Mặc dù nền mỹ thuật truyền thống cũng chỉ để lại cho chúng ta một số lượng ít ỏi các bức tượng sư tử, nhưng hình ảnh những con sư tử Đại Việt vẫn mang những đặc điểm riêng không thể lẫn với những con sư tử "ngoại lai". Do gắn bó và có mối quan hệ mật thiết với Phật giáo nên sư tử Việt hầu như chỉ xuất hiện ở thời Lý - Trần mà ít thấy ở các triều đại sau đó, kể cả trong thời Lê sơ và thời Nguyễn – giai đoạn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa cung đình Trung Hoa.
Về phần đầu sư tử, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết và phân biệt sư tử Việt với sư tử ngoại lai là chữ “Vương” trên trán, hàm ý sư tử là vua của muôn loài. Có thể thấy dấu hiệu này ở những con sư tử chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng, chùa Thầy, hiện vật sư tử gốm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay trong một chi tiết kiến trúc bằng đất nung có hình mặt sư tử trong phần trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.
Bên cạnh đó, cũng như các linh vật quan trọng khác, một điểm nhấn trong tạo hình của sư tử Đại Việt là miệng thường ngậm ngọc. Sư tử Việt thường có hàm răng với số lượng lớn nhưng không nhọn sắc, bề mặt răng bằng phẳng, thậm chí có cả hoa văn bên trong và thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. Không những thế, ở phần lông mày, tai, viền mép đều xuất hiện những hoa văn uốn lượn, mềm mại.
Tiếp đó là phần bờm, bờm là biểu tượng một phần sức mạnh cũng như sự dũng mãnh cho sư tử. Nhưng "hầu hết các con sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ, đôi lúc cũng được thấy dựng ngược lên như của rồng” (Trần Hậu Yên Thế - Nhà nghiên cứu Mỹ thuật).
Đặc điểm của sư tử Việt nói chung và sư tử thời Lý Trần nói riêng là không phô diễn sức mạnh hình thể. Về hình khối phần đuôi sư tử Việt thường mềm mại, đều đặn, uyển chuyển chứ không dựng lên hay xòe ra, khiến ta liên tưởng đến dòng suối tóc hơn là đuôi chúa sơn lâm.
Còn các con sư tử Trung Quốc bao giờ cũng phô trương bằng cách dướn người ra phía trước, lộ rõ một khối ức vạm vỡ. Lý Chi Cương - tác giả của công trình nghiên cứu công phu về sư tử đá trong mỹ thuật Trung Hoa đã mô tả thế này: “Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con”.
Như vậy, xét về ngoại hình sư tử trong nghệ thuật tạo hình, sư tử Việt có những đặc điểm nhận dạng hoàn toàn khác biệt với sư tử Trung Hoa. Qua đó có thể thấy rằng, dù lịch sử đã từng có giao thoa, tiếp biến văn hoá với các quốc gia khác thì người Việt vẫn luôn chế tác ra những biểu tượng mang đậm nét tinh hoa, hồn cốt, tình cảm của dân tộc mình. Chúng ta cần dũng cảm và chung tay loại bỏ những con "sư tử lạ" trái với phong cách quan niệm thẩm mỹ của người Việt ra khỏi các công trình kiến trúc tôn giáo. Một đôi sử tử đá mang phong cách nghệ thuật truyền thống Việt Nam đứng uy nghiêm canh giữ trước cổng chùa, tháp, tại sao lại không thể?
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận