04/08/2017 07:30 GMT+7

Nhạc sĩ Vũ Thành An: Hi vọng cho mình sống lại thời trai trẻ...

QUỲNH NGUYỄN thực hiện - Ảnh: Duy Quan
QUỲNH NGUYỄN thực hiện - Ảnh: Duy Quan

TTO - Sau một tuần về nước để chuẩn bị cho loạt sự kiện văn nghệ sắp tới của mình, nhạc sĩ Vũ Thành An đã dành cho Tuổi Trẻ Online cuộc trò chuyện độc quyền, ngay tại phòng thu của nhạc sĩ Đức Trí.

Nhạc sĩ Vũ Thành An tại phòng thu MPU vào sáng 3-8, chuẩn bị ghi âm ca khúc Bước chân nở hoa - Ảnh: Duy Quan
Nhạc sĩ Vũ Thành An tại phòng thu MPU sáng 3-8, chuẩn bị ghi âm ca khúc 'Bước chân nở hoa' - Ảnh: Duy Quan
Lời tạm biệt thì không phải bây giờ tôi mới nói mà thật ra là đã nói với người thân, bạn bè từ lâu, đặc biệt là với bà xã. Trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường nói với bà xã “thôi tạm biệt nhé”. Vì biết đâu trong giấc ngủ mình sẽ đi nên mình tạm biệt trước, chào trước… cho chắc.
Nhạc sĩ Vũ Thành An

Trẻ hơn nhiều so với tuổi 74 (nhạc sĩ Vũ Thành An sinh năm 1943), chiều cao 1,82m ấn tượng, da dẻ hồng hào, trí nhớ siêu đẳng và đặc biệt là giọng hát vẫn quá “hút” của nhạc sĩ Vũ Thành An thật khiến người hâm mộ khó chấp nhận rằng đây là “chuyến trở về cuối cùng” như ông đã nói.  

Ca khúc phổ biến đầu tiên là kêu gọi đồng bào cứu lụt miền Trung

* Thưa nhạc sĩ, trông ông rất khỏe mạnh, vì sao ông lại sớm nói lời chia tay đến người hâm mộ vậy?

-  Hiện tôi đã 74 tuổi, sức khỏe cũng kém rồi, cũng có lúc phải ra đi thôi, không thể nào tránh được. Tôi bị bệnh tim nên trông vậy thôi chứ biết đâu mai lại bất chợt “đi rồi”.

Nhưng tôi vẫn muốn có lời chào chính thức đến công chúng yêu mến những bài không tên. Năm ngoái tôi tưởng khó còn dịp gặp lại mọi người nên tôi đã viết: “Nếu không gặp lại ở thế gian thì xin hẹn ước tìm nhau trên thiên đàng”. 

* Không thấy trong tiểu sử sơ lược của ông viết về đam mê âm nhạc hay những tháng ngày nghiên cứu âm nhạc của ông. Vậy ông đã bén duyên cùng âm nhạc từ khi nào để có được nhiều tác phẩm lay động lòng người đến thế?

- Tôi chỉ học nhạc ở trường phổ thông thôi. Hồi nhỏ tôi đã thích âm nhạc rồi và may mắn khi 7, 8 tuổi đã được ông cụ mua cho cây đàn mandolin. Từ đó, tôi cứ mày mò, tự học. Lớn lên một chút thì mua sách về tự học guitar. Vậy nên các sáng tác của tôi đều trên đàn guitar.

Ơn trời cho tôi cái năng khiếu nên khi viết nhạc thì bằng nhạc lý căn bản mình có được, nghiên cứu sách vở, nghe, xem thêm những bản nhạc thịnh hành trong và ngoài nước để học cách phát triển một ca khúc.

* Tình khúc thứ nhất (lời Nguyễn Đình Toàn) được coi là sáng tác đầu tay của ông. Đây có phải là nhạc phẩm đầu tiên ông viết hay là nhạc phẩm đầu tiên ông cho phổ biến đến công chúng?

- Trước Tình khúc thứ nhất tôi đã viết mấy bài. Thời đó, để phổ biến một ca khúc, người ta phải đưa lên đài phát thanh.

Bài đầu tiên của tôi được giới thiệu trên đài phát thanh không phải là một bản nhạc tình, mà là một bài kêu gọi đồng bào cứu lụt miền Trung, hưởng ứng một chương trình của sinh viên học sinh.

Đến khi tôi vô đài phát thanh làm và gặp ông Nguyễn Đình Toàn thì mới có bài Tình khúc thứ nhất. Có thể nói đây là ca khúc đầu tiên ngay khi được phổ biến trên đài phát thanh (1965) qua tiếng hát Lệ Thu là lập tức thành công.

Nhạc sĩ Vũ Thành An trả lời phỏng vấn phóng viên Tuổi Trẻ vào sáng 3-8.
Nhạc sĩ Vũ Thành An trả lời phỏng vấn PV Tuổi Trẻ vào sáng 3-8

Sau Tình khúc thứ nhất của Vũ Thành An là hàng loạt bài tình ca khác cũng rất được yêu thích, đặc biệt là những bài không tên. 

Công chúng yêu những bài không tên của ông không chỉ bởi những chuyện tình ẩn trong đó mà còn bởi những trải nghiệm bên ngoài chuyện yêu đương với những câu như: “Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa…”, “Nếu chúng mình có thành đôi lứa. Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau…”, “Một bờ mi cong vùng tóc nhớ. Để sống thêm thêm lần trẻ thơ…”.

Tôi có đến 50 bài không tên

* Những ca khúc này ông viết khi còn rất trẻ (20 đến 30 tuổi) nhưng ca từ lại rất trau chuốt, sâu lắng mà không phải ai đã đi qua hết thời tuổi trẻ cũng có được. Những lời ca đó tự nhiên đến sau những lần yêu dang dở hay ông có cách “luyện công” nào khác?

-  Ngoài âm nhạc, tôi còn mê sách. Cái thú hồi nhỏ của tôi là đọc sách. Thời xưa có rất nhiều tiệm cho thuê sách và tôi hay thuê ở một tiệm trên đường Phan Đình Phùng, nơi có đủ loại sách, đem về đọc.

Mỗi lần tôi thuê chừng 5 đến 10 cuốn và phải trốn bố mẹ để đọc sách, nói đúng hơn là “ngốn” sách. Tôi đọc đủ hết, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử… nhưng thích nhất vẫn là sách triết học.

Từ những kiến thức trong sách vở, khi mình đi qua những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời, tự nhiên ra được những lời ca đó.

Như “triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa” là do tôi quan sát. Tôi đi ra chợ với người bạn gái rất nổi tiếng của tôi khi đó. Cô ấy là xướng ngôn viên truyền hình đầu tiên, cả Sài Gòn đều biết cô đó, thích cô đó.

Nhưng tôi biết tâm sự của cô ấy. Đúng là cô ấy nổi tiếng, có triệu người quen thật nhưng cuộc sống nội tâm lại nhiều nỗi niềm, không hạnh phúc. Mỗi câu hát là kết quả của cả một quá trình suy nghĩ, chiêm nghiệm và viết là cách để mình chia sẻ những điều mình đã nghiệm ra.   

* Vì sao 10 bài không tên lại có thêm những bài không tên số 13 (Tình xưa gái Huế), 22 (Anh đành biến mất), 28 và số 40 (Đời đá vàng) thưa ông? Rốt cuộc là ông đã sáng tác bao nhiêu bài không tên?

-  Trước 1975, tôi viết đến Bài không tên cuối cùng là hết. Nhưng sau 1975, tôi lại tiếp tục viết những “bài không tên tiếp nối”, tức là viết thêm lời cho 10 bài không tên trước đây, kể nốt những câu chuyện của cuộc tình cũ.

Ví dụ yêu cô đó thì suy nghĩ về cô đó bây giờ thế nào, cần tâm sự thêm những gì...  

Sau 1975, tôi có những cuộc tình mới nên đã viết tiếp Bài không tên số 11, 12, 13… Đến giờ thì tôi đã viết 50 bài không tên và nhiều bài tình ca khác, không nằm trong những bài không tên đó.

* Với cuộc đời nhiều thăng trầm của ông, khán giả đang muốn lắng nghe hoặc được đọc thêm nhiều hơn những chuyện trong Chuyện tình không tên - chia sẻ về những chuyện tình đằng sau những bài không tên. Vì sao ông chỉ ra một tập sách này mà không có ý định viết thêm nữa?

-  Tôi thấy mình không còn nhiều thời gian và sức khỏe nên chia sẻ bấy nhiêu là đủ. Với Chuyện tình không tên, tôi đã dành hẳn một năm để viết.

Một năm để viết nhưng thực tế là mất rất nhiều thời gian để nhớ lại, sắp xếp tư liệu. Viết sách rất nhọc nhưng tôi thấy vui khi được nhớ lại thời tuổi trẻ và cũng tự nhiên thấy mình trẻ lại.

Với tôi, quyển sách này là tình xưa hoài niệm, dành cho tất cả những người đã yêu và đang yêu.   

Nhạc sĩ Vũ Thành An và nhạc sĩ Đức Trí  tại phòng thu MPU (TP.HCM) vào sáng 3-8.
Nhạc sĩ Vũ Thành An (trái) và nhạc sĩ Đức Trí tại phòng thu MPU (TP.HCM) vào sáng 3-8

17 năm trước, tôi đã thành lập Quỹ từ thiện Teresa (Teresa Charities, Inc) tại Hoa Kỳ.

Năm 2012, Quỹ Teresa Charities, Inc đã chính thức hoạt động tại VN (theo giấy phép của Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao số 178/CNV-HĐ) cho đến nay.

Hoạt động chính của quỹ là giúp gạo và các thực phẩm căn bản cho các cụ già neo đơn. Tất cả tác quyền của tôi đều được gửi vào quỹ này.

Vậy nên điều nguyện ước của tôi là khi nghe nhạc Vũ Thành An, xin quý vị hãy nhớ tới những người đau khổ chung quanh, đặc biệt là các ông bà cụ già neo đơn. 

Nghe nhạc của tôi, xin hãy nhớ đến những người đau khổ

* Cùng thời gian này, người yêu nhạc còn chào đón ca sĩ Thanh Lan lần đầu tiên trở về Việt Nam sau 25 năm. Ông có muốn cô ấy trình bày lại Bài không tên số 2 trong những sô diễn tới? 

-  Tôi cũng không biết đây có phải là sự sắp đặt của tạo hóa hay không? Nhưng thật sự, tôi và Thanh Lan cũng có duyên gặp gỡ.

Vào khoảng cuối năm 1968, tôi vừa hoàn thành Bài không tên số 2 và đang tìm ca sĩ để giới thiệu. Tôi đã nghĩ đến nhiều người nhưng rồi bất chợt nhớ ra Thanh Lan.

Thật ra, tôi đã để ý Thanh Lan từ lần Thanh Lan tham gia trong buổi văn nghệ của đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống của Nghiêm Phú Phát (em nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi) tại Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn.

Giọng hát và phong thái trẻ trung, vui tươi của Thanh Lan đã làm sống động buổi sinh hoạt văn nghệ hôm đó.

Do vậy, tôi đã quyết định mời Thanh Lan thu âm lần đầu tiên và giới thiệu Bài không tên số 2 trên sóng phát thanh trong Chương trình nhạc Vũ Thành An vào năm 1969. Vậy là dịp này tôi lại được nghe Thanh Lan hát!

* Không chỉ ra mắt sách, thực hiện các đêm nhạc, giao lưu cùng người hâm mộ, ông còn ghi âm ca khúc mới và phát hành một CD mới Vũ Thành An 74 - Chuyện tình không tên tại Việt Nam lần này. Điều gì đã giúp ông có nhiều năng lượng để làm việc đến thế?

-  Khi xuất hiện trước khán giả lần này, cảm giác đầu tiên của tôi là hồi hộp, một chút âu lo và hi vọng cho mình sống lại thời trai trẻ, như được đi ngược dòng thời gian. Tôi cũng mong thấy được điều nhiệm mầu nào đó (cười).

* Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông.

QUỲNH NGUYỄN thực hiện - Ảnh: Duy Quan
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên