Phóng to |
Lê Minh Khuê |
Trong phút trà dư tửu hậu, nhà văn Lê Minh Khuê, một trong những người đứng tên tuyển chọn, đã "mạn đàm" về cái gọi là "tư cách Oshin" và những câu chuyện của chị…
* Thật ra, Bến Oshin có nhiều truyện hơi vụng và cách khai thác sáo mòn…
- Thì, làm sách cũng phải cho "dày dày" thêm một chút… Một tuyển tập có 2/3 truyện khá "cõng" được 1/3 truyện hạng trung bình là tốt lắm rồi. Hơn nữa, mình làm biên tập, đôi khi phải chiều theo thị hiếu "thượng đế". Vì trăm "thượng đế" có trăm "gu" khác nhau. Người thích tầm phào, người thích ngẫm ngợi… Nhiều truyện mình thấy "nhạt", nhưng độc giả lại thích. Làm tuyển tập cũng giống như dọn cỗ, có món chính, món phụ, món tráng miệng, món đi kèm… Vả lại, tôi thấy truyện cũng bán được.
Đây chẳng qua là một cách làm sách theo chuyên đề. Trước đây, chúng tôi đã cho xuất bản những truyện kinh dị, truyện vui vui, truyện yêu đương lãng mạn tay ba tay tư. Rồi cả một tuyển Bãi biển, chuyện về đời sống-bãi tắm nữa…
* Tức là các nhà làm sách bây giờ cũng phải biết "nhạy bén", một trong những "hệ quả" là văn chương cũng nhuốm mùi "kinh tế thị trường"…
- Ngược lại, tôi thấy "bãi tắm" hay "Oshin" là những đề tài hoàn toàn nghiêm túc. Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Cho nên đừng nhìn họ ở những khía cạnh to tát. Ngay ở bãi tắm và ở trong cái bếp nhà anh cũng có khối chuyện nhân tình thế thái phải rỏ nước mắt, phải ôm bụng cười đấy.
Đó là cách người ta yêu nhau, người ta ăn uống, người ta lừa dối, phản trắc, tử tế hay bất lương… đều có cả. Ngay nhà văn vĩ đại như Chekhov cũng lấy "bãi tắm" làm đề tài, và ông đã viết rất hay truyện Người đàn bà và con chó nhỏ.
* Văn học cổ điển phương Đông thường nói đến "tùng, cúc, trúc, mai", "long, ly, quy, phượng", rồi "tài tử-giai nhân", tức là toàn những thứ cao quý. Ấy là vì trong xã hội phong kiến, các bậc tao nhân mặc khách nghiễm nhiên trở thành nhân vật trung tâm… Còn bây giờ, các nhà văn ta - từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già, từ lạ hoặc đến quen biết đều đồng thanh "nói xấu" Oshin… Vậy ra, "Oshin", hay "kiểu Oshin" đang có triển vọng trở thành nhân - vật - điển - hình của văn chương đương đại?
- Tôi luôn thấy Oshin là nhân vật có tính thời đại, cũng giống như AQ là nhân vật điển hình của xã hội Trunh Hoa. Oshin giờ đây không chỉ ở xó bếp mà Oshin đã ra ngoài xã hội, Oshin đã đến công sở, đã ra đường, ra chợ mất rồi.
Cuộc sống bây giờ cái gì cũng hối hả. Người ta không ai chịu ngồi lại một chút để ngẫm ngợi. Thậm chí, cả người viết cũng đang dần trở nên cằn cỗi. Tôi có cảm giác người ta thao tác mọi việc như một cái - máy - vô - cảm. Mà "thao tác như một cái máy" - đó là tính chất công việc của Oshin mất rồi.
Nhưng, "nó" (Oshin-PV) không chỉ thao tác như cái máy, "nó" còn quen thói nô lệ và vô trách nhiệm. Hai bản tính Oshin ấy tồn tại dai dẳng từ hàng trăm, hàng triệu năm, từ trong xã hội cổ đại chiếm hữu nô lệ đến tận bây giờ.
Tôi lấy ví dụ, cái "mốt" xuất khẩu lao động, lấy chồng Đài Loan của chị em thời nay, tự bản thân điều đó không xấu, nhưng do thói quen, tập tính "Oshin" dai dẳng nên người Việt mình đã tự biến thành những kẻ lười nhác, thích hưởng thụ, thích dựa dẫm… Rồi tệ nạn tham nhũng, cấp dưới sợ cấp trên, mẹ cấp trên chỉ "hắt hơi 2 cái", hôm sau cấp dưới đã đến nhà thăm hỏi… cũng là một thói Oshin rồi.
Ở nước mình, khi anh xây một cái cầu để làm đẹp cho chính quê hương anh, để chính anh tự hào về mình thế mà chỉ dùng 1/3 số tiền vào việc xây cầu còn 2/3 anh đút túi. Đó chính là thói "Oshin", thói nô lệ đồng tiền và tập tính "thích ăn xổi ở thì". Còn nữa, nếu anh biết tự trọng thì anh đã không bao giờ xả rác ra đường. Nếu anh vứt rác ra đường mà biết đỏ mặt thì tư cách của anh đã khác đi. Nhưng vấn đề là anh chưa vượt qua được "tư cách Oshin"…
* Nếu thế thì cái "tư cách Oshin" ấy, báo chí khai thác còn sinh động và nhanh nhạy hơn văn chương. Viết về Oshin vừa khó lại vừa dễ…
- Trong mớ bề bộn của đời sống, nhà văn phải đứng trên một cái ghế cao hơn để tiếp cận và lý giải… Điều đó phụ thuộc vào khả năng của anh ta. Chứ viết về Oshin nếu muốn xô bồ thì cũng dễ "như ăn cháo" nhưng rồi sẽ khó có thể lưu giữ lại được. Văn chương đủng đà đủng đỉnh, song cũng vì thế mà nhớ lâu hơn…
Chẳng nói đâu xa, người Trung Hoa cũng đã có cuốn Người Trung Quốc tự trào và Người Trung Quốc xấu xí để tự phê dân tộc mình… Nhưng nhà văn VN mình nếu có viết ra dăm ba quyển tự trào như thế, người ta cũng cười "hì hì" đấy. Cười xong chuyện đâu lại vào đấy…
* Nhưng việc biên tập viên Lê Minh Khuê cho ra những tuyển tập "ăn xổi" gần đây dường như cũng là "vô trách nhiệm" ?
- Công việc của tôi chỉ là đọc - kỹ - thuật - thô. Bây giờ nhà văn thì ít, tác giả thì nhiều. Hơn nữa mỗi ngưòi có một cách viết. Tác phẩm của anh sống được hay không là do tự thân nó.
Còn với người biên tập, anh cũng phải tạm chấp nhận những cái làng nhàng, có điều đừng quá tệ thôi. Uy tín, thương hiệu thì cũng cần phải sống. Độc giả cũng nên tỉnh táo chấp nhận cả 2 loại sách: sách "phong trào" và tác phẩm.
* Chị giải thích thế nào, khi Màu xanh man trá - tập truyện ngắn mới nhất của chị lại đã in ở NXB Phụ Nữ…
- Ban đầu tôi mang bản thảo đến NXB Hà Nội, nhưng không được duyệt. Đến NXB Văn Học, "nhà" này cũng lắc. NXB Công an cũng từ chối. Đến NXB của mình cũng chẳng xong. Rốt cuộc chỉ có NXB Phụ Nữ gật.
* Vì…
- Tôi tự thấy chất lượng tác phẩm không tệ hơn những cái đã viết, nhưng cũng không khá hơn. Có điều cũng có kha khá truyện ngoại tình…
* Nhà văn nữ thì thường viết truyện ngoại tình…
- Trăm hoa đua nở. Văn chương cũng nên "vui vẻ" một tí… Người Việt mình không phải là dân tộc bị tác động bởi văn chương. Thành ra văn chương cũng không có mấy sức nặng. Tôi cũng không tin lắm vào quan điểm viết để tác động, để cải tạo hay cải biến. Ngay chồng tôi cũng không bao giờ đọc những cái tôi viết. Thỉnh thoảng có vài cháu sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp thì phải đọc chứ chẳng phải để thưởng thức …
* Nhưng cũng không thể phủ nhận nhà văn mình ít có tư tưởng lớn…
- Không phải vì mình không có tư tưởng, mà vì mình không coi trọng tư tưởng và thích gió chiều nào, che chiều nấy… Con người nhiều khi cũng giống như phận cỏ.
* Hình như Lê Minh Khuê bây giờ khác rất nhiều so với Lê Minh Khuê - thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê "xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước"…
- Mỗi ngày mình cứ lớn lên, già đi. Người chung quanh mình cũng thay đổi. Và bản thân mình cũng thay đổi. Thời chiến, người ta ngu ngơ hiền lành và "liều mình như chẳng có" khi xông vào chỗ chết. Thời bình thì cũng chính những người ấy lại tha hoá rồi tìm cách tư túi. Thế hệ chúng tôi có lỗi trong việc làm hư bọn trẻ bây giờ. Chẳng qua cũng chỉ vì cái tư cách Oshin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận