23/10/2016 11:40 GMT+7

Nhạc kịch tâm lý, kỳ ảo 'Đêm hè sau cuối' gây sốt

DANH ANH
DANH ANH

TTO - 3.000 lượt khán giả thưởng thức vở diễn nhạc kịch Đêm hè sau cuối của đạo diễn 9x Nguyễn Phi Phi Anh

Cảnh nhà bà Thìn trong vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối - Ảnh: MAI LÂN
Cảnh nhà bà Thìn trong vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối - Ảnh: MAI LÂN

Từ sáu đêm diễn “cháy vé”, nhạc kịch Đêm hè sau cuối của đạo diễn 9x Nguyễn Phi Phi Anh diễn thêm năm buổi và hết vé ngay trong ngày đầu tiên thông báo.

3.000 khán giả thưởng thức vở diễn nhóm lên hi vọng mới cho sân khấu kịch nghệ của thủ đô. Đêm diễn cuối của Đêm hè sau cuối vừa khép lại vào tối 22-10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Đã lâu lắm rồi sân khấu kịch mới chứng kiến cảnh khán giả săn lùng, xếp hàng dài trước giờ diễn. Để mang đến trải nghiệm cho người xem, ngay từ cửa ra vào không khí của Đêm hè sau cuối đã được gợi lên qua hình ảnh những cô hầu bưng tập giới thiệu vở kịch gửi đến khán giả, những “đầu bếp” (tạo hình của 17 nhạc công) đứng hai bên lối đi đón chào khách.

Vào đến bên trong, êkip thực hiện trẻ trung càng tỏ ra chu đáo, tỉ mỉ. Chỉ qua một chi tiết nhỏ, với mỗi ghế ngồi xem đều có một chiếc chăn/mền mỏng để có thể khoác tránh lạnh khi nhiệt độ của khán phòng ở mức thấp, khán giả thấy mình được quan tâm, người xem trở thành “thượng khách”.

*** Error ***
Cảnh trong vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối - Ảnh: MAI LÂN

 

Tất nhiên, chuyện cung cấp “dịch vụ giải trí” có tốt mà chất lượng tác phẩm ở mức xoàng thì khán giả khó mà “rỉ tai” nhau xem tiếp. Vở Đêm hè sau cuối làm được việc quan trọng nhất là có cốt truyện hấp dẫn, các yếu tố ca - vũ - kịch khá đồng đều.

Được diễn trở lại sau ba năm, Đêm hè sau cuối tiếp tục mang đến câu chuyện có sự pha trộn của trinh thám, tâm lý và kỳ ảo đan xen.

Vẫn khai thác kiểu sân khấu bục bệ truyền thống, nhưng Phi Anh bộc lộ tư duy dàn dựng và bố cục rất tốt khi biến không gian trình diễn vốn khá hẹp thành ba tầng. Toàn bộ nhạc công chơi nhạc “live” trong tầng hầm, diễn viên nhảy múa, ca hát ở bục phía trên, một phần lề được chừa ra ở mép sân khấu vừa như khán đài, vừa như ngõ nhỏ dẫn vào không gian chính.

Ở đó diễn ra câu chuyện bên trong gia đình đông đúc của bà Thìn. Suốt hơn hai giờ diễn, sân khấu không cần chuyển cảnh, khán giả cứ thế được xoay qua chuyển lại trước mỗi phán đoán, nghi ngờ sau cái chết của người đàn bà góa chồng mới trúng xổ số độc đắc và cậu con trai tham lam tên Khánh bị chết mất xác...

Sức hút từ vở diễn đã khiến rất nhiều khán giả đi xem về bày tỏ sự thích thú và nhiệt tình đóng góp ý kiến khen - chê dành cho nhóm thực hiện trẻ trung, sáng tạo, từ đạo diễn đến dàn diễn viên phần lớn là tay ngang.

Yếu tố “nhạc kịch” vẫn có thể là điểm còn gây tranh cãi khi những bản nhạc, ca khúc nước ngoài nổi tiếng không phải được sáng tác dành riêng cho vở diễn.

Tuy nhiên, với phần chuyển soạn lời Việt hấp dẫn, hòa quyện cùng những tình huống hồi hộp, lời thoại hài hước, phù hợp với nội dung đủ khiến Đêm hè sau cuối trở thành “điểm sáng” của sân khấu thủ đô ở thời điểm hiện tại.

Thành công của nhóm bạn trẻ phần lớn ở độ tuổi 9X cũng là câu chuyện sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho một dự án. Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, với kế hoạch ban đầu là 35 đêm diễn cho ba vở cả mới lẫn cũ, dự án HOPE có chi phí ước tính 6 tỉ đồng. Một con số kém xa nhiều dự án sân khấu hàng chục tỉ nhưng kết quả thu về tương đối khác nhau.

Với cách tổ chức, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu, sân khấu sáng tạo của các bạn trẻ đã có được trong nó một sức hút đáng mơ ước ngay với cả các công cuộc đầu tư hoành tráng.

* Cả vở diễn tràn ngập năng lượng ca hát, vũ đạo và kịch tính liên tục gia tăng từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và câu chuyện tưởng chừng như chìm ngập trong những bi kịch giết người cướp của, thuộc đề tài tình tiền tù tội đã đến mức nhàm chán trên sân khấu Việt hiện đại, bỗng trở nên lộng lẫy và hài hước, vốn hệt như cuộc đời vốn pha trộn bi hài, đã khiến trái tim người xem nhẹ bỗng trong một niềm hân hoan sảng khoái khi thưởng thức nhạc kịch.

TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

* Hơn hai tiếng trong khán phòng yên tĩnh, nếu ồn lên chỉ là tiếng vỗ tay và tiếng cười thích thú! Thời gian bị vở diễn cuốn đi gọn gàng và mạch lạc. Bởi họ có một kịch bản nhiều lớp lang, chia đều cho các màn diễn của diễn viên không chuyên nhưng đầy hứng khởi.

Nhà báo CHU MINH VŨ

Khán giả trẻ xếp hàng xem nhạc kịch 9x - Ảnh: MAI LÂN
Khán giả trẻ xếp hàng xem nhạc kịch 9x - Ảnh: MAI LÂN

40 suất diễn cho 3 vở nhạc kịch

Dù nhu cầu xem Đêm hè sau cuối vẫn lớn, thể hiện qua việc vé không đủ bán, nhưng êkip của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh vẫn phải ngừng lại để chuyển sang vở thứ hai - Góc phố danh vọng - của dự án HOPE (Mộng ước) gồm ba vở nhạc kịch.

Từ sau ngày 22-10, đạo diễn sinh năm 1991 và những diễn viên, nhạc công hầu hết là nghiệp dư bắt đầu tập luyện để Góc phố trở lại với bảy đêm, từ ngày 7 đến 17-11. Tiếp đó, từ tháng 1-2017, vở nhạc kịch hoàn toàn mới Mộng ước không xa vời vẫn do Phi Anh đạo diễn, viết kịch kiêm sản xuất sẽ ra mắt với 22 đêm diễn, nâng tổng số suất diễn của HOPE lên con số 40.

DANH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên