Phóng to |
Ông Trần Đình Hồng, phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết trước yêu cầu cấp thiết dựng lại nhà sau bão cho người dân, nhất là bộ phận dân nghèo, đồng thời với yêu cầu nhà xây mới phải đảm bảo các yếu tố cần thiết về công năng sử dụng và tránh được gió bão, các kỹ sư trẻ tại Viện Qui hoạch TP Đà Nẵng (thuộc Sở Xây dựng) đã gấp rút tìm ra nhiều phương án thiết kế nhà tránh bão. Phương án xây nhà kiên cố tránh bão với mức kinh phí khống chế dưới 15 triệu đồng/căn do viện thiết kế đã được các quận, huyện và UBND TP Đà Nẵng chấp thuận.
Các địa phương khác nếu có nhu cầu xây nhà tránh bão hoặc muốn phổ biến mô hình nhà tránh bão cho dân, xin liên hệ Viện Qui hoạch TP Đà Nẵng (165 Trần Phú, Đà Nẵng, ĐT: (0511)882801 - 871835). Viện sẽ cung cấp bản vẽ và hướng dẫn cách xây nhà tránh bão. |
Nếu mái lợp tôn thì phải sử dụng tôn dày ít nhất 0,45mm. Tôn được bắt vít chặt vào xà gồ với khoảng cách các đinh là 20-30cm. Xà gồ phải được neo chắc chắn vào phần thân bằng thép phi 6, khoảng cách các xà gồ nên nhỏ hơn 1m. Đối với hộ gia đình có điều kiện thì nên làm mái BTCT.
Trong trường hợp khó khăn không xây được nhà khung BTCT thì khi xây nhà cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản “neo - giằng - liền khối” và một số yêu cầu tối thiểu như về tường và mái. Theo đó, để tường chịu được lực, nên xây tường có bề dày tối thiểu 20cm; gạch và vữa xây phải đảm bảo cường độ chịu lực.
Trong nhà, cần bố trí tường ngang để tạo không gian phòng ở kết hợp tăng độ cứng không gian cho công trình. Trong tường cần có hệ giằng BTCT để liên kết chắc chắn các bức tường với nhau, đồng thời tạo chỗ liên kết tốt với phần mái. Khoảng cách giữa các tường ngang, tường dọc nên nhỏ hơn 4m.
Mái nhà cần sử dụng vật liệu lợp mái, kèo và xà gồ mái (litô, cầu phong nếu có) đúng qui cách, đảm bảo chịu lực và liên kết chắc chắn với nhau. Kèo, xà gồ cần được liên kết và neo chắc chắn vào tường chịu lực tại vị trí giằng BTCT.
Ngoài ra cần tăng cường độ cứng mái bằng cách sử dụng hệ giằng mái. Mái nhà không nên có đoạn vươn ra tường ngoài nhà. Không nên xây nhà có gác lửng mà không có móng + trụ + dầm BTCT. Bố trí cửa, ô thông gió đảm bảo đóng kín khi có gió bão.
Đối với các vùng có nguy cơ ngập lụt, các hộ gia đình khi xây nhà cần tận dụng chiều cao thông thủy để làm gác tránh lũ (trong trường hợp không đủ điều kiện xây nhà kiên cố), cốt sàn cao hơn cốt ngập lụt và không nhỏ hơn 2,5m so với cốt nền. Nhà phải được xây dựng trên kết cấu móng đảm bảo ổn định và chịu lực. Khi nền đất yếu, cần có biện pháp gia cố thích hợp.
Sở Xây dựng cho biết sẽ có khoảng 200 hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách và hộ nghèo của thành phố được xây dựng lại nhà theo phương án nhà tránh bão, với kinh phí do UBND TP hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận