14/08/2013 07:01 GMT+7

Nhận diện bệnh tâm thần

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TT - Công tác nhiều năm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, ông La Đức Cương, giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, không ít lần chứng kiến những vụ việc đau lòng mà bệnh nhân tâm thần vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.

Kỳ 1: Chuyện từ những phòng khám

L4wwQTIp.jpgPhóng to
Đại tá - bác sĩ Nguyễn Văn Hường, Bệnh viện 175 TP.HCM, tham vấn cho bệnh nhân - Ảnh: T.T.D.

Hầu hết những người này thuộc nhóm bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện các chất kích thích như rượu, bia, ma túy, cờ bạc hoặc game...

Nghiện chất kích thích, gặp nhiều áp lực...

"Những người mắc các bệnh lý tâm thần phổ biến như trên thì thường có các triệu chứng: thích ở một mình, không biết làm cách nào để kết nối, hoặc có thể cảm thấy quá lo lắng..."

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang(giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM)

Theo ông Cương, những người nghiện thường có hành vi rất nguy hiểm, họ thường xuyên rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng hoặc thay đổi tính cách, hành vi hoàn toàn. Có những người chồng, người cha vốn hiền lành, thương vợ yêu con nhưng chỉ cần một chút rượu, bia là có thể chửi mắng, đánh đập, ra tay tàn ác với vợ con. Điều đáng nói, những người này sau khi tỉnh rượu lại tỏ ra sợ hãi chính hành động của mình, hối lỗi, cầu xin vợ con tha thứ. Nhưng sau khi có rượu, bia thì lặp lại hành vi côn đồ. Với những người nghiện ma túy, đặc biệt ma túy đá và game, thường bị ảo giác chi phối mạnh mẽ hơn so với các chất gây nghiện khác.

Thực tế, không ít câu chuyện cướp của, giết người dã man do những người nghiện game, ma túy gây ra. Họ có thể không biết mình mắc chứng rối loạn tâm thần, đặc biệt bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng lại thường phủ định mình bệnh, không thăm khám điều trị, dẫn đến bệnh ngày một nặng thêm.

Ông Cương cũng chia sẻ những áp lực từ xã hội khiến tâm lý con người biến đổi theo. Dường như con người ngày nay không những nóng nảy, hung dữ hơn xưa mà còn có những hành vi cực đoan đáng sợ. Chỉ cần một cái liếc mắt, một câu nói là đã có thể sử dụng đến nắm đấm, thậm chí có thể đâm, chém người!

Trong khi đó, TS Đinh Đăng Hòe (Bệnh viện Hồng Ngọc) lại nhận định một trong những nguyên nhân đáng quan tâm dẫn đến bệnh lý tâm thần ở giới trẻ, đặc biệt giới trẻ thành thị hiện nay, chính là sự “bao cấp”. Theo TS Hòe, phụ huynh (nhất là người có chức vụ hoặc làm kinh doanh) thường tham công tiếc việc, không có thời gian cho con. Nhưng ở một mặt khác, sự nuông chiều trẻ quá mức của phụ huynh có thể dẫn đến việc trẻ bị lệ thuộc, không có khả năng tự lập, đặc biệt cái tôi của trẻ quá lớn, coi mình là trung tâm vũ trụ... dễ dẫn đến hành vi lệch lạc sau này.

Điều trị sớm sẽ rất tốt

"Khoảng 20 năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc chứng loạn thần do rượu điều trị tại khoa tâm thần của Bệnh viện Học viện quân y 103 tăng nhanh chóng. Đáng chú ý những bệnh nhân này có độ tuổi 30-40, trong khi trước đây chủ yếu ở độ tuổi từ 60-70"

PGS.TS Cao Tiến Đức(trưởng khoa tâm thần Bệnh viện Học viện quân y 103)

Đại tá - bác sĩ Nguyễn Văn Hường, chủ nhiệm khoa nội tâm thần Bệnh viện 175 (TP.HCM), cho biết có hàng trăm loại bệnh tâm thần khác nhau với rất nhiều triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, loại bệnh tâm thần thường gặp nhất là tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, trầm cảm.

Theo bác sĩ Hường, bệnh rối loạn cảm xúc có nhiều thể là rối loạn trầm cảm, rối loạn hưng cảm, rối loạn phân liệt cảm xúc - tức vừa có triệu chứng của tâm thần phân liệt, vừa có rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, rối loạn lo âu cũng rất dễ gặp và có liên quan đến các vấn đề xã hội như áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống. Thế nhưng, những người bị bệnh rối loạn cảm xúc thường đến bác sĩ tâm thần rất muộn, do bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn cơ thể và người bệnh thường không chịu nhìn nhận mình có bệnh tâm thần.

Cụ thể, có người biểu hiện đau dạ dày, đến bác sĩ tiêu hóa chữa hoài không hết nhưng tới bác sĩ tâm thần điều trị lại hết. Có người biểu hiện như bệnh tim mạch, hay hồi hộp, bồn chồn, đánh trống ngực, bứt rứt. Bệnh nhân đến bác sĩ tim mạch chữa hoài cũng không hết, khi đó mới đến bác sĩ tâm thần thì đã muộn. Vì vậy khi bác sĩ lâm sàng kết luận ai đó không có bệnh nhưng nếu họ vẫn biểu hiện như mắc bệnh thì nên chuyển qua bác sĩ tâm thần khám. Một người bình thường, có sức khỏe tâm thần bình thường có một điểm gen bình thường thì khi gặp phải chấn thương về tâm lý, hoặc gặp bệnh tật, đau ốm, chiến tranh sẽ có một giai đoạn bị chông chênh. Qua giai đoạn chông chênh đó họ trở lại bình thường. Đối với người hơi nhạy cảm với stress một chút, khi gặp phải chấn thương tâm lý hoặc gặp bệnh tật, đau ốm, chiến tranh sẽ xuất hiện giai đoạn im lặng của bệnh. Nếu không giải tỏa, thích nghi được, người đó sẽ có giai đoạn tiền triệu chứng như mất ngủ, hành vi bất thường, bứt rứt khó chịu, rất khó phát hiện.

Muốn phát hiện được giai đoạn tiền triệu chứng, những người trong gia đình phải quan tâm lẫn nhau. Nếu bệnh nhân được điều trị sớm ở giai đoạn này sẽ rất tốt, giúp bệnh lý được chặn lại hoặc đỡ nghiêm trọng hơn.

Làm sao để người bệnh tâm thần chịu đi khám bệnh?

Không ít trường hợp người bệnh không chịu đi khám bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hường, với những trường hợp này, người thân có thể tranh thủ lúc bệnh nhân đang có một bệnh nào đó như đau đầu, đau chân hay đau bụng... thì đưa đến bệnh viện khám bệnh. Nếu không làm được cách trên có thể mời bác sĩ chuyên khoa tâm thần đến nhà nói chuyện với bệnh nhân như một người quen đến chơi. Bác sĩ sẽ có cách tư vấn, giải thích, động viên và bệnh nhân sẽ nghe theo bác sĩ, đồng ý đến bệnh viện khám bệnh. Nếu cách này cũng không hiệu quả thì người nhà có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần, kể cho bác sĩ nghe những triệu chứng, biểu hiện bệnh của bệnh nhân để có hướng chẩn đoán bệnh và kê toa thuốc điều trị. Sau đó tìm cách cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Hường, ở nước ngoài người ta tổ chức được những đội bác sĩ chuyên khoa đến từng nhà bệnh nhân tâm thần để động viên, thuyết phục người bệnh đến bệnh viện khám, điều trị. Tuy nhiên ở VN chưa tổ chức được như vậy mà chủ yếu vẫn là do người nhà tự tìm cách đưa bệnh nhân đi khám.

Sống bình an, thanh thản

Theo TS Hồ Tống Tiễn, không có nỗi đau nào bằng nỗi đau tinh thần, thà bị mất một tay, một chân nhưng người ta vẫn cảm giác được sống, biết yêu, biết hành động hài hòa. Còn sống với một thân thể lành lặn, rất đẹp trai, xinh gái nhưng “phần mềm” trên đầu có vấn đề thì rất đau đớn. Khi được sống trong một xã hội văn minh, hưởng một quy trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tốt từ lúc trong bào thai đến môi trường giáo dục và đào tạo tốt, môi trường sống nhân ái, xã hội công bằng... sẽ giúp con người được bình an, thanh thản, ít có nguy cơ bị bệnh tâm thần do các yếu tố xã hội.

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên