11/07/2018 11:07 GMT+7

Nhái tiêm kích Nga bất thành, Trung Quốc quay sang hàng nội địa

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Áp lực từ nhiệm vụ phát triển tiêm kích thế hệ mới cho tàu sân bay Trung Quốc đang ngày càng lớn sau một loạt các sự cố kỹ thuật và tai nạn chết người liên quan tới tiêm kích J-15, vốn sao chép từ Su-33 của Nga.

Nhái tiêm kích Nga bất thành, Trung Quốc quay sang hàng nội địa - Ảnh 1.

Tiêm kích J-15 của Hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh chụp màn hình

Tham vọng trở thành một cường quốc biển đã đẩy Trung Quốc vào cuộc chạy đua chế tạo hàng loạt tàu chiến. Trong số này, phát triển nhóm tác chiến tàu sân bay được xem là một nội dung quan trọng.

Sau Liêu Ninh, vốn là tàu sân bay Varyag mua từ Ukraine, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên Type-001A và có kế hoạch tiếp tục đóng thêm các tàu mới, bao gồm cả tàu sân bay được áp dụng công nghệ máy phóng điện từ.

Tuy nhiên, cuộc chơi tàu sân bay không phải là một thứ gì đó dễ dàng. Quá trình vận hành tàu Liêu Ninh đã bộc lộ những yếu kém về mặt kỹ thuật của Trung Quốc, bắt đầu từ J-15 - loại tiêm kích được sử dụng trên tàu sân bay.

Dựa trên nguyên mẫu tiêm kích trên hạm chiếm ưu thế trên không Su-33, Công ty hàng không Thẩm Dương thuộc Tập đoàn công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã cho ra đời tiêm kích J-15.

Với trọng lượng cất cánh tối đa 33 tấn, J-15 - sản phẩm của một thiết kế trên 30 năm - được xem là một trong những tiêm kích hạng nặng hiếm hoi còn hoạt động trên tàu sân bay. Tuy nhiên, để cụ thể hóa tham vọng chế tạo 4 nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc cần một tiêm kích mới thay thế cho J-15.

Trung tướng Trương Hồng Hạ, phó tư lệnh không quân Trung Quốc, thừa nhận J-15 sẽ sớm bị đẩy ra rìa bởi một tiêm kích tàu sân bay thế hệ mới "đang được phát triển". 

Biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh trong video phô diễn sức mạnh của Hải quân Trung Quốc - Nguồn: YOUTUBE

Nhu cầu cấp thiết cần phải loại bỏ vai trò của J-15 trên các tàu sân bay xuất hiện sau ít nhất 4 tai nạn nghiêm trọng liên quan tới loại tiêm kích này.

Tháng 4-2016, phi công Zhang Chao, 29 tuổi, thiệt mạng khi cố gắng cứu tiêm kích J-15 do anh cầm lái. Zhang trước đó đã cố gắng luyện tập hạ cánh giả định trên tàu sân bay nhưng hệ thống kiểm soát bay của máy bay đã bị lỗi và dẫn tới thảm kịch.

3 tuần sau đó, một đồng nghiệp của Zhang, phi công 40 tuổi Cao Xianjian, bị thương nghiêm trọng cũng với lỗi tương tự trên một chiếc J-15 khác. Tất cả tiêm kích J-15 sau đó đã bị cho ngừng bay để kiểm tra.

"Các chuyên gia hàng không đã phủ nhận rằng có lỗi trong việc thiết kế J-15. Họ chỉ sáng mắt sau tai nạn của phi công Cao", một nguồn tin tiết lộ với báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.

Lỗi cũng phải bay

Một cựu thành viên hải quân Trung Quốc đã tiết lộ điều kinh khủng đằng sau thảm kịch: các tiêm kích J-15 do Trung Quốc sao chép có cả rừng lỗi. Tuy nhiên, thay vì tiến hành thêm các chuyến bay thử nghiệm, các phi công bị bắt phải bay trên những tiêm kích J-15 ngay cả khi nó có vấn đề.

Mặc dù các phi công quân sự Trung Quốc được đào tạo cách thoát ly khỏi máy bay khi gặp sự cố kỹ thuật, họ cũng được căn dặn phải có nhiệm vụ cứu lấy "tài sản quốc gia" là các tiêm kích đắt tiền J-15.

"Chuyện này cần phải thay đổi bởi mạng người là vô giá. Có thể chế tạo một tiêm kích mới sau tai nạn nhưng không gì có thể thay thế được phi công đã mất mạng", báo SCMP dẫn lời cựu thành viên hải quân Trung Quốc kêu gọi.

Nhái tiêm kích Nga bất thành, Trung Quốc quay sang hàng nội địa - Ảnh 3.

J-31 của Trung Quốc (trên) khi so sánh ngoại hình với F-35 của Mỹ - Ảnh chụp màn hình

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện vẫn chưa lên tiếng bình luận. Trung Quốc hiện đã bắt đầu đóng tàu sân bay nội địa thứ hai. Các tàu sân bay mới sẽ rơi vào cảnh "hổ giấy không móng vuốt" nếu quá trình đào tạo phi công và chế tạo tiêm kích trên hạm thế hệ mới gặp vấn đề.

Trao đổi với SCMP, chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie suy đoán tiêm kích tàng hình J-31 (tên chính thức: Thẩm Dương FC-31) sẽ là ứng viên sáng giá thay thế J-15. Cũng giống như J-15, J-31 là con cưng của Công ty hàng không Thẩm Dương và được phát triển hoàn toàn trong nước.

J-31 được cho là có thiết kế hấp thụ sóng radar như đàn anh J-21 và các tiêm kích khác của Mỹ như F-22, F-35. Loại tiêm kích có kích thước khiêm tốn và nhẹ hơn J-15 này thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên năm 2012.

Trung Quốc có thể thiếu phi công cho tàu sân bay mới Trung Quốc có thể thiếu phi công cho tàu sân bay mới Trung Quốc đóng tàu chiến như gà đẻ trứng Trung Quốc đóng tàu chiến như gà đẻ trứng Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì? Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì?
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên