Một lá thư mà nhân chứng cung cấp cho hội đồng xét xử trong vụ án của hoa hậu Phương Nga - Ảnh: Hữu Khoa |
Trong một số vụ án, các nhân chứng đã có những lời khai hoàn toàn trái ngược với những gì họ đã khai với cơ quan điều tra trước đây.
Việc người làm chứng thay đổi lời khai, làm cho vụ án thêm phức tạp nhưng cũng đã góp phần làm rõ một số tình tiết quan trọng có thể giúp làm sáng tỏ vụ án.
Tuy nhiên, việc các nhân chứng thay đổi lời khai trước đây, khiến họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật theo quy định của Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại khoản 4, điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, ngoài việc phải có mặt theo triệu tập của cơ quan tố tụng, người làm chứng phải “trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó”.
Trường hợp người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại điều 307 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, người làm chứng khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, nếu phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Do đó, việc các nhân chứng thay đổi lời khai không những gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật mà họ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận