08/02/2007 21:16 GMT+7

Nhà văn Thuận: Tôi viết văn hoàn toàn độc lập!

Theo: THỦY LÊ - Đẹp 97
Theo: THỦY LÊ - Đẹp 97

“Không phải vô tình mà chiếc đồng hồ mang hình tròn. Mỗi ngày trôi qua, cứ tưởng là đang tiến về phía trước nhưng trên thực tế, đã quay lại vị trí ban đầu. Cuộc sống tù đọng. Chỉ trẻ con mới nghĩ là lớn lên sẽ tự do đến nơi mình muốn, làm điều mình thích. Chín mươi phần trăm chúng ta lần lượt lập gia đình, sinh con, đi làm, khai thuế, nhích dần từng bậc lương, đánh vật với các phương tiện giao thông, uống cà phê như uống nước để chống chọi các cơn buồn ngủ…”

N2SIGGAG.jpgPhóng to
Bìa tiểu thuyết T mất tích
“Không phải vô tình mà chiếc đồng hồ mang hình tròn. Mỗi ngày trôi qua, cứ tưởng là đang tiến về phía trước nhưng trên thực tế, đã quay lại vị trí ban đầu. Cuộc sống tù đọng. Chỉ trẻ con mới nghĩ là lớn lên sẽ tự do đến nơi mình muốn, làm điều mình thích. Chín mươi phần trăm chúng ta lần lượt lập gia đình, sinh con, đi làm, khai thuế, nhích dần từng bậc lương, đánh vật với các phương tiện giao thông, uống cà phê như uống nước để chống chọi các cơn buồn ngủ…”

Một trích đoạn trong T mất tích, tiểu thuyết mới nhất của Thuận sau bộ ba Made in Vietnam, ChinatownParis 11 tháng 8, được đánh giá là “đẩy xa hơn, một bước rất dài, ngưỡng cửa của bất an và hoang vắng của con người hiện đại, trong các xã hội hiện đại”.

Chia tay 2006 bằng "T mất tích" để ... không bị "mất tích" trên văn đàn sau Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11.8 và đang bắt đầu 2007 bằng một cú rẽ khá bất ngờ: dịch sách trinh thám. Thuận nói về... những cách "mất tích" của chị:

* "T mất tích" năm rồi đánh dấu việc Thuận nhất quyết không chịu "mất tích" trên văn đàn. So với ba cuốn tiểu thuyết trước, chị "cho điểm" nó thế nào?

- Trên đường đi của một nhà văn, mỗi tác phẩm tạo nên một cái mốc. Chấm điểm cho chúng chẳng có ích lợi gì, bởi cao hay thấp, thì nhà văn vẫn phải vượt qua.

* Những lời "chấm điểm" của Cao Việt Dũng trong phần giới thiệu "T mất tích" chị thấy sao?

- Tôi đặc biệt thích cụm từ “không - nhân vật” của Dũng. Có lẽ trước đây chưa nghe thấy ai nói thế bao giờ. Đúng là vì tôi cố tình tránh đề tài “nhập cư”, đã được khai thác trong các tiểu thuyết trước, nên phải từ chối phát triển nhân vật gốc Việt ấy, cho cô ta “mất tích” ngay từ đầu. Có lẽ vì thế mà T mất tích có hình thức của một tiểu thuyết trinh thám, cảnh sát hình sự ra vào tấp nập. Cái khác ở đây là tôi không dẫn độc giả đi tìm dấu vết của T, mà cho họ thâm nhập vào cuộc sống Pháp vừa quen vừa lạ.

Tóm lại, T chỉ là một cái cớ, nhưng là một cái cớ quan trọng, để cả tác giả lẫn độc giả được dịp thay đổi. Về cô ta, tác phẩm dành cho không quá ba dòng, nhưng T xứng đáng là nhân vật chính, nhân vật chính - “không nhân vật” như Cao Việt Dũng nhận xét.

* Những tên sách của chị thường có vẻ rất ... dễ bán vì những tên riêng quen mà lạ. Cũng là một cách tạo cái riêng trong văn chương, trước hết?

- Những cái tên ấy được chọn chủ yếu thường là do âm tiết, nhịp điệu. Chinatown chẳng hạn, trong tiểu thuyết, nhân vật chính nhiều lần thốt lên : "Chinatown ! Chinatown! Tôi muốn hỏi tại sao?”. Đúng là uyển chuyển, lại tải được ý trọng tâm của tác phẩm. Còn T mất tích rõ ràng là do “lười” đặt tên, nhân vật chính mà cái tên đầy đủ cũng chẳng có. Lại có thể được thay bằng bất kỳ chữ cái nào. Nếu độc giả nhớ tên tác phẩm là V mất tích, hay P mất tích... tôi cũng không thấy đấy làm buồn. Nhưng hình như chưa ai nhầm thì phải. Có người lý luận T là Thuận. Kể ra cũng là một liên tưởng thú vị!

* Tên nhân vật của chị cũng vậy, có vẻ như được đặt rất lơ là mà vẫn ẩn chứa một sự kỳ công?

- Tôi nhớ một tác giả từng nói: tìm được tên cho nhân vật là viết được hơn nửa. Cầm bút rồi, nghiệm ra mới thấy ông ta có phần đúng. Tên riêng của nhân vật, một từ thôi mà chẳng đơn giản chút nào. Nó phải cùng lúc hoàn thành hai nhiệm vụ rất trừu tượng: khái quát nhân vật và tạo cảm hứng. Tác phẩm mà thành công thì độc giả không thể nào quên được tên nhân vật. Tôi rất thích tên Phượng mà Nguyễn Huy Thiệp đặt cho nhân vật nữ trong Con gái thủy thần. Khó tưởng tượng nổi cô ta có một cái tên khác. Lan ? Huệ ? Tuyết ? Đều không ổn chút nào. Sau này, tôi cũng cho nhân vật chính của Made in Vietnam tên Phượng, không hề cố tình.

Đến Chinatown thì không biết đặt tên nhân vật chính là gì. Cả tiểu thuyết chỉ có hai tên riêng: Thụy và Vĩnh, tên chồng, tên con. Cuối cùng hoá hợp. Nhân vật chính bao giờ cũng nói : bố tôi, mẹ tôi, cậu tôi, mợ tôi, hai thằng em họ của tôi, các đồng nghiệp của tôi... nhưng về chồng, về con thì một mực Thụy, Vĩnh...

Paris 11 tháng 8 mất nhiều thời gian tìm tên nhân vật nhất. Cái mệt là có cả tên Việt lẫn tên nước ngoài. Sau này, một độc giả nhắn tôi là phải cẩn thận, khéo bị nhân vật Michel Mignon đưa ra tòa kiện. Lúc ấy, tôi mới biết ngoài đời có một vị tên như thế, và cũng làm trong ngành xã hội học ở Paris.

* Chồng chị (hoạ sĩ Trần Trọng Vũ, con trai nhà thơ Trần Dần - PV) nói: Thuận viết văn rất khác Trần Dần, ông cụ thì ba mươi năm hầu như ngày nào cũng ngồi vào bàn viết, Thuận thì theo chu kỳ. Cách làm việc nào theo chị mới là chuyên nghiệp?

- Đúng là tôi viết văn theo chu kỳ, kiểu hàng năm tự đặt kế hoạch, rồi cứ thế mà ép mình vào. Đương nhiên là phải luyện tập nhiều hơn nữa thì mới đạt đến mức Trần Dần, để ngày nào cũng có thể ngồi vào bàn làm việc, một cách tự giác. Ba chục năm im lặng cách tân ở Trần Dần là một kỷ lục chưa ai phá nổi!

* Triển lãm sắp đặt vừa được thực hiện tại VN của chồng chị có vẻ cho thấy: sở thích tự trào hình như là điểm tương đồng trong sáng tác giữa hai người?

- Tôi viết văn hoàn toàn độc lập. Nếu có sự tương ứng nào đấy với phong cách của những người quá thân thì chỉ là vô thức.

* 2007 được chị "giao nhiệm vụ" thế nào?

- Tôi đang cùng làm hai công việc có vẻ không được thuận cho lắm là: vừa viết tác phẩm mới, vừa dịch một tiểu thuyết trinh thám. Mới đầu, đề nghị dịch khiến tôi băn khoăn, chỉ lo không được toàn tâm toàn ý cho sáng tác. Bắt tay vào thì thấy thú vị. Cảm giác rất lạ. Như vớ được một trò tiêu khiển bổ ích. Lúc nào mệt mỏi với môi trường do mình tự tạo ra, thì lại đi xem thế giới của người khác. Mà hơn cả “đi xem”, dịch thuật đòi hỏi rất nhiều thứ: khả năng ngôn ngữ, nhạy cảm văn chương, trung thực, cẩn tắc...

Đến bây giờ, tiểu thuyết mới vẫn chưa xong (nên chưa thể tiết lộ gì nhiều), còn tác phẩm dịch, nếu không có gì thay đổi, sẽ xuất hiện trong tủ sách “Tiểu thuyết đen” của Công ty Nhã Nam, dưới tựa đề Xạ thủ nằm bắn, hay một cái gì hấp dẫn hơn thế. Có cần phải nói thêm rằng đó là tác phẩm từng làm thay đổi diện mạo văn chương trinh thám của Pháp?

* Có cần phải nói rằng chị rất khôn khi "mất tích" thế không?!

Thuận: Ngôn ngữ Việt thừa hiện đại và tinh tế để sáng tạo“Khi nhà văn yên vị, tức là lúc ngòi bút bất lực”

Theo: THỦY LÊ - Đẹp 97
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên