng gấp hai lần Xu Bi, cũng đã cải tạo được một nửa diện tích.
Các cụm đá san hô khác như Ga Ven, Tư Nghĩa, Châu Viên hay Gạc Ma đã gần như thành hình việc cải tạo.
Chính sách lấn chiếm không đổi
Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng bắt đầu dồn dập với sự xuất hiện của các tòa nhà mới, hệ thống kho bãi và cầu cảng.
Một số điểm trên các đảo được định dạng có hình thể của các công cụ phục vụ mục đích quân sự hay bán quân sự (như đường băng trên đảo Xu Bi hay các bệ đỡ vũ khí (!) trên một số đảo).
Những hình ảnh này đi ngược với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 16-6 về việc các dự án cải tạo của Trung Quốc sẽ hoàn tất sớm trong những ngày tới.
Trên tờ China Daily sau đó, một tác giả Trung Quốc phê bình truyền thông phương Tây đã hiểu sai ý nghĩa của lời phát ngôn khi nói động thái dừng lại của Trung Quốc xuất phát từ sức ép bên ngoài, đặc biệt là vai trò của Mỹ.
Ngược lại, chương trình nghiên cứu “Sáng kiến minh bạch hàng hải” của Mỹ hôm 17-6 đã công bố một số hình ảnh về các công trình vẫn đang triển khai kèm lời bình: thông điệp đang thay đổi, nhưng chính sách thì không - việc “đảo hóa” của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra.
Sau đó, nhiều ý kiến khác nói về chính sách đánh lạc hướng của Trung Quốc, hay về “chu kỳ leo thang - xuống thang” của Bắc Kinh trong chính sách Biển Đông.
Qua quá trình phân tích dữ liệu và quan sát các động thái của chiến lược “đảo hóa” từ cuối năm 2014, nhóm nghiên cứu chúng tôi đi đến nhiều giả định.
Một trong số đó liên quan đến bản chất tên gọi của quá trình chuyển dịch thực thể địa lý đang diễn ra tại bảy điểm thuộc Trường Sa.
Đến thời điểm này dựa trên những bằng chứng có được, phải khẳng định các hoạt động của Trung Quốc không phải mở rộng và bồi đắp, mà thực tế là tạo mới hoàn toàn một hòn đảo bằng công nghệ, khoa học kỹ thuật với phương châm biến không thành có.
Điều này dẫn đến kết quả không thể so sánh quá trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc với quá trình cải tạo và kè đảo của các nước ASEAN.
Vì lẽ đó, sẽ không có khái niệm “Trung Quốc dừng cải tạo các đảo” vì họ có thực hiện công tác cải tạo và bồi đắp một hòn đảo có sẵn bao giờ đâu!
Phản đối trên ba mặt trận
Xây dựng là một quá trình kéo dài, có thể trong vòng vài tháng, có thể trong vòng vài năm. Xây dựng có nhiều công đoạn khác nhau, tùy theo bản vẽ, tùy theo ý định, tùy theo kế hoạch cuối cùng.
Nếu hiểu được điều đó, việc Bắc Kinh tuyên bố “sắp hoàn thành việc cải tạo đảo” chỉ là hoàn thành việc “lấp đất san nền”.
Còn nhiều điểm khác như nhà cửa, kho bãi, hệ thống thông tin liên lạc hay vũ khí cần được triển khai và tiếp tục được đưa vào xây cất.
Tập trung vào những tiểu tiết như khi nào Trung Quốc làm xong cái này hay xây xong cái kia, hay lắng nghe tuyên bố về việc sẽ dừng hay tạm xếp lại thì tầm nhìn rộng hơn về các vấn đề chiến lược sẽ bị bỏ qua hay xem là vấn đề phụ.
Cụ thể trong quá trình Trung Quốc xây đảo, vấn đề pháp lý về chủ quyền cần được nhấn mạnh. Điểm chính là việc Trung Quốc cưỡng chiếm các thực thể tại Trường Sa không tạo cho nước này có quyền “xây dựng” hay “cải tạo” với những thứ không thuộc về mình.
Đó là điểm quan trọng mà ba mặt trận ngoại giao, pháp lý lẫn công luận quốc tế phải thảo luận với mục đích chứng minh rằng không thể để một nước đơn phương áp đặt chuyện đã rồi, bất chấp luật pháp và các chuẩn mực quốc tế mà nước đó đã chấp nhận ký kết và tham gia.
Song song đó, hai mặt trận khác đang khởi động và cần thiết đẩy nhanh thành ưu tiên. Một là các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang có xu hướng xây cất cho các mục đích quân sự và bán quân sự như tiếp liệu, hậu cần...
Vì những mục đích như thế, việc xây đảo của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới tự do, an toàn và an ninh hàng hải - hàng không tại Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương.
Hai là quá trình xây đảo của Trung Quốc tác động tiêu cực tới môi trường biển (trực tiếp tới Việt Nam và Philippines), rộng hơn là toàn bộ Biển Đông.
Toàn bộ thảm thực vật, san hô và hệ động vật tại đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở quy mô lớn, trước mắt thông qua các hành động xây dựng đảo bằng việc hút cát từ dưới đáy biển và dùng cát để bồi lấp các rạn san hô.
Tự do và an ninh hàng hải - hàng không cũng như môi trường biển là “tài sản công” của cộng đồng các nước Thái Bình Dương.
Hiện đang có những ý định và hành động xâm phạm, biến đó thành “tài sản riêng”. Đây chắc chắn không chỉ là mối đe dọa về an ninh - chiến lược, mà còn cả về đạo đức lẫn lương tri thời đại.
Ngày 21-6, người Việt tuần hành chống Trung Quốc tại Frankfurt Chị Bích Nga, hội trưởng Hội Văn hóa phụ nữ Mifafa, cho biết cuộc tuần hành bắt đầu từ 15g ngày 21-6 (giờ Đức), trước cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Frankfurt Main (Đức). Đoàn sau đó sẽ tuần hành đến khu vực tòa thị chính Frankfurt Römerberg. Đúng một tuần trước, vào ngày 14-6 tại thủ đô Berlin, hàng ngàn người Việt sinh sống ở Đức cùng bạn bè quốc tế tuần hành rầm rộ phản đối Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp đảo trái phép ở Biển Đông. Theo ông Trương Anh Tú - người Việt tại Berlin, trước cuộc biểu tình, vào ngày 12-6, đại diện Liên hiệp người Việt tại Đức, đã đến văn phòng Quốc hội Đức trao một thỉnh nguyện thư với gần 4.000 chữ ký, kêu gọi các nghị sĩ nước này lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa phản đối hành động chiếm đóng trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. (NGUYỄN QUÂN) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận