Người mẫu Thanh Hằng trong một mẫu thiết kế của NTK Công Trí thuộc bộ sưu tập Em Hoa - Ảnh: TANG TANG
Cái tên "Cục im lặng" gây sự tò mò rất lớn. Tại sao lại im lặng, trong im lặng có gì?
Tôi chọn thái độ sống im lặng, không nghe thị phi, dành thời gian đó để học, trau dồi, nâng cao kỹ năng của mình. Khi mình càng lớn, mình càng ít ồn ào. Quá trình im lặng là quá trình trưởng thành.
Nhà thiết kế NGUYỄN CÔNG TRÍ
Không muốn thời trang dừng lại ở cái áo, cái quần
Nhân vật chính của triển lãm là 10 bộ sưu tập lần lượt mang tên: Trắng, Cãi lại, Cảm, Cắt lớp, Trói, Nấm, Cảm ơn Sài Gòn, Tiếng Vọng, Lúa, Em Hoa. Nguyễn Công Trí cùng với giám tuyển của mình đã mời cộng tác các nghệ sĩ mà anh cảm thấy phù hợp với từng bộ sưu tập.
Những nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh, múa đương đại, điện ảnh… lấy cảm hứng từ những bộ sưu tập của Nguyễn Công Trí sẽ tạo nên những tác phẩm độc lập.
Triển lãm "Cục im lặng" chính là cuộc đối thoại của thời trang với nhiều bộ môn nghệ thuật khác, bởi Công Trí là nhà thiết kế "không muốn thời trang dừng lại ở cái áo, cái quần". Anh muốn được sống trong không gian nghệ thuật, vì mong muốn cái đẹp của nghệ thuật sẽ khơi gợi sự tốt đẹp nơi con người.
"Tôi chỉ biết được một phần phác thảo tác phẩm của 10 nghệ sĩ thông qua email, đến ngày triển lãm tôi mới chính thức được nhìn thấy chúng. 10 nghệ sĩ nghe câu chuyện của tôi, dựa vào từng bộ sưu tập của tôi, họ tạo nên tác phẩm riêng của họ. Tác phẩm đó thuộc về họ, sau này tôi muốn trưng bày ở đâu phải xin phép họ" - nhà thiết kế Nguyễn Công Trí cho biết trong cuộc gặp gỡ báo giới Hà Nội mới đây.
Im lặng làm nghề
Triển lãm có 10 không gian khác nhau, và đó là 10 lối đi dẫn vào "bộ não" của Nguyễn Công Trí. Không gian này sẽ giúp khán giả hiểu nhà thiết kế suy tư gì, vì sao anh lại sáng tạo nên những bộ sưu tập như thế.
Nguyễn Công Trí cho biết "Cục im lặng" cũng chính là "bài tập tốt nghiệp" sau 20 năm làm nghề thời trang của anh. Anh học ngành thiết kế công nghiệp, nhưng vì đam mê thời trang nên đã mày mò tự học mà thành.
Ngay từ khi khởi nghiệp, anh đã say sưa với những thử nghiệm, cách tân. Cảm hứng cho các bộ sưu tập của anh có thể đến từ vẻ đẹp của thiên nhiên, từ tấm chụp CT cơ thể của chính anh sau lần bị ốm, từ những suy tư về kết nối của con người trong thời đại số…
"Tôi tìm cảm hứng dễ lắm, phần lớn là trong đời sống hằng ngày. Ý tưởng của tôi rất ất ơ như lúa, gạo, hoa, hạt sương… Với thời trang, quan trọng là có kỹ thuật để tạo được những phom dáng thể hiện ý tưởng của mình" - Công Trí nói.
Công Trí cho biết suốt 20 năm qua, ngoài lời khen anh còn nhận về nhiều chỉ trích. Nhiều người cho rằng 10 bộ sưu tập của anh không cho thấy phong cách thiết kế nhất quán. "Dù ai nói gì, tôi vẫn tâm niệm ngay từ đầu tôi muốn trải qua mọi phong cách, trường phái để chắt lọc ra những gì tốt nhất. Đó là cách tôi tự hành hạ bản thân trong mười mấy năm trời".
"Tôi tìm thấy bình an trong chính mình" - Công Trí chia sẻ. Trí là người ít diễn ngôn về nghề nghiệp, mà chỉ tập trung sáng tạo. Im lặng không chỉ là triết lý làm nghề, mà còn là triết lý sống sau 20 năm anh mới quyết định giãi bày.
Một số mẫu trong 10 bộ sưu tập của Nguyễn Công Trí:
Bộ sưu tập No.1 lấy màu trắng là chủ đạo. Công Trí coi màu trắng là thứ màu "câm", nhưng lại muốn dùng nó để cất lên biểu cảm đa ngôn đa nghĩa.
Với bộ sưu tập đầu tiên này, nhà thiết kế chọn chọn chất liệu chủ đạo là voan lưới, được xếp rất nhiều layer dập thủ công, tạo thành khối lớn.
No.2 là một bài tập khó: lấy ý tưởng từ áo dài, nhưng không phải áo dài, và áo dài vẫn hiển hiện theo cách khác.
Công Trí đã "cãi lại" truyền thống theo cách như vậy.
Làng quê và thiên nhiên hiển hiện trong bộ sưu No.3 ấm sực tình yêu và lộng lẫy, mơ mộng như đám mây đẹp bay qua ngôi làng nhỏ vào một ngày trời trong.
No.4 là bộ sưu tập đa chất liệu: cước, sợi nilon, nỉ, tơ tằm, thun - với kỹ thuật tổng hợp của thêu, in, vẽ tay…
Có những bộ, riêng phần thêu kéo dài hơn 2 tháng để phủ kín 100% diện tích mặt vải bằng hình ảnh những bó cơ và mạch máu. Bộ sưu tập ra đời sau khi Công Trí bị ốm nặng, và anh đã tìm thấy cảm hứng khi ngắm các tấm phim chụp cắt lớp CT cơ thể mình.
No.5 nổi bật với hệ thống gọng vải đính lại thành hình khối, phát triển từ form dáng cường điệu của đầm váy. Công Trí muốn bày tỏ những bức bối của mình về một xã hội bị phụ thuộc vào máy móc và công nghệ.
No.6 là một bản tụng ca về sức sống bất diệt và cuồng điên - qua một loài dị biệt trên Trái Đất này: Nấm.
No.7 lấy cảm hứng từ Sài Gòn với khí chất phóng khoáng, hào sảng.
Bức bối dở dang của BST No.5 vẫn ám ảnh và được trở lại trong No.8. Con người bị phụ thuộc và trói buộc bởi các thiết bị công nghệ; chúng ta tắt các giao tiếp thực sự và thuần khiết để những kết nối ảo bủa vây mình.
No.9 đánh dấu thương hiệu Nguyễn Công Trí bước ra biển lớn. Để đi xa, Công Trí chọn ADN của dân tộc mình, là LÚA – kết tinh trầm tích văn hóa muôn đời của người Việt.
No.10 "EM HOA" được lấy cảm hứng từ hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng hoa bán dạo ở Saigon.
Nguyễn Công Trí là cử nhân ngành Thiết kế Công nghiệp nhưng lại đắm say với thời trang và lấn sân thời trang bằng con đường tự học. Vietnam International Fashion Week đã vinh danh Nguyễn Công Trí là "Nhà thiết kế Thời trang có Sức ảnh hưởng nhất Việt Nam".
Tờ Independent của Anh Quốc nhận định anh là nhà thiết kế tiên phong trong quá trình thay đổi diện mạo nền thời trang đương đại của Việt Nam. Vogue Mỹ thì khẳng định Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế Việt duy nhất chạm đến đường biên thật sự của thời trang cao cấp (Haute Couture), với những sáng tạo khơi gợi cảm xúc người xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận