17/06/2015 10:07 GMT+7

Nhà văn thì phải sáng tác và có tác phẩm hay

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Hội Nhà văn TP.HCM vừa chọn được một ban chấp hành mới nhân kỳ đại hội lần thứ 7 (2015 - 2020) với ông Trần Văn Tuấn đắc cử chủ tịch hội, hai phó chủ tịch là ông Phạm Sỹ Sáu và Phan Hoàng.

Nhà văn Trần Thanh Giao phát biểu góp ý bản dự thảo điều lệ hội - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Trần Thanh Giao phát biểu góp ý bản dự thảo điều lệ hội - Ảnh: L.Điền

Như thường lệ mỗi 5 năm, một “thế hệ ban chấp hành” mới đang có những ý tưởng để khởi động phong trào văn chương tại đô thị nhộn nhịp năng động này.

Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ 7 dành nguyên một ngày 16-6 để bầu cử và trao đổi các vấn đề thiết thân với mỗi nhà văn.

Những chuyện tồn đọng

Ngay từ quy định điều kiện kết nạp hội viên yêu cầu “phải có hai tác phẩm được xuất bản và được đánh giá có giá trị”, có ý kiến cho rằng quy định này có từ thời Hội Nhà văn TP.HCM mới thành lập, khi đó việc xuất bản không phải như bây giờ.

“Hiện nay người ta có thể bỏ tiền in hai tập thơ một cách đơn giản - nhà văn Lê Dụng ví von - Có hai tập thơ được in nhưng liệu có hay bằng hai bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ ở đây không?".

Chia sẻ với ý kiến này, nhà thơ Vũ Quỳnh cho rằng ngoài điều kiện kết nạp thông thường, hội cũng nên có cơ chế để đưa vào hội những nhà văn, nhà thơ có tài có đức.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa đặt ra tại đại hội mấy vấn đề, trong đó có yêu cầu công khai việc đầu tư sáng tác trong năm năm của nhiệm kỳ vừa rồi “đã dùng bao nhiêu tiền in được bao nhiêu tác phẩm?”.

Ở khoản này, nguyên chủ tịch hội Lê Quang Trang trả lời ngoài báo cáo chung trong văn kiện đại hội, sắp tới hội sẽ cử người làm thống kê và sẽ có báo cáo chi tiết các khoản đầu tư và công khai cho các hội viên cùng biết.

Một điểm khởi sắc trong nhiệm kỳ vừa rồi của Hội Nhà văn TP.HCM là website Nhà văn TP.HCM (http://nhavanTP.HCM.com.vn/) được thành lập và duy trì như một kênh thông tin được hội viên và công chúng đón nhận tốt.

Tuy nhiên, chính website này đang tồn tại như một sự trái khoáy: trước sau do nhà thơ Phan Hoàng “một tay làm hết”, thậm chí kinh phí để duy trì hoạt động như thuê hosting, mua domain cũng do Phan Hoàng bỏ tiền túi ra chi trả. Vậy mà đến đại hội lần này lại có người phê bình cách làm như trên là mang tính cá nhân và chưa được tốt.

Dù vậy, nhà thơ Phan Hoàng vẫn điềm đạm phát biểu rằng website anh duy trì cũng là vì việc chung của hội, và hi vọng trong nhiệm kỳ mới này Hội Nhà văn TP.HCM sẽ bố trí được kinh phí để chẳng những duy trì website Nhà văn TP.HCM mà còn có thể phát triển thêm nhiều mảng nội dung như mong đợi của nhiều hội viên.

Quên công tác dịch thuật?

“Không an tâm”, “thật sự quan ngại”, “tôi sẽ không bỏ phiếu tán thành”... là những ý kiến bày tỏ trong phần góp ý bản dự thảo điều lệ Hội Nhà văn TP.HCM, chiếm gần hết thời gian buổi chiều 16-6.

Đây là một nội dung quan trọng của đại hội lần này, bởi bản điều lệ hội do Sở Nội vụ ban hành trên cơ sở đóng góp ý kiến của hội viên (khác với trước đây, điều lệ hội do các hội tự soạn).

Nhiều nhà văn băn khoăn về khoản 2 điều 4: “Hội chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa - thể thao và các sở có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật”. Những hội viên bên dưới xì xầm: tại sao Hội Nhà văn lại chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa - thể thao?

Và rằng Hội Nhà văn đã nằm trong Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thì khái niệm “các sở liên quan đến hoạt động của hội” là bao gồm những sở nào, sao không nói thẳng ra?

Nhà văn Trần Thanh Giao phát biểu rằng điều này có quan hệ nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà văn trong hội, nên phải góp ý thẳng thắn để chỉnh sửa điều này. “Cá nhân tôi không bỏ phiếu tán thành bản điều lệ này nếu khoản 2 điều 4 vẫn còn”, ông Trần Thanh Giao nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bản điều lệ lại có một số thiếu sót đáng kể. Có ý kiến nêu ra trong điều lệ hội lần này không quy định điều kiện cho phép Việt kiều gia nhập hội, trong khi chúng ta đang hội nhập quốc tế, cũng nên tính đến Hội Nhà văn TP.HCM có hội viên là Việt kiều.

Nhà văn, dịch giả lão thành Lê Trọng Sâm phát biểu cho rằng tám nhiệm vụ của hội viên Hội Nhà văn thiếu một nhiệm vụ “lẽ ra phải là hàng đầu”, đó là nhiệm vụ sáng tác.

“Làm ra tác phẩm hay, tốt cho xã hội là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của mỗi nhà văn, nhưng sao trong điều lệ này lại không nhắc đến”, ông Sâm thắc mắc.

Bên cạnh đó, dịch giả Lê Trọng Sâm cũng góp ý nên bổ sung một mảng hoạt động của Hội Nhà văn hiện đang thiếu vắng trong điều lệ là dịch thuật.

Quả đúng là trong thời kỳ hiện nay, các quan hệ giao lưu quốc tế và hội nhập văn chương giữa các quốc gia, khu vực diễn ra sôi động, mà bản điều lệ Hội Nhà văn TP.HCM lại không hề nhắc đến công tác dịch thuật thì khó có thể chấp nhận.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu thay mặt đoàn chủ tịch ghi nhận các ý kiến đóng góp của hội viên, “để hoàn thiện dự thảo bản điều lệ và trình Sở Nội vụ duyệt thông qua”.

Cũng trong bản điều lệ này, ban chấp hành mới phải xây dựng một loạt văn bản, quy chế để hoạt động trong các nội dung, chứ không phải ban chấp hành mới lên rồi bắt tay vào làm việc theo cách thông thường như trước đây nữa.

Đây cũng là một kiểu mới trong “thế hệ ban chấp hành Hội Nhà văn” lần này.

Danh sách ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ 7 (2015 - 2020) gồm: Trần Văn Tuấn - chủ tịch hội, Phạm Sỹ Sáu - phó chủ tịch, Phan Hoàng - phó chủ tịch, các ủy viên: Trương Nam Hương, Trầm Hương, Lê Thị Kim, Trịnh Bích Ngân, Phan Trung Thành và Trần Nhã Thụy.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên