09/03/2015 09:18 GMT+7

​Nhạc sống... di động

VÂN TRƯỜNG - ĐỨC PHÚ - MINH PHƯỢNG
VÂN TRƯỜNG - ĐỨC PHÚ - MINH PHƯỢNG

TT -  Chỉ cần gầy một bàn nhậu bình dân rồi lấy điện thoại ra alô, 30 phút sau có người chở dàn nhạc sống... di động tới phục vụ.

Một “ca sĩ” say sưa với một bản nhạc trữ tình cùng dàn nhạc di động gọn nhẹ vào buổi tối trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: M.Phượng

Vài năm trước, nhiều người có nhu cầu làm... ca sĩ phải chờ trong xóm có đám cưới, đám hỏi mới được hát hò. Bây giờ, chỉ cần gầy một bàn nhậu bình dân rồi lấy điện thoại ra alô, 30 phút sau có người chở dàn nhạc sống... di động tới phục vụ.

Tối 7-3, một góc của khu phố 1, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM sôi động khác thường với âm thanh dập “xình xình” đủ loại nhạc trẻ, nhạc trữ tình... Âm thanh đinh tai ấy là “không khí sót lại” của buổi họp mặt do người dân khu phố này tổ chức.

Tại đó, tất cả thành viên từ già đến trung niên, trẻ tuổi đều say sưa hòa giọng: “Quay về đi về đi em hỡi... Em đã sai hãy làm lại từ đầu...”.

Sau bài hát ấy, chiếc micro chỉ kịp nghỉ vài giây thì tiếng hò dô lại vang lên. Người điều khiển âm thanh bắt đầu mở nhạc sàn nhảy cực mạnh kèm theo những tiếng “bụp bụp” phát ra từ thùng loa. Các thành viên trong xóm cùng ôm nhau nhảy múa phụ họa...

Nở rộ... nhạc sống

Cùng thời điểm ấy, tại một tiệc sinh nhật trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3), một giọng ca nghiệp dư đầy ngọt ngào vang lên: “Tình anh như nước con sông dài...”. Lời ca mượt mà ấy được đệm bằng tiếng nhạc mạnh xập xình khiến một góc đường của Sài Gòn lúc 21g30 phải bừng tỉnh.

Căn nhà có tiệc được mở tung cửa, bàn ghế đã dọn đi để nhường chỗ cho ban nhạc sống biểu diễn. Chị Duyên - chủ nhà, đang hào hứng múa phụ họa theo một bản nhạc sôi động, nói thật to để át đi tiếng nhạc: “Hôm nay sinh nhật ba tui. Tụi tui mướn dàn nhạc về hát cho vui”.

Nói rồi chị nhún nhảy kéo tay người đàn ông mặc áo tím lại, giới thiệu: “Ba tui đây, hôm nay mừng sinh nhật tuổi 51”. Ông Hương - cha của chị Duyên, nghe con gái nói thì cười: “Thuê nhạc về hát hò vui lắm...”.

Không chỉ gia chủ, tất cả khách tham dự đều vui vẻ nhún nhảy theo từng điệu nhạc. Chị Duyên kể: “Nhà tui mỗi lần có sinh nhật, đám giỗ đều thuê nhạc sống. Dàn nhạc này thuê 1,5 triệu đồng, chưa tính tiền bông (tiền bỏ vào bông tặng cho ca sĩ hát hay)”.

Đứng sát vào cây đàn organ là một người đàn ông rất hoạt ngôn, liên tục khuấy động không khí với những lời chọc cười hóm hỉnh.

Anh chàng “đa-zi-năng” tên Linh ấy là MC, kiêm ca sĩ và “ông bầu”, giới thiệu: “Ban nhạc của tôi có năm người. Tôi là MC, thêm hai nhạc công, một người điều khiển máy tính cho chạy chữ (lời karaoke) và một người chỉnh nhạc”.

19g, tại quán nhậu ở góc đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), thực khách đang chén tạc chén thù bỗng ngưng ly. Tiếng nhạc cất lên cùng với giọng hát rất khỏe. Chàng thanh niên sinh năm 1992, mặc quần jean, áo thun tên Võ Trí Quang tự tin cầm micro vừa hát vừa đi lại giữa các bàn ăn. Một vài thực khách hứng chí mượn micro hát nghêu ngao.

Chủ nhân của chiếc micro và dàn loa kiểu vali xách tay chia sẻ: “Cách đây chừng ba tháng, mình đi ăn với bạn bè cũng có mượn micro hát mấy bài. Sẵn máu mê ca hát từ hồi còn nhỏ xíu, được một người bạn giới thiệu, mình mua dàn loa này để đi hát nhạc sống di động, phục vụ luôn khách nhậu có nhu cầu ca hát”.

Sau một tuần miệt mài thu hoạch lúa thuê, ông M. (chủ máy cắt lúa ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) chuẩn bị cơm, mồi nhậu chiêu đãi anh em nhân công. Ông không quên gọi điện thuê một dàn karaoke nhạc sống gọn nhẹ giá 100.000 đồng/giờ để mọi người thư giãn.

“Ở đây ai cũng mê hát nhạc sống. Nhà có đám tiệc hay họp mặt đông người phải thuê dàn nhạc sống về cho mọi người chơi. Mình không thuê thì anh em cũng gọi điện kêu tới nên chuẩn bị trước cho chắc ăn. Nhậu mà không có nhạc sống thì rượu nhạt lắm” - ông M. nói.

“Không nhạc sống, sợ không ai tới...”

Trước đây, nhạc sống chỉ có trong đám cưới nay đã “phủ sóng” rộng khắp như lời giới thiệu của “bầu” Linh: “Dàn nhạc của tôi phục vụ từ đám cưới, mừng thọ, sinh nhật, thôi nôi, tất niên, tân niên, đám ma và cả các bàn nhậu bình dân tại nhà”.

Theo anh Linh, nhóm của anh cho thuê dàn nhạc với giá 1,5-2 triệu đồng, “nếu ở xa thì tính tiền cao hơn một chút. Thường dàn nhạc có ba loa. Nhưng thêm loa và đi xa thì thêm 200.000 đồng/loa”.

Còn ông “bầu” Lê Minh Luận (ngụ khu phố 2, P.Thạnh Lộc, Q.12) cho biết: “Tụi tui nhận đi diễn ở khắp các quận huyện tại Sài Gòn, Bình Dương... Người mê cải lương thì thuê thêm cả đàn tranh, đàn kìm, đàn sến...”.

Tương tự, ban nhạc sống của ông H. cho thuê với giá 1,7 triệu đồng trong vòng 3-5 giờ. Đặc biệt, ông H. có thêm gói “ca sĩ tới hát”. “Giá ca sĩ tùy theo chất lượng. Ca sĩ hát nghe “được được” giá 300.000-600.000 đồng/người” - ông H. cho biết.

Anh Tr. ở xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) nói rằng suy nghĩ “nhậu thì phải có nhạc sống” đã lây lan vào nhiều người. Chính vì thế những gia đình tại địa phương của anh tổ chức tiệc rượu bắt buộc phải thuê dàn karaoke nhạc sống mới không lo bị hàng xóm dị nghị.

Nhà nghèo cũng ráng bấm bụng thuê một dàn karaoke “kẹo kéo” với vài ba cái loa thùng, chỉ phát nhạc từ máy tính chứ không có đàn organ.

Gia đình anh Tr. không thuộc diện dư dả tiền bạc nên anh rất lo mỗi khi nhà có đám giỗ vì phải chi thêm khoản thuê dàn karaoke nhạc sống. “Xung quanh ai cũng thuê dàn nhạc sống cho khách hát, tới lượt nhà mình có đám giỗ mà không thuê thì... ai mà tới” - anh Tr. phân trần.

Còn ông Tùng ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, kể mấy ngày tết vừa rồi ông và mấy đứa cháu cãi nhau cả buổi vì chuyện có thuê nhạc sống cho đám giỗ cha mình tới đây hay không. Ông nói làm gì thì làm, tối hôm trước đám giỗ phải có dàn karaoke nhạc sống cho bạn bè, hàng xóm chơi.

Lý do mà ông đưa ra là: “Ở đây nhà nào có đám tiệc đều phải thuê nhạc sống. Mình đi đám, tới đó cũng hát một hai bài, chẳng lẽ nhà mình có đám, mời người ta tới ăn rồi về”. Trong khi đó, mấy đứa cháu của ông kịch liệt phản đối chuyện thuê nhạc sống vì “không phải ai cũng hát hay, mà mấy người hát dở nhậu vô la hét om sòm điếc tai”.

Cuộc tranh luận ngã ngũ khi ông Tùng phán một câu: “Có nhạc sống thì tao ở nhà, còn không có thì tụi bây làm gì làm. Tao không muốn bị hàng xóm dị nghị rằng tao hà tiện, tiếc tiền không thuê nổi mấy tiếng nhạc sống”.

Vì không muốn ông cậu và gia đình mất mặt với hàng xóm nên mấy người cháu đành đồng ý chi tiền thuê dàn nhạc sống hoành tráng, có đủ trống, đàn ghita, đàn organ và dàn loa cực mạnh cho buổi tiệc.

“Cạnh tranh dữ dội...”

Ông Lượm (chủ dàn nhạc sống ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) nói ông sắm hai dàn âm thanh gần cả trăm triệu đồng để đáp ứng nhu cầu chơi nhạc sống của người dân. Gần đây, hai dàn âm thanh của ông không hoạt động hết công suất vì trong xã có cả chục người nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này, chủ yếu là dàn nhạc sống “kẹo kéo”.

Dàn nhạc sống của ông Lượm chủ yếu phục vụ đám cưới vì cồng kềnh, nhiều “đồ chơi” nhưng bây giờ phải chấp nhận chia nhỏ ra phục vụ đám giỗ, sinh nhật theo giá chủ nhà đề nghị, bởi nếu không cho thuê sẽ mất khách và chậm thu hồi vốn. 

“Giờ làm ăn khó dữ lắm, không chỉ cạnh tranh giá mà còn phải cạnh tranh về tốc độ nữa. Người ta kêu thì phải chở tới liền, nếu hẹn chừng một tiếng đồng hồ thì người ta sẽ thuê của người khác liền” - ông Lượm nói.

VÂN TRƯỜNG - ĐỨC PHÚ - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên